Lịch sử hình thành và phát triển


Trường đại học Kinh tế - Luật (UEL) được thành lập theo Quyết định số 377/QĐ-TTg ngày 24/3/2010 của Thủ tướng Chính phủ, tiền thân của Trường là Khoa Kinh tế trực thuộc Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh (ĐHQG-HCM), được thành lập theo quyết định số 441/QĐ-ĐHQG-TCCB ngày 06/11/2000 của Giám đốc ĐHQG-HCM.

Việc thành lập Trường đại học Kinh tế - Luật có ý nghĩa quan trọng trong việc thực hiện mục tiêu xây dựng và phát triển ĐHQG-HCM, nhằm kiến tạo một trung tâm đào tạo đại học, sau đại học và nghiên cứu khoa học - công nghệ đa ngành, đa lĩnh vực, chất lượng cao, đạt trình độ tiên tiến, làm nòng cốt cho hệ thống giáo dục đại học, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam và thích ứng với môi trường toàn cầu.



Qua 22 năm phát triển nhanh và bền vững, UEL đã tạo được rất nhiều đột phá và giá trị đặc biệt, mang tầm chiến lược, cung cấp cho xã hội gần 35.000 cử nhân, thạc sĩ, tiến sĩ và chính thức chuyển sang hoạt động theo cơ chế tự chủ từ năm 2021. UEL xây dựng được đội ngũ viên chức và người lao động có trình độ chuyên môn cao, nhiều chuyên gia đầu ngành, đáp ứng được yêu cầu đào tạo và nghiên cứu khoa học theo hướng chất lượng cao trong lĩnh vực kinh tế, kinh doanh và luật. Tính đến cuối năm 2022, Trường có 381 nhân sự, trong đó có 230 giảng viên (100 người có trình độ TS, PGS và GS và hơn 45% nhân sự được đào tạo sau đại học ở nước ngoài).

 

Trong tầm nhìn chiến lược, UEL xác định phát triển các chương trình đào tạo có tính kết nối chặt chẽ giữa khối ngành kinh tế, kinh doanh, luật với khối ngành công nghệ nhằm tạo ra giá trị vượt trội, cho người học trong nền kinh tế số và trí tuệ nhân tạo, đại trà hoá các chương trình đào tạo bằng tiếng Anh và phát triển các chương trình đào tạo đạt chuẩn kiểm định quốc tế có uy tín cao. Trường đã khẳng định được danh tiếng, uy tín chất lượng đào tạo với xã hội qua kết quả tuyển sinh luôn thuộc top đầu khối các trường đào tạo về kinh tế, kinh doanh và luật của Việt Nam. Năm học 2022 – 2023, UEL có 51 chương trình đào tạo trình độ đại học (trong đó 19 chương trình chất lượng cao, 11 chương trình chất lượng cao giảng dạy hoàn toàn bằng tiếng Anh, tăng cường tiếng Pháp, 2 chương trình liên kết quốc tế), 13 chương trình đào tạo trình độ thạc sĩ (trong đó 4 chương trình liên kết quốc tế) và 6 chương trình đào tạo trình độ tiến sĩ với hơn 12.000 người học. Trường liên tục mở rộng quan hệ và là đối tác quan trọng, tin cậy của các cơ quan TW, địa phương, doanh nghiệp; cùng các đại học và tổ chức khoa học uy tín trên thế giới trong hợp tác giảng dạy, liên kết đào tạo, nghiên cứu khoa học, trao đổi giảng viên và người học. Nổi bật là các đối tác: ĐH Indiana (Mỹ), ĐH Birmingham City, ĐH Gloucetershire (Anh), ĐH Paris 1 và ĐH Paris II (Pháp), ĐH Swinburne (Úc), ĐH Keyo (Nhật), ĐH Daejeon Hàn Quốc).

 

Hoạt động đảm bảo chất lượng bên trong, kiểm định, xếp hạng đại học được Trường đầu tư thực hiện, với các bộ tiêu chuẩn uy tín trong giai đoạn 2021 – 2025 của: Bộ Giáo dục & Đào tạo, AUN-QA, FIBAA và AQAS. Đặc biệt năm 2020, kết quả xếp hạng của tổ chức THE cho các cơ sở giáo dục đại học toàn cầu, ĐHQG-HCM là đại diện duy nhất của Việt Nam được xếp hạng lĩnh vực Kinh doanh và Kinh tế với thứ hạng TOP 601+ , trong đó có vai trò đóng góp nòng cốt của Trường Đại học Kinh tế - Luật. Kết quả này khẳng định uy tín về chất lượng đào tạo, nghiên cứu khoa học và gia tăng nhiều cơ hội hợp tác quốc tế của UEL, giúp người học tham gia vào hệ thống chuyển đổi tín chỉ, học liên thông tại các cơ sở giáo dục quốc tế.

 

Trường chuẩn bị, xây dựng nền tảng vững chắc cho đại học định hướng nghiên cứu bằng chiến lược phát triển các đơn vị khoa học công nghệ trụ cột với mục tiêu thúc đẩy tiến bộ xã hội, sáng tạo tri thức, nâng cao chất lượng phục vụ cộng đồng thông qua hoạt động nghiên cứu, tư vấn và phản biện chính sách (Viện Nghiên cứu và phát triển công nghệ Ngân hàng -IBT, Viện Pháp luật quốc tế và so sánh -IICL, Phòng nghiên cứu kinh doanh thông minh-BI.Lab,... Đồng thời, tiếp tục vận hành đồng bộ các chính khuyến khích, thúc đẩy công bố kết quả nghiên cứu trên các tạp chí quốc tế, quy chế thu hút và phát triển tài năng.

 

Các tổ chức đoàn thể phát huy xuất sắc vai trò tạo môi trường rèn luyện, trưởng thành cho người học, chăm lo và bảo vệ quyền lợi của viên chức và người lao động. Đoàn Thanh niên, Hội Sinh viên nhận danh hiệu Huân chương Lao động hạng Ba (năm 2017), nhiều năm học liên tiếp là đơn vị đạt danh hiệu Lá cờ đầu trong công tác Đoàn, Hội của Thành phố Hồ Chí Minh và ĐHQG-HCM. Với những thành tích đạt được, Trường đại học Kinh tế - Luật nhận nhiều danh hiệu khen thưởng cấp cao của Đảng và Nhà nước: Huân chương Lao động hạng Ba (năm 2007), Huân chương Lao động hạng Nhì (năm 2015), Huân chương Lao động hạng Nhất (năm 2021), nhiều năm liên tục nhận các danh hiêu thi đua, khen thưởng khác (Bằng khen Giám đốc ĐHQG-HCM, Cờ thi đua Bộ Giáo dục & Đào tạo, Bằng khen Thủ tướng Chính phủ)./.

 

Hình ảnh: Phòng Truyền thông