Hội thảo Áp dụng lẽ công bằng trong hoạt động xét xử tại tòa án Việt Nam và kinh nghiệm tại một số quốc gia

Ngày 28/10/2022, Trường Đại học Kinh tế - Luật (UEL) tổ chức Hội thảo Khoa học Quốc tế “Áp dụng lẽ công bằng trong hoạt động xét xử tại tòa án Việt Nam và kinh nghiệm tại một số quốc gia”. Hội thảo được tổ chức với sự tài trợ của Quỹ Rosa Luxemburg nhằm đóng góp những giá trị nghiên cứu của áp dụng lẽ công bằng vào sự hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam.

 

Toàn cảnh hội thảo

 

Tham dự hội thảo có sự tham gia của Bà Triệu Tuyết Mai Hương - Phụ trách dự án của  Quỹ Rosa Luxemburg; Ông Tống Anh Hào - Nguyên Phó chánh án Toà án nhân dân tối cao; PGS.TS Eriko Taoka - ĐH Rykkyo, Nhật Bản; Luật sư Trương Thị Hoà - Đoàn luật sư TP. HCM; Thẩm phán Quách Hữu Thái - Chánh án toà án nhân dân Quận 1, TP.HCM, PGS.TS Lê Vũ Nam - Phó hiệu trưởng Trường; PGS.TS Nguyễn Ngọc Điện - Nguyên Phó hiệu trưởng Trường, PGS.TS Nguyễn Thị Hồng Nhung - Trưởng khoa Luật, PGS.TS Đoàn Thị Phương Diệp - Trưởng phòng Thanh tra pháp chế và các nhà khoa học, nhà nghiên cứu, các giảng viên, sinh viên của Trường Đại học Kinh tế - Luật. 


Tại buổi hội thảo, PGS.TS. Lê Vũ Nam – Phó Hiệu Trưởng Trường chia sẻ: “Ngay từ ngày đầu khi khởi xướng ý tưởng về lẽ công bằng, chúng tôi đã nhận được rất nhiều sự quan tâm của những nhà nghiên cứu, người áp dụng pháp luật từ mọi lĩnh vực. Nếu ở các quốc gia theo hệ thống Thông luật, việc áp dụng nguyên tắc “lẽ công bằng” đã có lịch sử rất lâu đời, thì tại Việt Nam, nguyên tắc này còn khá mới mẻ”. 


PGS.TS. Lê Vũ Nam – Phó Hiệu Trưởng Trường phát biểu khai mạc hội thảo

 

Phó hiệu trưởng hy vọng rằng “Thông qua cái nhìn của các diễn giả trong hội thảo, chúng ta sẽ có cơ hội nhìn rõ hơn quy định của pháp luật trong lĩnh vực này cần sự hoàn thiện và thay đổi như thế nào để đảm bảo lẽ công bằng được hiểu và áp dụng đúng với tinh thần mà pháp luật đã ghi nhận”.

 

Đại diện cho đơn vị tài trợ, Ông Philip Degenhardt – Giám đốc khu vực Tổ chức Rosa-Luxemburg-Stiftung Đông Nam Á cho rằng chủ đề áp dụng lẽ công bằng trong hoạt động xét xử phù hợp với mục tiêu sứ mệnh của Quỹ Rosa-Luxemburg khi hướng đến công bằng xã hội giải quyết các nhu cầu của con người và các nhóm xã hội bị ảnh hưởng bởi tình trạng bất công, bóc lột hay phân biệt chủng tộc. Ông cũng mong rằng sẽ có thể hợp tác với Trường Đại học Kinh tế - Luật trong nhiều dự án hơn nữa.

 

Tại buổi hội thảo, các học giả, nhà nghiên cứu và các luật sư đã trình bày năm tham luận có hàm lượng khoa học và tính thực tế cao với các chủ đề chính:

 

1. Tham luận “Hệ thống common law and equity law: Các vận dụng có thể có cho việc áp dụng lẽ công bằng trong xét xử tại tòa án Việt Nam” - PGS.TS Nguyễn Ngọc Điện, Nguyên Phó hiệu trưởng Trường.

 

2. Tham luận “Việc áp dụng Equity trong thực tiễn xét xử tại Nhật Bản” - PGS.TS Eriko Taoka - ĐH Rykkyo, Nhật Bản

 

3. Tham luận “Thực tiễn áp dụng lẽ công bằng trong thực tiễn xét xử tại tòa án Việt Nam” - Quách Hữu Thái, Chánh án toà án nhân dân Quận 1, TP.HCM

 

4. Tham luận Áp dụng lẽ công bằng trong xét xử án dân sự tại Việt Nam - Ông Tống Thanh Hào, Nguyên Phó chánh án Toà án nhân dân tối cao;

 

5. Tham luận Thực tiễn áp dụng lẽ công bằng trong thực tiễn xét xử tại tòa án Việt Nam (dưới góc nhìn của người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự) - Luật sư Trương Thị Hoà, Đoàn Luật sư TP. HCM

 

Chủ tọa đoàn chủ trì hội phiên thảo luận

 

Là một trường đại học nghiên cứu, Trường Đại học Kinh tế - Luật luôn kiến tạo một môi trường học thuật cởi mở và đa dạng cho giảng viên, nghiên cứu viên, sinh viên đại học, sau đại học, và nghiên cứu sinh. Với sự hợp tác của Quỹ Rosa-Luxemburg, Trường Đại học Kinh tế - Luật cùng chia sẻ các giá trị chung và Hội thảo “Áp dụng lẽ công bằng trong hoạt động xét xử tại tòa án Việt Nam và kinh nghiệm tại một số quốc gia” được khởi xướng từ niềm cảm hứng với tư tưởng tiên tiến và dân chủ xã hội của nhà nữ quyền người Đức Rosa Luxemburg.

 

Rosa Luxemburg (RLS) là một Quỹ chính trị tại Cộng hòa liên bang Đức, có nhiệm vụ chủ yếu là giáo dục chính trị vì các mục tiêu phát triển xã hội tiến bộ ở trong và ngoài nước. Kể từ khi thành lập năm 1990, công việc chủ yếu của Quỹ gắn liền với di sản của người sáng lập, nhà lãnh đạo xã hội người Đức, bà Rosa Luxemburg. Quỹ cũng đại diện cho các tư tưởng tiên tiến và dân chủ xã hội có trọng tâm là chủ nghĩa quốc tế.

 

Một số hình ảnh tại chương trình:

 

 

Tin và hình ảnh: Phòng Truyền thông