Trường Đại học Kinh tế - Luật tham dự Diễn đàn kinh doanh IoT Châu Á năm 2018

Ngày 12.11 và 13.11.2018, tại TP.HCM đã diễn ra Diễn đàn kinh doanh IoT Châu Á năm 2018 (Asia IoT Business Platform), thu hút rất nhiều tổ chức, doanh nghiệp trong và ngoài nước đến tham dự. Trường Đại học Kinh tế - Luật, Đại học Quốc gia TP.HCM đóng vai trò đối tác địa phương tại Diễn đàn kinh doanh IoT Châu Á 2018.

Diễn đàn kinh doanh IoT Châu Á là nơi kết nối với các cơ quan Chính phủ, Trung ương và địa phương của các quốc gia, các công ty đa quốc gia ở các ngành sản xuất và dịch vụ, khoa học và giáo dục khu vực Châu Á trong việc tiếp cận và sử dụng IoT. Diễn đàn giúp gắn kết với chiến lược chuyển đổi công nghệ số, thúc đẩy các tổ chức, doanh nghiệp tìm hiểu về khả năng cung cấp giải pháp IoT quốc tế với khách hàng tiềm năng và đối tác của họ tại các thị trường địa phương để phát triển kinh doanh trong khu vực Châu Á.

Diễn đàn kinh doanh IoT Châu Á đã tổ chức thành công 25 lần tại các quốc gia: Singapore, Indonesia, Malaysia, Thailand, Philippines, Việt Nam, Myanmar, Trung Quốc và Đài Loan với sự tham dự của lãnh đạo cấp cao các nước chủ nhà và hàng ngàn công ty đa quốc gia. Đây là lần thứ 3 Diễn đàn được tổ chức tại Việt Nam. 


Ông Trần Vĩnh Tuyến – Phó Chủ tịch UBND TP.HCM phát biểu khai mạc
Diễn đàn kinh doanh IoT Châu Á 2018 tại TP.HCM




PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng – Hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế - Luật tặng quà cảm ơn Ban tổ chức Diễn đàn

Tại Diễn đàn, bên cạnh các phiên thảo luận về các vấn đề đang rất được quan tâm như: thành phố thông minh, vận tải và logistics, tài chính và bán lẻ;… các đơn vị tham gia Diễn đàn cũng đặt những gian triển lãm giới thiệu về đơn vị cùng một số sản phẩm công nghệ nổi bật.


Một phiên thảo luận tại Diễn đàn kinh doanh IoT Châu Á năm 2018

Tham gia Diễn đàn, Trường Đại học Kinh tế - Luật, ĐHQG TP.HCM đã giới thiệu robot trí tuệ nhân tạo do giảng viên và sinh viên nhà trường nghiên cứu phát triển. Robot do TS Lê Hoành Sử cùng các cộng sự tại BI Lab, Khoa Hệ thống thông tin, Trường ĐH Kinh tế - Luật hợp tác với GB Smart nghiên cứu và chế tạo. 

Peterbot (tên của robot), có thể giao tiếp với người đối diện, tự trả lời các câu hỏi về kiến thức thông thường hay những câu hỏi hài hước thú vị. Robot này cũng có thể tự đi lại, cử động tay chân, lắc đầu, hát nhạc và thực hiện các điệu nhảy múa đơn giản. Với ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI – Artificial Intelligence), robot được điều khiển bằng giọng nói hoặc thông qua lập trình bởi người dùng. Đặc biệt, nhờ tích hợp trí tuệ nhân tạo và khả năng tương tác của robot, học sinh có cơ hội thực hành giao tiếp tiếng Anh và làm cho việc học tiếng Anh trở nên thú vị. Ngoài ra, robot cũng có thể sử dụng để đào tạo lập trình bằng đồ họa cho sinh viên, học sinh. 

Ngoài ra, với nền tảng và công nghệ hiện tại ở BI Lab, Trường ĐH Kinh tế - Luật, nhóm nghiên cứu dự kiến sẽ đưa ra các sản phẩm robot ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong dịch vụ tư vấn khách hàng, tư vấn tuyển sinh để nâng cao trải nghiệm khách hàng và tiết kiệm nhân lực các công việc lặp đi lặp lại trong lĩnh vực ngân hàng, giáo dục và dịch vụ bán lẻ.






Một số doanh nghiệp và Hiệp hội tham quan gian triển lãm của Trường ĐH Kinh tế - Luật
và rất quan tâm đến Peterbot

Thực hiện: CCA