Triển khai đề án “Phát triển kinh tế liên kết tiểu vùng bán đảo Cà Mau theo hướng đột phá về cơ chế đặc thù nhằm phát triển nhanh và bền vững”

Ngày 19.7.2019, tại thành phố Bạc Liêu đã diễn ra Hội nghị bàn về việc triển khai thực hiện đề án “Phát triển kinh tế liên kết tiểu vùng bán đảo Cà Mau theo hướng đột phá về cơ chế đặc thù nhằm phát triển nhanh và bền vững” theo Kế hoạch số 348-KH/BKTTW ngày 19.3.2019 của Ban Kinh tế Trung ương. 

TS Vũ Trọng Bình - Vụ trưởng Vụ Kinh tế vùng và địa phương Ban Kinh tế Trung ương, Tổ trưởng Tổ công tác xây dựng đề án và ông Dương Thành Trung - Phó Bí thư, Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu chủ trì hội nghị. Tham dự Hội nghị có đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành liên quan của các tỉnh Cà Mau, Sóc Trăng, Bạc Liêu; nhóm chuyên gia thuộc Tổ chức Hợp tác Quốc tế Đức (GIZ) tại Việt Nam; PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng – Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế - Luật (UEL), trưởng nhóm tư vấn thực hiện đề án và các chuyên gia, nhà khoa học hỗ trợ về chuyên môn. 

Thảo luận tại Hội nghị, các chuyên gia của UEL, GIZ và các nhà quản lý đều khẳng định tính cấp thiết và ý nghĩa của việc triển khai thực hiện Đề án. Bởi lẽ bán đảo Cà Mau (BĐCM) chưa phát triển tương xứng so với những thuận lợi và tiềm năng, có phần tụt hậu với những địa phương khác, nên cần tạo ra những đột phá cho sự phát triển mới. Liên kết phát triển kinh tế chưa được phát huy trong vùng đồng bằng sông Cửu Long, tiểu vùng BĐCM trong khi đó các tỉnh trong vùng có nhiều điểm tương đồng. Nhiều mâu thuẫn đang đặt ra trong quá trình phát triển hiện nay cần phải giải quyết: Mong muốn phát triển nhanh, đạt được các mục tiêu và chỉ tiêu đặt ra nhưng thiếu cơ sở đảm bảo tính bền vững về các mặt kinh tế, xã hội và môi trường; Quá trình phát triển phải đối diện và giải quyết những thách thức về biến đổi khí hậu, xói lở bờ biển, suy giảm nước ngầm và sụt lún… Thêm vào đó, vị trí chiến lược về địa chính trị, địa kinh tế của BĐCM cần phải được tính toán trong tổng thể khu vực ASEAN và thế giới như giao thông đường biển trong mối quan hệ Thái Bình Dương - Ấn Độ Dương – Trung Đông - Châu Âu, nhất là khi khả năng dự án kênh đào Kra – Thái Lan sẽ được xây dựng.


Mục tiêu của Đề án là nhằm làm rõ thực trạng, điểm xuất phát thấp của tiểu vùng Bán đảo Cà Mau (tiểu vùng) và những yêu cầu cấp thiết của phát triển nhanh và bền vững (PTN&BV) tiểu vùng, tạo ra những đột phá phát triển mới; Phân tích các cơ sở cho việc đề xuất cơ chế đặc thù cho PTN&BV của tiểu vùng gắn với phát triển liên kết kinh tế; Đề xuất phương hướng, nhiệm vụ và hệ thống các giải pháp có tính đột phá, đặc thù, trong đó tập trung nghiên cứu vấn đề liên kết kinh tế của tiểu vùng.

Hội nghị có sự thống nhất cao cần phải nghiên cứu sâu năm vấn đề đặt ra đối với Đề án, đó là: Thể chế và chính sách cho liên kết tiểu vùng; Liên kết phát triển nông nghiệp - lâm nghiệp - thuỷ sản trong tiểu vùng; quy hoạch, đặc biệt là quy hoạch giao thông vận tải, kết cấu hạ tầng, logistics trong tiểu vùng và trong mối quan hệ với tổng thể vùng đồng bằng sông Cửu Long; vấn đề biến đổi khí hậu, xói lở bờ biển, suy giảm nước ngầm và sụt lún…; và các vấn đề về nguồn nhân lực, văn hoá, xã hội trong phát triển tiểu vùng. 

Đại diện lãnh đạo các địa phương trong tiểu vùng BĐCM cũng đã có sự thống nhất với Nhóm chuyên gia tư vấn, hỗ trợ chuyên môn sẽ cử nhân sự cùng tham gia phối hợp thực hiện Đề án để Đề án để đảm bảo yêu cầu về chất lượng, bám sát thực tiễn của tiểu vùng BĐCM và hoàn thành trình Ban Kinh tế Trung ương vào cuối năm 2019. 

Các đại biểu tham dự Hội nghị chụp hình lưu niệm

TS Nguyễn Thanh Trọng