Đi chợ trực tuyến’ – muốn phát triển thì không chỉ cần niềm tin!

(KTSG) – Đại dịch Covid-19 đã buộc chúng ta phải phản ứng và thích ứng, nhiều cách làm mới, tích cực đã hình thành, bén rễ, rất cần được hỗ trợ để duy trì thành “thói quen” và phát triển đúng hướng. Trong số đó, đi chợ trực tuyến để mua hàng tươi sống là tiêu biểu. Covid-19 đã tạo cú huých đủ lớn, chúng ta phải bắt lấy để tạo đà phát triển.

Nhờ dịch, “đi chợ” đã thay đổi

Khi buộc phải giãn cách xã hội và thậm chí là phong tỏa để chống dịch, và để đảm bảo nhu cầu cơ bản, người dân đã chuyển đổi thói quen sang mua sắm trực tuyến. Đây vừa là cơ hội nhưng đồng thời là thách thức dành cho các đơn vị bán hàng trực tuyến, vì liệu rằng sự thay đổi thói quen mua sắm này có thể tiếp tục duy trì và tăng trưởng kể cả khi rào cản giãn cách xã hội được gỡ bỏ và làm thế nào để thói quen ấy là dài hạn thay vì chỉ là bộc phát nhất thời?

Nghiên cứu của Sheth (2020) chỉ ra tám tác động tức thời của đại dịch Covid-19 lên hành vi người tiêu dùng gồm tích trữ; khả năng ứng biến; để dành nhu cầu hiện tại và thực hiện trong tương lai; nắm bắt công nghệ kỹ thuật số; mang cửa hàng về nhà; xóa mờ ranh giới giữa công việc và cuộc sống; quay quần với bạn bè và gia đình và khám phá tài năng tiềm ẩn.

Có đến ba trên tổng số tám tác động liên quan đến nhu cầu mua sắm trực tiếp là tích trữ, nắm bắt công nghệ kỹ thuật số và mang cửa hàng về nhà. Xếp ở vị trí đầu tiên là hoạt động tích trữ. Thực tế cho thấy, người dân TPHCM có xu hướng dự trữ hàng hóa thiết yếu như lương thực, thuốc men và thiết bị y tế cá nhân càng nhiều càng tốt, nhất là khi họ nhận được thông tin thành phố chuẩn bị siết chặt đi lại.

Dù cho không thật sự có nhu cầu, người tiêu dùng vẫn liên tục tích trữ; họ thậm chí không chỉ đặt từ một mà từ rất nhiều nhà cung cấp thông qua tất cả các kênh trực tuyến có thể truy cập được. Chính tâm lý lo sợ thiếu hụt hàng hóa kèm theo thời gian xử lý đơn hàng kéo dài vì quá tải tại các cửa hàng đã dẫn đến thói quen này.

Để thuận lợi mua hàng mùa dịch, nắm bắt công nghệ kỹ thuật số là yếu tố không thể thiếu. Quy trình từ đặt hàng đến thanh toán đều được hoàn tất trực tuyến. Ngoài ra, người mua cũng có thể mua qua các hội/nhóm – nơi các hộ gia đình kinh doanh nhỏ lẻ các mặt hàng cơ bản.

Mang cửa hàng về nhà là cách các cửa hàng và người bán duy trì doanh số. Đi chợ hàm ý cả việc tiêu dùng các dịch vụ. Nếu như trước đây người bệnh/khách hàng cần đến cơ sở thẩm mỹ để được bác sĩ tư vấn trực tiếp thì nay hoạt động này hoàn toàn có thể trực tuyến bằng Zoom hoặc Zalo; dựa trên kết quả trao đổi trực tuyến, liệu trình điều trị bằng thuốc sẽ được gửi đến tận nhà cho khách hàng. Một ví dụ khác là mô hình huấn luận viên trực tuyến. Nếu như trước dịch, mô hình này hướng đến đối tượng là những người bận rộn, thời gian không cố định hoặc những ai sống ở nước ngoài thì trong thời giãn cách kéo dài từ tháng 5 đến hết tháng 9 các phòng tập sẵn sàng mở các lớp học từ xa qua Zoom hoặc ứng dụng riêng dành cho các học viên luyện tập tại gia. Sàn thương mại điện tử tại TPHCM cũng trở nên nhộn nhịp trong giai đoạn này. Chỉ trong vòng một tuần kể từ ngày 23-8 đến 2-9-2021, số đơn hàng của Lazada và Shopee lần lượt lên đến hàng chục, hàng trăm ngàn đơn chỉ tính riêng khu vực TPHCM. Nhưng vượt trên tất cả, các chợ phát triển trên nền tảng mạng xã hội Zalo, Facebook phủ sóng và len lỏi đến mọi người tiêu dùng.

Tương tự như Việt Nam, Thái Lan cũng phải đối mặt với bùng phát Covid-19 vào tháng 6-2021. Hàng loạt các lệnh giới nghiêm được ban hành tại các thành phố lớn. Mua sắm trực tuyến trở thành giải pháp chính tại quốc gia này. Trong một khảo sát được tiến hành vào tháng 6-2022, khi được hỏi liệu người dùng có thay đổi thói quen mua sắm thì có đến 67% người dùng trả lời “Có, tôi kết hợp cả mua sắm trực tuyến và trực tiếp tại các cửa hàng”, 23% đồng ý rằng “Có, tôi đã chuyển hẳn từ mua trực tiếp tại các cửa hàng sang mua sắm trực tuyến” và chỉ 10% người dùng phản đối “Không, tôi chỉ mua trực tiếp tại các cửa hàng”.

Liệu “đi chợ trực tuyến” có phát triển thành “thói quen”?

Một câu hỏi đặt ra là những cách làm mang tính thích ứng tức thời, trong giai đoạn có Covid-19, liệu có thể tiếp tục bén rễ và trở thành thói quen hay không?

Khảo sát nhanh của chúng tôi tại TPHCM cho thấy cả người tiêu dùng lẫn đại lý bán lẻ đều muốn tiếp tục phương thức này trong bối cảnh mới, nhưng có điều kiện. 92,3% người tham gia khảo sát nhận định rằng cách đi chợ mới này đã bén rễ đủ lâu để trở thành thói quen rồi. Họ thực sự ưa thích phương thức mới, trong đó họ chọn hàng trực tuyến, đặt hàng trực tuyến, thanh toán ứng trước trực tuyến và giao hàng tại cửa/tại địa chỉ nhà.

Có những điều đình trệ từ rất lâu trước đây, nay lại trở thành có thể, chuyển biến trong thời gian có dịch. Thậm chí, Covid-19 đã tạo được cú huých đủ lớn, đủ lực đẩy được cả mặt hàng tươi sống, tôm, cá, thịt, rau lên sàn giao dịch trực tuyến, điều mà hàng năm qua dù với nỗ lực đa phương, chúng ta chưa làm được. Các bà nội trợ, thay vì đi chợ để chọn mua hàng về nhà, giờ đây đã có thể chọn hàng và nhận hàng tại nhà, an toàn, hiện đại.

Các chợ Zalo, chợ Facebook tự phát từ nhu cầu, nhưng tồn tại được đến nay là nhờ yếu tố “niềm tin – uy tín” hình thành giữa nhà cung cấp và người tiêu dùng. Không chỉ tồn tại mà còn có sức cạnh tranh cực lớn đến các sàn thương mại điện tử như Shopee, Lazada hay Tiki. Sức cạnh tranh trên các sàn thương mại điện tử cao hơn, tính minh bạch và các cam kết cao hơn nhưng dòng tiền lưu thông chậm hơn và tốc độ giao hàng lâu hơn. Đơn cử, bán hàng qua Facebook tiền được chuyển khoản đến người bán chỉ trong vài phút; nhưng là ba ngày nếu qua Tiki hoặc Shopee.

Câu trả lời đến đây rất rõ ràng: “có thể”. “Đi chợ trực tuyến mua hàng tươi sống” đã là có thể và thậm chí được ưa thích ở mức có thể phát triển thành “thói quen”. Tuy nhiên, các giao dịch đi chợ trực tuyến này khó có thể duy trì và phát triển bền vững khi mà nền móng của nó còn rất mỏng. Thứ nhất, phần lớn đều là giao dịch bằng niềm tin giữa người mua và người bán. Thứ hai, phần lớn giao dịch này là thực hiện trên mạng xã hội (chợ Facebook, chợ Zalo…) chứ không phải là sàn thương mại điện tử – điều mà rất nhiều người nhầm lẫn. Thứ ba, phần lớn hàng hóa giao dịch chưa có quy chuẩn chất lượng, kích cỡ, số lượng và đóng gói giữ được chất lượng. Ngay cả những sàn thương mại điện tử lớn cũng lúng túng chưa vào sâu được thị trường này, mà vẫn còn dừng lại ở những mặt hàng thực phẩm đã chế biến hoặc đã đông lạnh. Thực tế cho thấy, sàn thương mại điện tử đuối sức cạnh tranh với chợ mạng xã hội trong mảng cung ứng hàng tươi sống như tôm, thịt, cá, rau, hoa…

“Đi chợ trực tuyến” nên được hỗ trợ để duy trì và phát triển “đúng hướng”


Rõ ràng, đi chợ trực tuyến đã bén rễ, nên được duy trì thành “thói quen” và cần có sự hỗ trợ để đi đúng hướng. Sự phát triển bền vững không thể dựa mãi vào nền tảng của chữ tín và niềm tin, mà phải được nuôi dưỡng bằng cả một hệ sinh thái đồng bộ từ hành lang pháp lý đến hạ tầng công nghệ. Chợ mạng xã hội đã góp công rất lớn trong việc đáp ứng nhu cầu thực phẩm cho người dân trong giai đoạn có dịch và phong tỏa. Tuy nhiên, nếu không đặt trong sự kiểm soát thì đó lại là một kênh cạnh tranh trực tiếp và thiếu lành mạnh với các sàn thương mại điện tử hiện đại. So sánh tương đối, các chợ này tương tự các chợ tự phát, “chợ cóc” trong thành phố. Tính tiện ích của nó tồn tại với nhiều rủi ro.

Đã đến lúc dấy lên tầm quan trọng của việc duy trì và phát triển “phương thức đi chợ trực tuyến đúng hướng”. Covid-19 đã tạo cú huých đủ lớn, chúng ta phải bắt lấy để tạo đà phát triển. Công nghệ là chìa khóa nhưng thành công nằm ở tốc độ phản ứng. Bài toán này tuy khó nhưng hoàn toàn khả thi.

      Link bài viết, xem TẠI ĐÂY

      Nguồn: Thời báo Kinh tế Sài Gòn