ĐẤT NƯỚC VÀ CON NGƯỜI PHILPPINES

ĐẤT NƯỚC VÀ CON NGƯỜI PHILPPINES


  • CỘNG HÒA PHILIPPINES
     Cộng hoà Philippines trải dài 1.210 km (750 dặm) từ lục địa châu Á và gồm 7.107 hòn đảo được gọi là Quần đảo Philippines, gần 700 đảo có người ở.
     Philippines cùng với Đông Timor là hai nước tại châu Á có cộng đồng Công giáo La Mã chiếm đa số và là một trong những nước có mức độ tây phương hoá cao, một sự hoà trộn độc nhất giữa Đông và Tây. Tây Ban Nha và Hoa Kỳ là những nước có ảnh hưởng văn hoá lớn nhất tới nước này, bởi vì quần đảo Philippines từng là thuộc địa của Tây Ban Nha trong hơn 350 năm và là thuộc địa của Hoa Kỳ trong gần 100 năm.
    Tuy hầu hết diện tích đất vẫn là nông nghiệp, Philippines là một địa chỉ quan trọng cung cấp nguồn outsourcing và là một nhà xuất khẩu sản phẩm điện tử và nhân công. Số tiền người Philippine ở nước ngoài chuyển về chiếm một phần quan trọng trong tổng sản phẩm quốc nội (GDP) nước này
     Tên nước có nguồn gốc từ việc Ruy López de Villalobos đặt tên hai hòn đảo Samar và Leyte là Las Islas Filipinas theo tên vua Philip II của Tây Ban Nha trong chuyến viễn chinh không thành công của ông năm 1543.  Quần đảo từng được gọi theo nhiều cái tên như Đông Ấn Tây Ban Nha, Nueva Castilla và Quần đảo San Lázaro. Cuối cùng, tên Filipinas được dùng để chỉ toàn bộ quần đảo.
  • LỊCH SỬ HÌNH THÀNH

     Những bằng chứng khảo cổ học và cổ sinh vật học cho thấy loài người hiện đại (homo sapiens) đã hiện diện ở Palawan khoảng 50.000 năm trước. Những dân cư đó được gọi là người Tabon. Ở thời đại đồ sắt, những người dân thuộc hệ ngôn ngữ Nam Đảo từ phía Nam Trung Quốc và Đài Loan đã đi qua những chiếc cầu lục địa tới định cư ở Philippines. Những nhà buôn Trung Quốc đã tới đây vào thế kỷ thứ 8.
 
     Ferdinand Magellan, người Bồ Đào Nha, đi thám hiểm cho các vị vua Tây Ban Nha, lần đầu đặt chân lên quần đảo năm 1521. Ông trở nên thân thiện với đa số những vị thủ lĩnh địa phương và tuyên truyền biến họ thành người theo Công giáo La Mã. Tuy nhiên, không phải tất cả mọi người đều cải đạo. Magellan đã bị giết và những thuỷ thủ người Tây Ban Nha đã bị Lapu-Lapu, một trong những vị thủ lĩnh kiên quyết bảo vệ quyền theo tôn giáo bản địa, đánh bại.
 
      Một trong những chiếc tàu của Magellan, chiếc Victoria, quay trở về Tây Ban Nha mang theo tin tức về vùng đất mới. Ngày 27 tháng 4 năm 1565, Miguel López de Legazpi, một người chinh phục Tây Ban Nha, và 500 binh sĩ vũ trang tới Cebu và lập ra khu định cư đầu tiên của người Tây Ban Nha trên quần đảo.
 
     Các nhà truyền giáo Thiên chúa giáo theo chân binh lính từ hòn đảo này sang hòn đảo khác để tìm kiếm những con chiên thổ dân. Các thuỷ thủ Tây Ban Nha nhanh chóng lập ra các nhà thờ và pháo đài, trong khi vẫn tìm kiếm vàng và các loại gia vị. Công giáo La mã được đưa vào và được đa số dân đi theo. Những cuộc nổi dậy của các nhóm bộ tộc miền núi ở bắc Luzon và những vùng ven biển thỉnh thoảng diễn ra, vì những sự trừng phạt tàn ác, thuế má nặng nề và những hành động sai trái của người Tây Ban Nha.
 
    Những người Hồi giáo tiếp tục kháng chiến ở những hòn đảo phía nam Mindanao. Quân đội Tây Ban Nha chiến đấu chống những nhóm cướp biển Trung Quốc, và những lực lượng Nhật Bản, Bồ Đào Nha, Hà Lan và Đế quốc Anh, tất cả đều có quyền lợi ở Philippines.
 
    Tân Tây Ban Nha (thông qua Mexico) cai trị Philippines cho tới khi Mexico độc lập. Một con đường thương mại dùng thương thuyền Manila hay các thương thuyền theo đường Manila-Acapulco đã bắt đầu phát triển từ cuối thế kỷ 16.
 
     Thời kỳ cai trị Philippines của Tây Ban Nha bị gián đoạn một thời gian ngắn năm 1762, khi quân đội Anh tấn công và chiếm quần đảo để trả đũa việc Tây Ban Nha tham gia vào cuộc Chiến tranh bảy năm. Hiệp ước Paris (1763) khôi phục sự cai trị của người Tây Ban Nha và quân đội Anh rút đi năm 1764. Giai đoạn cai trị ngắn của người Anh đã làm Tây Ban Nha suy yếu nhiều về quyền lực.
 
     Năm 1781, Tổng toàn quyền José Basco y Vargas lập ra Hội Kinh tế của những Người bạn của Quốc gia. Lúc ấy Philippines đang nằm dưới quyền quản lý trực tiếp của Tây Ban Nha. Những phát triển bên trong và bên ngoài đất nước đã mang lại nhiều tư tưởng mới cho người Philippine. Việc khai trương Kênh đào Suez năm 1869 đã làm giảm thời gian đi lại giữa hai nước. Điều này làm cho ilustrados, tầng lớp trí thức Philippines bắt đầu xuất hiện, bởi vì nhiều thanh niên Philippines có thể sang học tại châu Âu.
 
      Được Phong trào tuyên truyền hô hào về sự bất công của chính phủ thuộc địa Tây Ban Nha và "frailocracy", ban đầu họ phản đối sự đại diện bất bình đẳng ở Nghị viện Tây Ban Nha và sau đó là để đòi độc lập. José Rizal, nhà trí thức uy tín nhất và là khuôn mặt có ảnh hưởng nhất thời kỳ, đã viết những cuốn tiểu thuyết Noli Me Tangere (Đừng chạm vào tôi) và El Filibusterismo (Kẻ cướp đất), cả hai hiện đều là những tác phẩm được giảng dạy tại các trường trung học của Philippines. Katipunan, ("Kataas-taasang Kagalang-galangang Katipunan ng mga anak ng Inang Bayan") được Andrés Bonifacio thành lập và ông trở thành thủ lĩnh (Supremo) của nó. Đó là một hội kín với mục đích duy nhất là lật đổ chế độ cai trị của người Tây Ban Nha ở Philippines.
 
     Tuyên bố về một Katipunero đã dẫn tới cuộc Cách mạng Philippines năm (1896–1898). Rizal dính líu đến sự bùng nổ của cuộc cách mạng và bị xử tử vì tội phản bội (xem sedition) năm 1896.
 
      Katipunan chia rẽ thành hai nhóm, Magdiwang do Andrés Bonifacio lãnh đạo và Magdalo do Emilio Aguinaldo lãnh đạo. Xung đột giữa hai nhóm cách mạng lên tới cực điểm khi Aguinaldo cũng tử hình Bonifacio vì tội phản bội. Cuộc cách mạng chấm dứt với một sự ngừng bắn theo Công ước Biak na Bato và những nhà cách mạng bị trục xuất sang Hồng Kông.
 
     Hoa Kỳ và Tây Ban Nha bắt đầu lao vào cuộc Chiến tranh Tây Ban Nha - Mỹ năm 1898. Aguinaldo lúc ấy quay lại lôi kéo người Philippine và hứa hẹn mang lại độc lập cho đất nước giống như điều Mỹ đã thực hiện đối với Cuba, là nước đã tự lực chiến đấu để giành lại độc lập từ tay người Tây Ban Nha. Vì thế, ngày 12 tháng 6 năm 1898, với thắng lợi đã gần nắm chắc trong tay, Aguinaldo tuyên bố nền độc lập của Philippines tại Kawit, Cavite. Tuy nhiên, trận đánh Manila giữa Tây Ban Nha và Mỹ hoá ra lại là nỗ lực để loại trừ người Philippine khỏi vị trí kiểm soát Manila.
 
      Tây Ban Nha và Mỹ bỏ mặc đại diện của Philippines là Felipe Agoncillo trong những cuộc đàm phán để dẫn tới Hiệp ước Paris. Trong những cuộc thương lượng, Tây Ban Nha buộc phải trao lại Guam, Philippines và Puerto Rico cho Hoa Kỳ để đổi lấy US$ 20.000.000 khoản tiền mà sau này người Mỹ gọi là "quà tặng" cho Tây Ban Nha. Cuộc nổi dậy đầu tiên của Cộng hoà Philippines chống lại sự chiếm đóng của Mỹ dẫn tới Chiến tranh Philippines - Mỹ (lúc ấy cũng được gọi trong các hồ sơ của Chính phủ Mỹ và một số người Mỹ là “Cuộc nổi dậy Philippines) (1899–1913).
 
      Dần dần hòn đảo hoàn toàn nằm dưới quyền kiểm soát của Mỹ và được tổ chức như một vùng lãnh thổ Mỹ. Năm 1935, quy chế của họ được tăng lên thành một nước trong khối thịnh vượng chung của Mỹ, và nhiều kế hoạch được đưa ra nhằm trao lại độc lập cho họ trong thập kỷ sau đó. Cuối cùng, Philippines được trao lại độc lập ngày 4 tháng 7 năm 1946, thậm chí sau khi Nhật Bản đã tấn công và chiếm quần đảo này trong Thế chiến thứ hai, gây ra tình trạng mà một số người gọi là sự chậm trễ trong việc trao lại độc lập, dù sao cách gọi này không bao giờ được sử dụng trong chính trị Mỹ và Philippines.
 
      Từ năm 1946, Philippines phải đối mặt với tình trạng mất cân bằng kinh tế và chính trị. Hukbalahap (tổ chức du kích thành thị chiến đấu chống lại Nhật Bản hay Hukbong Ng Bayan Laban Sa Hapon Philippine trong Thế chiến thứ hai), quay sang đi theo ý thức hệ cộng sản. Họ được nhiều nông dân ủng hộ khi đưa ra những hứa hẹn về cải cách đất đai.
 
      Họ được tổ chức bí mật và tung ra các chiến dịch xúi dục nổi loạn chống chính phủ và các lực lượng chính phủ, tiến hành các hành động khủng bố, gồm cả bắt cóc, thảm sát, ám sát, hãm hiếp và tống tiền. Họ đe doạ những vùng nông thôn, và sau đó là cả thủ đô, Thành phố Quezon, và Manila trong thập niên 1950. Cuối cùng mối đe doạ này cũng chấm dứt khi Huk supremo Luis Taruc đầu hàng một nhà báo trẻ Benigno Aquino Jr. (sau này được bầu làm Nghị sĩ), và Bộ trưởng quốc phòng Ramón Magsaysay, người sau này trở thành tổng thống.
 
      Cuối thập niên 1960 và đầu thập niên 1970 là thời gian nổi lên của các phong trào hành động sinh viên và những cuộc biểu tình chống Mỹ. Một hội nghị lập hiến gồm những phái đoàn được bầu ra đã phác thảo một hiến pháp mới với mục tiêu thay thế cho hiến pháp khối thịnh vượng chung do Mỹ đề xướng năm 1935 một khi cuộc trưng cầu dân ý thông qua nó. Giai đoạn này được đánh dấu bởi tình trạng bất ổn trong đời sống thường ngày và tình trạng tham nhũng cho tới khi luật về tình trạng khẩn cấp được tuyên bố ngày 21 tháng 9 năm 1972.
 
      Hiến pháp mới sau đó bắt đầu có hiệu lực dù một số khía cạnh của nó vẫn còn bị tranh cãi vì sự phê chuẩn của nó đang được bàn cãi tại Toà án tối cao. Sự tranh cãi này lên tới đỉnh điểm với việc Chánh án tối cao Roberto Concepcion từ chức. Tình hình tiếp tục xấu đi trong nhiều năm sau khi chế độ độc tài của Tổng thống Ferdinand Marcos, người ban đầu được dân bầu ra nhưng cuối cùng đã kéo dài thời cầm quyền của mình bằng những biện pháp trái luật, trở thành tình trạng tham nhũng và chế độ chuyên quyền trở nên công khai, rộng khắp đất nước, tiếng than oán của dân chúng và tình trạng bất đồng bị đẩy lên tới cực điểm.
 
     Trong Cuộc cách mạng dân quyền năm 1986, Marcos và gia đình bị trục xuất tới Hawaii, khi Corazon Aquino, quả phụ của Thượng nghị sĩ đã bị ám sát trước đó (Benigno Aquino, Jr.), lên nắm quyền chính phủ sau một cuộc bầu cử đột xuất (snap election) nhiều tranh cãi. Sau cuộc cách mạng đó, năm 1987 Hiến pháp Philippines hiện tại được thông qua.
 
     Trong khi một số người đã nêu ra những cải cách về chính phủ và mức độ quay trở lại chế độ dân chủ của thời hậu Marcos, tình trạng tham nhũng, sự bất ổn trong đời sống đất nước và hoạt động của nhóm nổi loạn cộng sản cũng như những phong trào li khai Hồi giáo tiếp tục ngăn cản phát triển kinh tế của đất nước. Tổng thống hiện nay, Gloria Macapagal-Arroyo, từng phải đối mặt với tình trạng bất ổn chính trị và những lời buộc tội gian lận bầu cử và tham nhũng.

  • CHÍNH TRỊ VÀ CHÍNH PHỦ:

     Chính phủ Philippines được tổ chức kiểu cộng hoà nhất thể do tổng thống lãnh đạo, theo đó Tổng thống là người lãnh đạo quốc gia, lãnh đạo chính phủ và tổng tư lệnh các lực lượng quân đội. Tổng thống được bầu theo phổ thông đầu phiếu với nhiệm kỳ sáu năm, trong thời gian đó tổng thống sẽ chỉ định và chủ trì bộ máy chính quyền.

     Nghị viện lưỡng viện gồm Thượng nghị viện và Hạ nghị viện; các thành viên của Thượng nghị viện được bầu tự do và Hạ nghị viện theo vùng địa lý. 24 thượng nghị sĩ có nhiệm kỳ sáu năm, một nửa sẽ nghỉ sau mỗi nửa nhiệm kỳ ba năm, trong khi đó Hạ nghị viện gồm 250 thành viên với nhiệm kỳ ba năm.
 
     Chi nhánh toà án của chính phủ, đứng đầu là Toà án tối cao, với một Chánh án tối cao và 14 thẩm phán, tất cả đều được Tổng thống chỉ định từ danh sách do Hội đồng Tư pháp và Luật sư đệ trình. Các toà khác gồm Toà phúc thẩm, Toà án địa phương và Toà án thủ đô.
 
     Philippines là thành viên sáng lập và tham gia nhiều hoạt động của Liên hiệp quốc từ khi tổ chức này được thành lập ngày 24 tháng 10 năm 1945 và là thành viên sáng lập Hiệp hội các nước Đông Nam Á (ASEAN). Philippines cũng là thành viên của Hội nghị thượng đỉnh Đông Á (EAS), và là nước tham gia tích cực vào Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC), Liên minh Latin và một thành viên của Nhóm 24. Nước này nằm trong liên minh chính và không thuộc NATO của Mỹ, nhưng cũng là một thành viên của Phong trào không liên kết.
 
     Philippines, cùng với quốc gia Malta, là một trong hai nước duy nhất trên thế giới không cho phép li dị bởi vì việc li dị dân sự bị cấm ngặt.
 
    Miền, vùng và các đơn vị hành chính
 
     Philippines được chia thành ba miền là Luzon ở phía Bắc đất nước, Visayas ở giữa đất nước, và Mindanao ỏ phía Nam đất nước. Tên ba miền đặt theo tên ba đảo chính của Philippines.
 
    Ba miền lại được chia thành 17 vùng. Việc phân chia thành các vùng như thế này nhằm mục đích tạo thuận lợi cho công tác quy hoạch lãnh thổ của chính quyền trung ương. Tuy nhiên, vùng không phải là một cấp hành chính mặc dù mỗi vùng đều có các văn phòng của các bộ ngành của trung ương. Các vùng không có chính quyền địa phương, trừ vùng thủ đô Manila vì tự Manila là một vùng và Vùng Hồi giáo tự trị Mindanao.
 
    Cấp hành chính địa phương chính thức của Philippines là tỉnh gồm 81 đơn vị. Thủ đô Manila là một đơn vị hành chính đặc biệt, ngang cấp tỉnh và một mình nó là một vùng trong 17 vùng của Philippines.
 
    Các tỉnh lại bị chia tách tiếp thành các thành phố và các huyện. Tuy cùng là cấp hành chính địa phương thứ hai, nhưng thành phố có nhiều chức năng hành chính hơn so với huyện, và cũng được cấp ngân sách nhiều hơn.
 
   Thành phố và huyện được chia thành các barangay. Đây là cấp hành chính địa phương thấp nhất ở Philiipines.
  • ĐỊA LÝ:

     Philippines là một quần đảo với 7.107 hòn đảo với tổng diện tích đất liền gần 300.000 km vuông (116.000 dặm vuông). Nó nằm giữa 116°40' và 126°34' đông, và 4°40' và 21°10' bắc, giáp với Biển Philippines ở phía đông, Biển Nam Trung Quốc ở phía tây, và Biển Celebes ở phía bắc. Đảo Borneo nằm cách vài trăm km về phía tây nam và Đài Loan thẳng phía bắc. Moluccas và Sulawesi ở phía nam và Palau ở phía đông phía trên Biển Philippines.
 
      Thông thường quốc đảo này được chia thành ba nhóm đảo: Luzon (Vùng I đến V, NCR & CAR), Visayas (VI đến VIII) và Mindanao (IX đến XIII & ARMM). Cảng biển đông đúc Manila, ở Luzon, là thủ đô quốc gia và là thành phố lớn thứ hai sau vùng ngoại ô của nó là Thành phố Quezon.
 
      Khí hậu của Philippines nóng, ẩm, nhiệt đới. Nhiệt độ trung bình hàng năm khoảng 26,5°C (79,7°F). Có ba mùa: Tag-init hay Tag-araw (tháng nóng hay mùa hè từ tháng 3 đến tháng 5), Tag-ulan (mùa mưa từ tháng 6 đến tháng 11) và Taglamig (mùa lạnh từ tháng 12 đến tháng 2). Gió mùa tây nam (tháng 5 – tháng 10) được gọi là "habagat" và gió mùa đông bắc khô (tháng 1 – tháng 4) là "amihan". Đa số các vùng đảo núi non thường có mưa rào nhiệt đới và có nguồn gốc núi lửa. Điểm cao nhất là Núi Apo ở Mindanao 2.954 mét (9.692 ft)..
  • KINH TẾ:
     Dù từng là quốc gia giàu có thứ hai ở châu Á, sau Nhật Bản, Philippines dần trở thành một trong những nước nghèo nhất trong vùng từ khi giành lại độc lập năm 1946. Vì giảm nhu cầu đối với các sản phẩm của Philippines, Hoa Kỳ đã rút đi và tham nhũng, suy sụp kinh tế đã tăng lên mạnh mẽ trong những năm đầu thập niên 1980.
 
      Khoảng 10% GNP bị mất vì tham nhũng và những "người bạn tư bản" (crony capitalism) trong giai đoạn này. Phục hồi kinh tế đã diễn ra khá mạnh mẽ, nhưng so với các nước Đông Á khác, tốc độ này vẫn còn chậm. Xếp hạng hiện tại của Philippines là 118 trong tổng số 178 nước GDP theo đầu người (danh nghĩa).
 
    Trong thời kỳ đỉnh điểm của cuộc khủng hoảng tài chính châu Á năm 1998, kinh tế Philippines đã bị ảnh hưởng rất nhiều. Điều này càng trầm trọng hơn vì giá cả tăng cao, lạm phát, và thiên tai. Tăng trưởng kinh tế giảm từ 5% năm 1997 xuống 0.6% năm 1998, nhưng đã hồi phục tới khoảng 3% năm 1999 và 4% năm 2000 và tới năm 2004, lên hơn 6% trên năm.
 
     Chính phủ đã hứa hẹn sẽ tiếp tục cải cách kinh tế để đạt mức tăng trưởng tương đương với các nước công nghiệp mới ở Đông Á. Những nỗ lực nhằm cải thiện kinh tế đã bị ngăn cản bởi một khoản nợ công cộng lên tới 77% GDP. Ngân sách cho các khoản nợ còn cao hơn ngân sách cho giáo dục và quốc phòng cộng lại. Nguồn thu không đồng đều cũng là một vấn đề nghiêm trọng.
 
     Chiến lược của chính phủ cho một sự phục hồi kinh tế gồm cải thiện hạ tầng, kiểm tra hệ thống thuế để tăng thu nhập cho chính phủ, giảm can thiệp và tăng cường tư nhân hoá nền kinh tế, tăng giao thương với các nước trong vùng. Những triển vọng tương lai phụ thuộc rất nhiều vào tình hình kinh tế của hai đối tác thương mại chính, Hoa Kỳ và Nhật Bản, và một cơ cấu hành chính rõ ràng cũng như các chính sách thích hợp của chính phủ.
 
     Philippines phần lớn vẫn là nước đang phát triển với nông nghiệp chiếm tỷ trọng lớn, nhưng công nghiệp nhẹ và dịch vụ cũng đã dần tăng cao. Trong những năm gần đây, nhiều công ty hoạt động trong lĩnh vực trả lời điện thoại và xử lý thông tin (BPO) đã di chuyển sang Philippines, mang lại hàng nghìn công việc và cải thiện dịch vụ của họ với nhiều khách hàng, trong số đó có cả các công ty nằm trong danh sách Fortune 500.
 
     Philippines có một trong những nền công nghiệp BPO phát triển nhất châu Á. Đồng peso Philippines được Forbes coi là đồng tiền được quản lý tốt nhất năm 2005. Một luật thuế giá trị gia tăng (E-VAT) mở rộng mới đã được áp dụng từ ngày 1 tháng 11 năm 2005, như một biện pháp nhằm cắt giảm nợ nước ngoài và cải thiện các dịch vụ chính phủ như giáo dục, sức khoẻ, phúc lợi xã hội, và xây dựng đường xá.
 
      Philippines là một thành viên của Ngân hàng Phát triển châu Á, Ngân hàng thế giới, Quỹ tiền tệ quốc tế và các tổ chức kinh tế quốc tế khác, như Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC), Tổ chức thương mại thế giới (WTO), Kế hoạch Colombo và G-77.
  • DÂN SỐ:

     Philippines là nước đông dân thứ mười hai trên thế giới, dân số của họ là 86.241.697 người vào năm 2005. Gần hai phần ba sống ở những đảo vùng Luzon. Manila, thủ đô, là thành phố đông dân thứ mười một trên thế giới.
 
     Hệ thống giáo dục có hiệu quả và dựa theo chương trình giảng dạy của Hoa Kỳ. Tỷ lệ biết chữ là 95.9%, một trong những nước cao nhất châu Á, với tuổi thọ bình quân là 72,28 năm đối với nữ và 66,44 đối với nam. Tăng trưởng dân số khoảng 1,92%, với 26,3 trẻ em trên 1.000 dân. Trong 100 năm từ cuộc điều tra dân số năm 1903, dân số đã tăng mười một lần.
 
    Người dân Philippines được gọi là Filipinos theo tiếng Philippines. Theo thống kê của chính phủ và các nghiên cứu di truyền, đa số dân của Philippines là hậu duệ của nhiều nhóm người thuộc hệ ngôn ngữ Nam Đảo đã di cư tới hòn đảo này nhiều đợt từ hàng ngàn năm trước từ Đài Loan, hầu hết họ sống trộn lẫn với những nhóm người đã sống rải rác ở các đảo vùng phía Nam Trung Quốc thời tiền sử, và từ đó tạo lập nên nguồn gốc cho "dân tộc Philippines" ngày nay.
 
     Các "dân tộc Philippines" đó bị chia thành mười hai nhóm dân tộc theo ngôn ngữ, ba nhóm đông đảo nhất là Tagalogs, Cebuanos và Ilocanos. Negritos, hay Aeta, cũng được coi là những dân tộc bản địa của Philippines, đã có số lượng khá đông đúc với vùng cư trú rộng rãi trước khi khi những người nói ngôn ngữ Nam Đảo tràn tới, hiện nay số lượng của họ chưa tới 30.000 người (0,03%).
 
     Những Filipino lai, hay những người có dòng máu "dân tộc Philippines" pha trộn với một dòng máu nước ngoài khác từ thời tổ tiên (không gồm những pha trộn đã xảy ra từ thời tiền sử) hình thành một nhóm thiểu số nhưng có vị trí kinh tế và chính trị cao. Một nghiên cứu di truyền gần đây của Đại học Stanford cho thấy rằng 3,6% dân số có ít nhất một vài tổ tiên người châu Âu.
 
     Ba nhóm thiểu số nước ngoài lớn nhất là người Hán, người Mỹ và Nam Á. Những nhóm thiểu số nước ngoài còn lại có số lượng nhỏ nhưng có vai trò quan trọng, gồm Tây Ban Nha, các dân tộc châu Âu khác như Ả Rập, Indonesia, Triều Tiên, Nhật Bản, và các nước châu Á khác. Philippines là một trong những quốc gia gồm nhiều chủng tộc nhất ở châu Á bởi vì nó có số lượng lớn các nhóm ngôn ngữ dân tộc bản địa.
 
     Người Việt tại Philippines
 
Sau khi chính quyền Việt Nam Cộng Hòa sụp đổ năm 1975, có hàng ngàn người từ Đông Nam Á (đa số là người Việt) có liên quan đến chiến tranh trên bán đảo Đông Dương được di tản, hoặc tự di tản. Đa số người di tản sau đó được chuyển đến tạm trú tại Philippines, trên Đảo Grande nằm trong Vịnh Subic. Đảo này là khu nghỉ mát của căn cứ Hải quân Hoa Kỳ lớn nhất tại châu Á được Philippines cho mướn. Để kỷ niệm biến cố cứu vớt người di tản, một cột đài lưu niệm có bảng đồng đã được dựng trên đảo.
  • NGÔN NGỮ:
     Có hơn 170 ngôn ngữ được dùng trong nước, hầu hết đều thuộc nhánh phía Tây của nhóm ngôn ngữ Malayo-Polynesian trong hệ ngôn ngữ Nam Đảo. Tiếng Philippines là tiếng địa phương được tiêu chuẩn hoá dựa trên tiếng Tagalog có các từ thông thường từ các ngôn ngữ Philippines khác. Theo Hiến pháp năm 1987, tiếng Philippines và tiếng Anh đều là ngôn ngữ chính thức. Ngày nay, có rất nhiều du học sinh sinh viên tham gia các khóa du học tiếng Anh ngắn hạn tại Philippines.
 
     Việc sử dụng tiếng Tây Ban Nha ở Philippines đã giảm sút kể từ thời cai trị của Hoa Kỳ nhưng ngôn ngữ Tây Ban Nha vẫn có ảnh hưởng lớn trong văn hoá Philippines, một di sản của hàng thế kỷ thuộc địa Tây Ban Nha. Từ năm 1973 nó không còn được coi là ngôn ngữ chính thức và không còn được giảng dạy tại đại học, năm 1987 nhưng nó được coi là ngôn ngữ của tầng lớp thượng lưu.
 
     Theo cuộc điều tra dân số năm 1990, có 2.658 người nói tiếng Tây Ban Nha và 292.630 người nói tiếng Chavacano, một một ngôn ngữ lai Tây Ban Nha. Hàng nghìn từ vay mượn từ tiếng Tây Ban Nha đã được chấp nhận trong ngôn ngữ của Philippines, và có khoảng 13 triệu tài liệu bằng tiếng Tây Ban Nha trong các thư viện tại Philippines. Toà án vẫn chấp nhận các tài liệu được viết bằng tiếng Tây Ban Nha. Tuy nhiên, người dân nói chung không còn coi tiếng Tây Ban Nha là thứ ngôn ngữ dùng trong sinh hoạt và lao động hàng ngày ở Philippines.
  • TÔN GIÁO:
     Philippines là nước có cộng đồng Công giáo La Mã lớn thứ ba và có cộng đồng Tin lành đứng đứng thứ mười ba, cộng đồng Hồi giáo lớn thứ bốn mươi, cộng đồng Hindu lớn thứ 17 và cộng đồng Phật giáo lớn thứ 17. Khoảng 92% dân số Philippines theo Thiên chúa giáo: 83% thuộc Nhà thờ Công giáo La mã trong khi 3% còn lại thuộc Thiên chúa giáo cũ (Old Catholic) Nhà thờ độc lập và 6% khác thuộc nhiều phái Tin lành khác. Dù Thiên chúa giáo là một lực lượng chính trong văn hoá của Philippines, một số người vẫn theo các truyền thống và lễ nghi địa phương.
 
     Nhà thờ Công giáo La Mã sử dụng ảnh hưởng to lớn của họ trên cả những công việc chính phủ và không chính phủ, dù hiến pháp đã tiên liệu trước việc tách Nhờ thờ khỏi Nhà nước. Philippines hiện có ba Hồng y giáo chủ, Ricardo Cardinal Vidal, Jose Cardinal Sanchez và Gaudencio Cardinal Rosales. Hồng y giáo chủ quá cố Jaime Cardinal Sin là người lãnh đạo tinh thần của quốc gia và là người tham gia tích cực vào Sức mạnh nhân dân I và Sức mạnh nhân dân II. Ông mất ngày 21 tháng 6 năm 2005. Hồng y giáo chủ Vidal là tổng giám mục Cebu.
 
     Hồng y giáo chủ Sanchez là cựu Trưởng giáo đoàn tăng lữ, Roman Curia. Gaudencio Hồng y giáo chủ Rosales làm tổng giám mục Manila. Thánh đường nổi tiếng nhất là đại Thánh đường Manila.
 
     Trong số nhiều giáo phái Tin Lành và Thiên chúa giáo những giáo phái đông đảo nhất là Seventh-day Adventists, Nhà thờ Thiên chúa, Liên hiệp nhà thờ thiên chúa ở Philippines, Hội giám lý thống nhất, Nhà thờ giám mục Philippines, Hội đồng Chúa, Nhà thờ chính thống thống nhất, Nhà thờ chúa Jesu Christ của những vị thánh ngày cuối (Mormons), và các giáo phái Baptist phía nam Philippines.
 
      Hơn nữa, còn có hai nhà thờ do các lãnh đạo tôn giáo địa phương lập ra: Nhà thờ độc lập Philippine (Iglesia Filipina Independiente) hay "Aglipayan" và Iglesia ni Cristo (Nhà thờ Christ). Cũng như vậy, đa số dân bản xứ, ước tính từ 12 đến 16 triệu người cho rằng mình là người Thiên chúa giáo. Tuy nhiên, nhiều nhóm dân bản xá vẫn theo một tôn giáo pha trộn giữa tôn giáo bản địa và các niềm tin của Thiên chúa giáo.
 
     Nhà thờ độc lập Philippine là tôn giáo có mục đích cách mạng chống lại Tây Ban Nha. Trong khi phong trào cách mạng dưới sự lãnh đạo của Tướng Emilio Aguinaldo tịch thu toàn bộ các trang trại của thầy dòng và các tài sản khác của Nhà thờ Công giáo La Mã ở Philippines, Aglipayans được chính phủ cách mạng cho phép thừa hưởng các giáo dân và các nhà thờ của Công giáo La Mã.
 
     Tuy nhiên, khi Hoa Kỳ chiếm Philippines, các trang trại được trả lại cho Nhà thờ Công giáo La mã và cuối cùng được chính phủ ở quốc đảo do Hoa Kỳ lập lên mua lại. Những giáo xứ và nhà thờ Aglipayans đã tiếp nhận trước đây được trả lại cho Nhà thờ Công giáo La Mã.
 
     Gần 5% người Philippine là Hồi giáo và đã từng hiện diện ở Philippines trong thời gian dài hơn Thiên chúa giáo. Chỉ khi Tây Ban Nha chinh phục nước này Thiên chúa giáo mới trở thành tôn giáo chính thống với đa số dân. Phần nhiều những người Hồi giáo Philippine sống ở vùng đồng bằng thấp và theo lễ nghi Hồi giáo đúng quy chuẩn, dù các lễ nghi do một số bộ lạc Hồi giáo vùng núi Mindanao có phản ánh một sự hỗn hợp với thuyết duy linh.
 
     Người Hồi giáo đã chống lại sự chinh phục và cải đạo trong nhiều thế kỷ của người Tây Ban Nha, Mỹ và hiện nay là chính phủ Philippines. Nhiều nhóm Hồi giáo đã thực hiện các chiến dịch quân sự kéo dài chống lại chính phủ Philippines để đòi quyền tự quyết.
  • VĂN HÓA:
     Nền tảng của văn hoá Philippines dựa trên các truyền thống văn hoá của nhiều nhóm dân bản địa trong vùng, gồm Tagalogs, Ilokanos, Visayans, Bikolanos và các nhóm khác. Tuy nhiên, nó cũng bị ảnh hưởng lớn từ các văn hoá của người Trung Quốc, người Tây Ban Nha, người Mỹ, và các nền văn hoá khác tuy ở mức độ nhỏ hơn.

    Ảnh hưởng của Tây Ban Nha đối với văn hoá Philippines, bắt nguồn chính từ văn hoá Mexico và văn hoá Tây Ban Nha, là kết quả của hơn ba trăm năm chính quyền thuộc địa. Những ảnh hưởng Tây Ban Nha đó hiện vẫn thấy trong các cách thức phong tục và những nghi tức liên quan tới nhà thờ Thiên chúa giáo, đặc biệt là trong các lễ hội tôn giáo.
 
    Hàng năm, người Philippine từ khắp nơi trong đất nước tổ chức những lễ hội gọi là Barrio Fiesta để tưởng nhớ các vị thánh bảo trợ cho thành phố, làng xã và các vùng. Mùa lễ hội được kỷ niệm với những ngày lễ nhà thờ, các cuộc diễu hành đường phố để vinh danh các vị thánh bảo trợ, những cuộc thi pháo, sắc đẹp và nhảy múa, và những cuộc thi chọi gà.
 
    Tuy nhiên, di sản rõ ràng nhất của Tây Ban Nha là sự phổ biến của các tên họ Tây Ban Nha của người Philippine. Nét đặc biệt này là duy nhất trong số các dân tộc ở châu Á, là kết quả của một nghị định của chế độ thuộc địa về phân loại họ, và áp dụng hệ thống tên họ Tây Ban Nha đối với những người dân Philippine.

    Ảnh hưởng từ Trung Quốc đối với văn hoá Philippines có thể thấy rõ nhất trong ẩm thực tại nước này, ảnh hưởng này rất toàn diện. Sự phổ biến của các loại mì, được gọi theo tiếng địa phương là mami, cũng như các loại thực phẩm khác như các món ăn từ thịt là một bằng chứng rõ ràng về nguồn gốc Trung Quốc. Các ảnh hưởng khác gồm một số tên họ mượn có nguồn gốc từ Trung Quốc.
 
    Ảnh hưởng văn hoá Hoa Kỳ đối với Philippines chỉ bắt đầu từ hơn một thế kỷ nay. Di sản lớn nhất là việc sử dụng rộng rãi tiếng Anh để giao tiếp. Môn thể thao được ưa chuộng nhất nước là bóng rổ. Cũng có một số khuynh hướng văn hoá Mỹ khác đang phát triển như ưa thích thức ăn nhanh (fast-food). Ở Philippines, có rất nhiều điểm bán fast-food, và bên cạnh những ông khổng lồ Mỹ như McDonald's, Pizza Hut, Burger King, KFC, các cửa hàng bán đồ ăn nhanh trong nước cũng rất phát triển gồm Jollibee, Greenwich Pizza và Chowking.
 
    Người Philippine cũng ưa thích nhạc Mỹ, nhảy theo điệu Mỹ, xem phim Mỹ và các diễn viên truyền hình Mỹ. Các quy định đạo đức bản địa về tôn trọng gia đình, kính trọng người già và thân thiện vẫn không bị thay đổi.
 
    Người Philippine kính trọng những vị anh hùng mà sự nghiệp và hành động đóng góp vào việc hình thành nên chủ nghĩa quốc gia. José Rizal là người nổi tiếng nhất, một người nhìn xa trông rộng, các tác phẩm của ông đã tạo nên tính đồng nhất quốc gia và khiến cái tên Philippines được biết đến ở nước ngoài. Các tác phẩm của ông, Noli me Tangere và El Filibusterismo, là những tác phẩm bắt buộc đối với các sinh viên Philippines, minh hoạ cuộc sống thuộc địa dưới chế độ cai trị Tây Ban Nha.
 
    Nó mang lại một ý thức đồng nhất quốc gia và sự tiếp nối lịch sử. Andrés Bonifacio đã lập ra phong trào tiền độc lập Katipunan khiến chế độ cai trị Tây Ban Nha phải chấm dứt. Nhiều tranh cãi tồn tại về việc chính ông, chứ không phải Rizal, là anh hùng quốc gia. Ninoy Aquino cũng được kính trọng rộng rãi với tư cách là người tử vì đạo của cuộc cách mạng Sức mạnh nhân dân.
 Nguồn: WikiPedia