Nhóm nghiên cứu UEL khảo sát kinh nghiệm phát triển nhanh và bền vững của Hàn Quốc và Nhật Bản

Triển khai thực hiện các nội dung của đề tài cấp Nhà nước: “Phát triển nhanh và bền vững: kinh nghiệm thành công của thế giới và định hướng chính sách của Việt Nam trong bối cảnh mới”, mã số KX.04.10/16-20 thuộc Chương trình khoa học trọng điểm quốc gia giai đoạn 2016-2020, nhóm nghiên cứu do PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng – Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế - Luật, chủ nhiệm Đề tài làm trưởng đoàn đã có chuyến khảo sát thực tiễn và tìm hiểu kinh nghiệm phát triển nhanh và bền vững (PTN&BV) tại Hàn Quốc và Nhật Bản từ ngày 22.4 đến ngày 28.4.2018.

Ở Hàn Quốc, nhóm nghiên cứu đến thăm Trường Đại học Pukyong ở thành phố Busan và tổ chức seminar với các giáo sư kinh tế về kinh nghiệm PTN&BV của Hàn Quốc có thể áp dụng cho Việt Nam. Ở Nhật Bản, nhóm nghiên cứu đến thăm trường Đại học Keio, trường Đại học Waseda và tổ chức seminar, thảo luận với các giáo sư ở hai trường đại học này về kinh nghiệm PTN&BV của Nhật Bản và những gợi ý chính sách đối với Việt Nam. 


Nhóm nghiên cứu của UEL chụp hình lưu niệm với Hiệu trưởng và các giáo sư của ĐH Pukyong


GS Heejin Han – Trường Đại học Pukyong báo cáo tại buổi seminar

Tại các buổi seminar, PGS. TS Nguyễn Tiến Dũng – Chủ nhiệm đề tài, Trưởng nhóm nghiên cứu trình bày những kết quả nghiên cứu bước đầu về kinh nghiệm PTN&BV của Hàn Quốc, Nhật Bản. Các giáo sư, nhà khoa học ở các đại học bạn tại Hàn Quốc và Nhật Bản cũng đã chuẩn bị chu đáo các báo cáo, chia sẻ kết quả nghiên cứu về lịch sử phát triển nền kinh tế của Hàn Quốc, Nhật Bản, đánh giá những thách thức mới đang đặt ra và đưa ra những gợi ý phát triển kinh tế đối với Việt Nam. Nhóm nghiên cứu và các giáo sư, nhà khoa học Hàn Quốc, Nhật Bản thảo luận về các vấn đề: các nhân tố, điều kiện về nguồn lực và cơ chế chính sách giúp Hàn Quốc, Nhật Bản PTN&BV sau chiến tranh, trở thành nước công nghiệp phát triển như hiện nay; thực tiễn và kinh nghiệm trong việc khắc phục và vượt qua những khủng hoảng, suy thoái về kinh tế, chính trị để đảm bảo cho PTN&BV; thể chế kinh tế, chính trị và mối quan hệ giữa nhà nước, chính phủ, doanh nghiệp, người dân; các thiết chế cần thiết cho sự gắn kết giữa chính phủ, doanh nghiệp, người dân đảm bảo cho sự phát triển hài hoà; mô hình, chính sách mang tính đột phá đã giúp nền kinh tế và xã hội Hàn Quốc, Nhật Bản đạt được các thành tựu như hiện nay… 

Phát biểu trong các buổi seminar, các giáo sư ở những trường bạn, đặc biệt là giáo sư Trần Văn Thọ ở Đại học Waseda đánh giá cao những ý tưởng của nhóm nghiên cứu, mục tiêu nghiên cứu và ý nghĩa thiết thực mà đề tài có thể đóng góp cho việc xây dựng và hoạch định chính sách phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam trong bối cảnh đất nước ta đã bỏ lỡ nhiều cơ hội để phát triển trong quá khứ và hiện đang đối mặt với nhiều thách thức của thời đại mới. 


Nhóm nghiên cứu UEL thảo luận với GS Trần Văn Thọ ở Đại học Waseda 

Bên cạnh việc tổ chức các buổi seminar, nhóm nghiên cứu cũng đã tiến hành khảo sát kinh nghiệm và thực tiễn phát triển ở thủ đô Seoul và thành phố Busan của Hàn Quốc; thủ đô Tokyo, thành phố Kyoto và Osaka của Nhật Bản cũng như trao đổi về cơ hội hợp tác, liên kết trong đào tạo và NCKH giữa các trường ĐH lớn của Hàn Quốc và Nhật Bản. 

Đợt khảo sát này đã mang lại cho nhóm nghiên cứu nhiều nhận thức và tư liệu mới về kinh nghiệm phát triển kinh tế - xã hội của Hàn Quốc và Nhật Bản, có ý nghĩa rất thiết thực để thực hiện các nội dung trong khuôn khổ đề tài KX.04.10/16-20 và góp phần tăng cường năng lực nghiên cứu, hợp tác quốc tế trong lĩnh vực này./. 


PGS. TS Nguyễn Tiến Dũng tặng quà lưu niệm cho GS. Yukihiro Ikeda, Trưởng khoa Kinh tế, Trường ĐH Keio 

TS. Nguyễn Thanh Trọng
Thư ký Khoa học Đề tài