Tọa đàm “Phát triển công nghệ blockchain: Khung pháp lý và ứng dụng”

Ngày 15.5.2019, Trường Đại học Kinh tế - Luật, ĐHQG TP.HCM đã phối hợp với Infinity Blockchain Ventures và Asia Blockchain Review tổ chức Tọa đàm khoa học “Phát triển công nghệ blockchain: Khung pháp lý và ứng dụng”. 

Trong làn sóng cách mạng công nghiệp 4.0, blockchain được xem là công nghệ "chìa khóa" cho chuyển đổi số và xây dựng nền tảng công nghệ thông tin tương lai. Ứng dụng hữu ích đầu tiên được biết đến rộng rãi từ công nghệ blockchain có lẽ là Bitcoin và tiền mã hóa. 

Blockchain không chỉ ứng dụng trong tiền mã hóa nói riêng. Khả năng ứng dụng của công nghệ này rất rộng mở cả ở Việt Nam và trên thế giới, đặc biệt là trong các lĩnh vực như công nghệ tài chính, công nghiệp sản xuất, dịch vụ công, chuỗi cung ứng, giáo dục hay năng lượng… 

Tuy nhiên, hiện nay, luật là một trong những rào cản lớn nhất để ứng dụng blockchain vào Việt Nam. Chính vì thế, Tọa đàm tập trung vào 2 nội dung chính: Giới thiệu kinh nghiệm của quốc tế về việc ứng dụng công nghệ blockchain vào các hoạt động của đời sống kinh tế - xã hội tại một số nước; Gợi ý những vấn đề thực tiễn phát sinh và các giải pháp cho Việt Nam trong việc ứng dụng công nghệ blockchain trong một số lĩnh vực của nền kinh tế và chia sẻ kinh nghiệm xây dựng khung pháp lý cho việc ứng dụng công nghệ blockchain. 


PGS.TS Nguyễn Ngọc Điện – Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế - Luật phát biểu khai mạc Tọa đàm

Tại Tọa đàm, các diễn giả cung cấp thông tin về đặc tính của blockchain; các ứng dụng thực tế của blockchain, đặc biệt là trong việc truy xuất nguồn gốc hàng hóa; pháp luật liên quan đến blockchain ở các nước châu Á,…


Diễn giả Nguyễn Đức Phương Nam trình bày tham luận “Real-World blockchain applications and the future of supply chain traceability in Vietnam”


Diễn giả Manfred Otto trình bày tham luận “International blockchain law regulatory developments
in Emerging Asia and Beyond”

Theo thông tin từ các chuyên gia tại Tọa đàm, Việt Nam hiện đang đứng thứ 8 trên thế giới về các hoạt động giao dịch tiền điện tử. Vì vậy, việc sớm đưa ra được khung pháp lý về tiền điện tử nói riêng và về việc ứng dụng công nghệ blockchain tại Việt Nam nói chung là điều rất cần thiết. 

Sau Tọa đàm, Ban tổ chức sẽ tập hợp bài trình bày và ý kiến của các chuyên gia cùng đại biểu tham dự về các đề xuất xây dựng khung pháp lý và giải pháp ứng dụng công nghệ blockchain tại Việt Nam gửi các cơ quan có thẩm quyền, các cơ sở đào tạo là tài liệu nghiên cứu, giảng dạy cho giảng viên, sinh viên và học viên sau đại học. 




Các đại biểu tham dự Tọa đàm thảo luận, trao đổi ý kiến


Đại diện Ban tổ chức tặng hoa cảm ơn hai diễn giả

Thực hiện: CCA