Ảnh hưởng từ việc phát hành đồng nhân dân tệ số

(KTSG) - Trung Quốc đang tích cực thực hiện quốc tế hóa đồng nhân dân tệ qua đồng tiền số (DCEP). DCEP sẽ cho phép Trung Quốc tăng cường sự hiện diện đồng tiền của mình để được quốc tế chấp nhận hơn trong khi vẫn có thể kiểm soát dòng tiền vào và ra khỏi nền kinh tế của mình.

Một số đặc điểm

Tháng 10-2020, Trung Quốc công bố phát hành thử nghiệm đồng nhân dân tệ số, hay còn gọi là tiền số thanh toán điện tử - DCEP (Digital Currency Electronic Payment), dự kiến sẽ sử dụng chính thức tại Thế vận hội mùa đông Bắc Kinh 2022.

Đến ngày 16-1-2021, SWIFT đã thành lập một liên doanh tại Bắc Kinh với Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBoC) cùng với các cổ đông khác là Hệ thống thanh toán liên ngân hàng xuyên biên giới của Trung Quốc (CIPS) và Hiệp hội Thanh toán và Bù trừ của Trung Quốc. Đây được xem là một tín hiệu cho thấy Trung Quốc đang tích cực thực hiện việc quốc tế hóa nhân dân tệ.

Đồng nhân dân tệ số là dạng tiền số của Trung Quốc. Nó đã được PBoC phát hành quy mô nhỏ trong chương trình thử nghiệm của mình. DCEP được thiết kế để thay thế hệ thống tiền dự trữ và được cố định với nhân dân tệ theo tỷ lệ 1:1. So sánh với các loại tiền số và các phương tiện thanh toán khác, DCEP có những đặc điểm như sau (xem bảng).

Dù không có thông tin chi tiết chính thức về cách thức hoạt động của DCEP, nhưng việc phát hành và phân phối DCEP sẽ dựa trên một hệ thống hai cấp. Cấp đầu tiên sẽ là phát hành DCEP từ PBoC cho các ngân hàng thương mại và các tổ chức phi tài chính như Alibaba, Tencent và UnionPay (các tổ chức trung gian). Cấp thứ hai sẽ là phân phối DCEP từ các trung gian nêu trên cho người dùng cuối như các công ty và cá nhân. Người dùng cuối có thể thực hiện thanh toán bằng ví DCEP (thanh toán qua mã QR, NFC,...).

Cho đến nay, Trung Quốc chưa có khuôn khổ pháp lý chính thức đối với DCEP. Ngày 22-7-2020, thuật ngữ “tiền số” đã được đề cập trong một văn bản do Tòa án Nhân dân Tối cao Trung Quốc và Ủy ban Cải cách và Phát triển quốc gia đưa ra (cung cấp dịch vụ tư pháp và bảo vệ để đẩy mạnh cải thiện hệ thống kinh tế thị trường xã hội chủ nghĩa trong kỷ nguyên mới).

Theo đó, Trung Quốc sẽ “tăng cường bảo vệ các quyền và lợi ích mới như tiền tệ số, tài sản ảo trực tuyến và dữ liệu. Đây có thể được xem là cơ sở pháp lý ban đầu cho tiền số. Ngoài ra, vào ngày 23-10-2020, PBoC đã công bố dự thảo sửa đổi Luật Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc để lấy ý kiến cộng đồng (dự thảo Luật Ngân hàng Trung ương).

Dự thảo luật này quy định rằng nhân dân tệ bao gồm cả dạng vật chất và dạng số, tạo cơ sở pháp lý cho việc ban hành DCEP. Hơn nữa, dự thảo luật này nhắc lại rằng, ngoài DCEP, không ai được sản xuất và bán các token số thay thế cho nhân dân tệ.

Mục tiêu, ảnh hưởng của việc phát hành đồng nhân dân tệ số

Việc phát hành đồng nhân dân tệ số của Trung Quốc hướng đến hai mục tiêu chính: (1) Trong nước: tăng hiệu quả/an toàn; thúc đẩy tài chính toàn diện; chống tội phạm; ẩn danh cao nhưng vẫn kiểm soát được; chống độc quyền; phục vụ chính sách tiền tệ. (2) Quốc tế: đảm bảo chủ quyền tiền tệ; quốc tế hóa nhân dân tệ.

Việc phát hành đồng DCEP trong nội địa sẽ có tác động đến các công ty nước ngoài hướng đến người tiêu dùng Trung Quốc. Theo đó, các doanh nghiệp nước ngoài cần quan tâm liệu người tiêu dùng Trung Quốc có gia tăng việc sử dụng DCEP hay không và liệu hoạt động kinh doanh của mình có bị ảnh hưởng tiêu cực nếu không sử dụng DCEP hay không.

Trên bình diện quốc tế, DCEP sẽ mở rộng khả năng tiếp cận tiền tệ của Trung Quốc. Chính phủ Trung Quốc đã thực hiện các bước để thúc đẩy quốc tế hóa đồng tiền của mình và thúc đẩy việc áp dụng nhân dân tệ để thay thế đô la Mỹ làm đồng tiền dự trữ ngoại hối chính của thế giới.

Nhưng quá trình này đã bị đình trệ kể từ năm 2016. Mặc dù ban đầu Trung Quốc sẽ phát hành DCEP cho các ngân hàng trong nước và các trung gian thanh toán trong nước, nhưng DCEP có thể tăng khả năng tiếp cận của nước ngoài đối với nhân dân tệ mà không phụ thuộc vào cung và cầu trên thị trường. DCEP sẽ tăng cường khả năng thanh toán trong thương mại xuyên quốc gia, hoán đổi tiền tệ song phương và đa phương với nhiều quốc gia tham gia Sáng kiến Vành đai và Con đường.

Hơn nữa, với DCEP, công dân của bất kỳ quốc gia nào cũng có thể truy cập vào điện thoại di động hoặc máy tính và ví thanh toán - không bị ràng buộc bởi các quy định - dễ dàng chuyển tiền tệ của quốc gia đó sang DCEP. DCEP sẽ cho phép Trung Quốc tăng cường sự hiện diện đồng tiền của mình để được quốc tế chấp nhận hơn trong khi vẫn có thể kiểm soát dòng tiền vào và ra khỏi nền kinh tế của mình.

Cuối cùng, tiền kỹ thuật số của ngân hàng trung ương (CBDC) theo mô hình Trung Quốc có thể lan sang các quốc gia mới nổi khác theo hiệu ứng đi tắt đón đầu, nếu DCEP có thể vượt qua các thách thức công nghệ và được công nhận là có hiệu quả trong việc giải quyết các vấn đề như an toàn, thanh toán thuận tiện và thúc đẩy tài chính toàn diện, mà các nền kinh tế mới nổi phải đối mặt.

Theo một báo cáo do Ngân hàng Thanh toán quốc tế (BIS) công bố vào tháng 1-2021, kết quả của một cuộc khảo sát được thực hiện với các ngân hàng trung ương của 65 quốc gia và khu vực trên thế giới cho thấy 86% ngân hàng trung ương đang tích cực tìm hiểu về CBDC. Sáu trong số 10 ngân hàng trung ương đang thực hiện thử nghiệm, trong khi 14% đang trong quá trình phát triển và sắp xếp thực hiện thí điểm.

Bảy trong số tám ngân hàng trung ương đang trong các giai đoạn phát triển chuyên sâu liên quan đến CBDC thuộc các nền kinh tế mới nổi. Có khả năng các ngân hàng trung ương sẽ phát hành CBDC bán lẻ trong ba năm tới. Nếu Trung Quốc thiết lập một cơ chế và công nghệ cho CBDC có thể được áp dụng cho các quốc gia mới nổi khác và Trung Quốc có thể dẫn đầu ở cấp độ toàn cầu, thì các quốc gia khác, đặc biệt là các quốc gia mới nổi, có thể thúc đẩy nhanh việc phát hành CBDC trong tương lai.

Việt Nam là quốc gia có hoạt động kinh tế gắn bó mật thiết với Trung Quốc, cũng như đã ký Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực RCEP. Chính vì thế, theo dõi liên tục sự phát triển trong lĩnh vực này sẽ có những hàm ý chính sách quan trọng vì nó sẽ giúp Việt Nam có những phản ứng phù hợp và cần thiết đối với những thay đổi diễn ra ở các quốc gia khác.

   Link bài viết :https://bit.ly/3fAEhgL

   Nguồn: Thời Báo Kinh tế Sài Gòn