Ngày 20.5.2020, Trường Đại học Kinh tế-Luật (UEL) và Viện Nghiên cứu phát triển Công nghệ ngân hàng ĐHQG-HCM (VNUHCM-IBT) đồng tổ chức Hội thảo khoa học “Lựa chọn chính sách phục hồi kinh tế Việt Nam giai đoạn Covid-19” tại Khách sạn Rex (141 Nguyễn Huệ, Quận 1, TP.HCM).
Tham dự hội thảo, về phía cơ quan trung ương có: TS Đào Minh Tú - Phó Thống đốc thường trực Ngân hàng Nhà nước; Ông Trần Quốc Phương - Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư; TS Nguyễn Quốc Hùng, Vụ trưởng Vụ tín dụng các ngành kinh tế NHNN; TS Nguyễn Tú Anh - Vụ trưởng Vụ Kinh tế tổng hợp, Ban Kinh tế Trung ương; TS Nguyễn Văn Phụng - Vụ trưởng Vụ QLTDNL, Tổng cục thuế; TS Phạm Hồng Quang - Phó Vụ trưởng Vụ Tổng hợp, Văn phòng TW Đảng; Bà Cao Thị Minh Nghĩa - Phó Vụ trưởng, Vụ Tổng hợp Kinh tế quốc dân, Bộ KH&ĐT; Bà Lê Thị Trinh - Phó trưởng Ban cải cách và Hiện đại hóa, Tổng Cục thuế.
PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng - Bí thư Đảng ủy, Hiệu trưởng Nhà trường phát biểu khai mạc và đề dẫn hội thảo
Về phía TP.HCM có Ông Bùi Tá Hoàng Vũ - Giám đốc Sở Du lịch. Về phía Trường Đại học Kinh tế - Luật có PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng - Bí thư Đảng ủy, Hiệu trưởng nhà trường cùng các thành viên Ban Giám hiệu, Ban Giám đốc Viện Nghiên cứu phát triển Công nghệ ngân hàng, lãnh đạo các đơn vị và các nhà khoa học tham dự.
Hội thảo có sự tham gia của hơn 40 Chủ tịch/Phó Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp TP.HCM, Hiệp hội nhựa TP.HCM, Hiệp hội Bất động sản TP.HCM, Hội tin học TP.HCM; Hội Công nghệ cao TP.HCM; Chủ tịch/Phó Chủ tịch HĐQT/Tổng Giám đốc/Phó tổng giám đốc doanh nghiệp như: Tập đoàn Hoa Sen, Công ty Đồng Tâm-Long An, Công ty Viettravel, Vietrravel airlines, Công ty tin học Lạc Việt, Công ty HPT, Công ty đầu tư tài chính nhà nướcTP.HCM, Tập đoàn Capella Hodings, Ngân hàng Nông nghiệp và phát triển nông thôn, Ngân hàng Phương Đông, Ngân hàng Eximbank, Ngân hàng Sài Gòn Công thương và nhiều doanh nghiệp trên địa bàn TP.HCM.
TS Đào Minh Tú - Phó Thống đốc thường trực Ngân hàng Nhà nước Việt Nam phát biểu tại Hội thảo
Đồng thời, Hội thảo đón tiếp hơn 50 chuyên gia, nhà khoa học của Trường Đại học Kinh tế-Luật, Viện Nghiên cứu phát triển Công nghệ ngân hàng ĐHQG-HCM, Viện Kinh tế Việt Nam (Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam), Viện chiến lược Bộ Tài chính và nhiều trường đại học trên địa bàn TP.HCM.
Hiện nay, Chính phủ Việt Nam đang thực hiện nhiều chính sách tài khóa như đưa ra gói giảm thuế và tiền thuê đất với 180.000 tỷ đồng (tương đương 3% GDP, 11,7% thu ngân sách, 10,3% chi ngân sách và 88% mức thâm hụt ngân sách); chi 62.000 tỷ đồng tiền mặt cho an sinh xã hội (giảm giá điện trị giá 11.000 tỷ đồng và hoãn đóng bảo hiểm xã hội trị giá 9.500 tỷ đồng)... Tính tổng thể quy mô gói kích thích tài khóa của Việt Nam hiện tương đương 4,3% GDP - xấp xỉ với các nền kinh tế mới nổi khác cũng như so với các quốc gia đang phát triển trong khu vực.
Ông Trần Quốc Phương - Thứ Trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư phát biểu tại Hội thảo
Tại Hội thảo, Viện nghiên cứu phát triển công nghệ ngân hàng ĐHQG-HCM (VNUHCM-IBT) sẽ công bố hai báo cáo:
1. Lựa chọn chính sách phục hồi kinh tế Việt Nam giai đoạn Covid-19
2. Khung pháp lý phát triển công nghệ tài chính: kinh nghiệm ở các nước và khuyến nghị cho Việt Nam
TS Trần Hùng Sơn - Phó Viện trưởng VNUHCM-IBT trình bày hai công bố nghiên cứu
Nghiên cứu của VNUHCM-IBT công bố tại hội thảo cho rằng gói kích thích hiện nay của Việt Nam có tác động giới hạn đối với doanh nghiệp đang lâm vào tình trạng kiệt quệ tài chính vì các chính sách chỉ làm giảm hoặc ngăn dòng tiền ra của doanh nghiệp, chưa có chính sách hỗ trợ làm tăng dòng tiền vào của doanh nghiệp. Sẽ có những doanh nghiệp đã phải ngưng hoạt động và có thể phải giải thể hoặc phá sản trước khi cải thiện được dòng tiền, vì vậy chính sách tạo dòng tiền vào cho doanh nghiệp quan trọng hơn và sẽ mang lại hiệu quả hơn. Nói cách khác, phải bơm tiền thực cho doanh nghiệp mới tạo nhiên liệu kích hoạt cỗ máy kinh doanh tái khởi động.
Đồng thời, các chuyên gia của Trường Đại học Kinh tế-Luật và VNUHCM-IBT cũng cho rằng việc lựa chọn chính sách phục hồi kinh tế cần đặt trong tầm nhìn trung hạn với các giải pháp phi truyền thống, thậm chí khác biệt với các chính sách đã từng được áp dụng trong quá khứ vì bản chất tác động khủng hoảng do Covid-19 khác với các khủng hoảng trong quá khứ. Theo đó, cần cân nhắc điều chỉnh tăng chỉ tiêu lạm phát 4% của năm 2020 để giúp Ngân hàng Nhà nước (NHNN) có dư địa đủ lớn cho việc nới lỏng tiền tệ và cắt giảm lãi suất, không chỉ dừng lại ở lãi suất liên ngân hàng mà phải đảm bảo tác động làm hạ thấp mạnh hơn nữa lãi suất cho vay kể cả lãi suất của các món nợ cũ. Đặt giả thuyết, nếu tình hình Covid-19 kéo dài, tỷ lệ thất nghiệp tăng lên, hoạt động các doanh nghiệp bị ảnh hưởng nặng nề hơn thì trong các quý tới cho vay cá nhân có thể giảm 20-25% và cho vay doanh nghiệp có thể giảm đến 30-40%. Vì vậy, theo các chuyên gia của VNUHCM-IBT, trong thời gian tới, các Ngân hàng thương mại (NHTM) nên ưu tiên chú trọng tái cấu trúc và gia hạn nợ mạnh hơn.
Ngoài ra, triển vọng kinh doanh của doanh nghiệp và tốc độ giải ngân thời gian qua cho thấy mục tiêu tăng trưởng tín dụng 9-14% đã đặt ra cho năm 2020 có thể khó đạt được. Vì vậy, các chuyên gia cho rằng thay vì chỉ đeo đuổi mục tiêu chung của tăng trưởng tín dụng, cần đặt ra mục tiêu hỗ trợ cho các ngành ưu tiên như công nghiệp chế biến - chế tạo xuất khẩu, thương mại, thuỷ sản, nông nghiệp… Việc xác định ngành ưu tiên hỗ trợ nên dựa trên ít nhất hai yếu tố là tốc độ phục hồi và mức độ ổn định của đầu ra của sản phẩm. Những doanh nghiệp hồi phục nhanh sẽ giúp nâng đỡ nền kinh tế và từ đó tác động lan tỏa để các doanh nghiệp khác phục hồi. Như vậy, chính sách cần có sự tập trung theo nhóm ngành chứ không nên dàn trải, thiếu tập trung.
Với chính sách tài khoá, phân tích của VNUHCM-IBT cho rằng để giải quyết cuộc khủng hoảng do dại dịch Covid-19 gây ra cần sử dụng công cụ chính là chính sách tài khóa còn chính sách tiền tệ sẽ đóng vai trò hỗ trợ. Việt Nam là nước có độ mở thương mại lớn và có mối tương quan dương với tăng trưởng GDP thế nhưng cho đến thời điểm này hầu hết các đối tác thương mại lớn của Việt Nam vẫn đang còn áp dụng biện pháp phong toả, vì vậy tăng trưởng kinh tế Việt Nam trong ngắn hạn rất cần phải dựa vào nội lực. Tuy nhiên, nội lực tiêu dùng tư nhân và đầu tư tư nhân đang suy giảm mạnh và sẽ chậm hồi phục do mức độ tổn thương lớn nên tăng trưởng trong thời gian tới phụ thuộc vào chi tiêu công. Để giải quyết bài toán nguồn tài trợ chi tiêu công cần phải dựa trên nguyên tắc tái phân bổ chi tiêu, chuyển nhượng tài sản công, cân nhắc sử dụng giải pháp tiền tệ hóa thâm hụt và vay nợ.
Từ các phân tích đó, các chuyên gia của VNUHCM-IBT đề xuất các khuyến nghị về chính sách tài khoá ngắn hạn và trung hạn như: cho phép hạch toán đầy đủ chi phí lương; nhanh chóng khơi thông khối tiền đầu tư công 700.000 tỷ đồng trong năm 2020 (vốn phát sinh trong năm 2020 khoảng 135.000 tỷ đồng và vốn của kế hoạch các năm trước đây được chuyển nguồn thực hiện ở năm 2020 khoảng 565.000 tỷ đồng); bố trí một khoản mục chi tái thiết kinh tế trong dự toán ngân sách thời kỳ 2021-2026 dưới hình thức “Chi đầu tư phát triển”; phân loại doanh nghiệp hỗ trợ, gắn với an sinh xã hội để đảm bảo người lao động không mất việc làm; giải quyết vấn đề khó tiếp cận vốn cho doanh nghiệp bằng cách thực hiện dịch chuyển rủi ro của chủ nợ về phía Chính phủ thông qua các chương trình bảo lãnh tín dụng giúp khơi thông nguồn vốn đến các doanh nghiệp thuộc đối tượng hỗ trợ; cho phép doanh nghiệp chuyển lỗ về năm trước hoặc năm sau trong hạn định 5 năm nhằm giảm áp lực kinh tế lên doanh nghiệp. Và các giải pháp khác như điều chỉnh kỷ luật tài khóa tổng thể; sử dụng hết mức tối đa theo quy định của Luật ngân sách nhà nước của số dư dự phòng ngân sách nhà nước năm 2020 để đáp ứng các nhu cầu chi.
Ngoài ra, cần lưu ý về rủi ro trong quá trình thực thi chính sách tài khóa giai đoạn Covid-19 để đảm bảo tính hiệu lực và hiệu quả của chính sách tài khóa. Theo đó, cần thiết phải theo dõi và phòng vệ một số rủi ro có thể gây hại như: rủi ro thể chế làm chậm tiến độ bơm tiền kích thích tiêu dùng và đầu tư, rủi ro tham nhũng và/hoặc sợ trách nhiệm, rủi ro chệch mục tiêu,.v.v.
Đồng thời với những giải pháp hỗ trợ tài chính, cần có các giải pháp hỗ trợ phát triển Fintech phù hợp với tình hình mới cũng được nêu ra trong nghiên cứu “Khung pháp lý phát triển công nghệ tài chính: kinh nghiệm thế giới và khuyến nghị cho Việt Nam” được VNUHCM-IBT công bố. Đó là thúc đẩy đổi mới sáng tạo gắn với mục tiêu xây dựng môi trường cạnh tranh lành mạnh để phát triển hệ sinh thái Fintech góp phần thúc đẩy quá trình chuyển đổi số hiệu quả, nhất là trong bối cảnh đại dịch Covid-19.
Tuy nhiên, vấn đề đặt ra cho Việt Nam là lựa chọn khung pháp lý cho Fintech như làm sao để quản lý hiệu quả hoạt động cho vay ngang hàng; khung pháp lý liên quan đến thanh toán di động và mobile money,…VNHUCM-IBT đề xuất Chính phủ nên giao quyền quản lý cơ chế quản lý thử nghiệm tương ứng với phạm vi ứng dụng của công nghệ tài chính. Xu hướng sáp nhập và mua lại có thể diễn ra giữa các ngân hàng và các công ty công nghệ tài chính trong tương lai tuy nhiên, luật chống cạnh tranh chưa có những quy định cụ thể về sáp nhập và mua lại giữa các ngân hàng và các công ty công nghệ tài chính lớn. Điều này cũng phải cần được cân nhắc trong khung pháp lý thử nghiệm.
Từ báo cáo nghiên cứu của Trường Đại học Kinh tế - Luật và VNUHCM-IBT, các tham luận, các ý kiến của doanh nghiệp và thảo luận tại hội thảo, BTC hoàn thành báo cáo khuyến nghị chính sách gửi đến các cơ quan hoạch định chính sách, cơ quan quản lý nhà nước để các cơ quan này tham khảo cho việc xây dựng và triển khai chính sách hỗ trợ kinh tế Việt Nam phục hồi và phát triển sau đại dịch Covid-19.
Tiếp theo hai báo cáo nghiên cứu của VNUHCM-IBT do TS Trần Hùng Sơn-Phó Viện trưởng trình bày, TS Lê Xuân Sang – Phó Viện trưởng, Viện Kinh tế Việt Nam đã trình bày tham luận "Tác động của đại dịch Covid-19 lên nền kinh tế và gợi ý chính sách cho Việt Nam ". Hội thảo cũng đã nghe hai phát biểu của đại diện doanh nghiệp: Ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội bất động sản TP.HCM, Bà Đinh Hà Duy Trinh - Phó Chủ tịch HĐQT Công ty HPT.
TS Lê Xuân Sang - Phó Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam trình bày tham luận "Tác động của đại dịch Covid-19 lên nền kinh tế và gợi ý chính sách cho Việt Nam"
Đặc biệt, hội thảo đã tổ chức phiên bàn tròn đối thoại chính sách đem lại cho các đại biểu nhiều thông tin, phân tích, đánh giá sâu xung quanh các vấn đề nóng mang tính thời sự và những định hướng chính sách trong thời gian tới của các cơ quan hoạch định chính sách và quản lý nhà nước. Phiên bàn tròn đối thoại chính sách điều phối bởi PGS.TS Hoàng Công Gia Khánh - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế - Luật kiêm Viện trưởng VNUHCM-IBT - cùng với sự tham gia của Ông Trần Quốc Phương, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư; TS Nguyễn Quốc Hùng, Vụ trưởng Vụ tín dụng các ngành kinh tế NHNN; TS Nguyễn Tú Anh, Vụ trưởng Vụ Kinh tế tổng hợp, Ban Kinh tế Trung ương; TS Nguyễn Văn Phụng, Vụ trưởng Vụ Quản lý thuế doanh nghiệp lớn, Tổng cục thuế; Ông Võ Quốc Thắng, Chủ tịch HĐQT Công ty Đồng Tâm-Long An; Ông Trần Việt Anh, Phó Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp TP.HCM, Chủ tịch Hiệp hội nhựa TP.HCM.
PGS.TS Hoàng Công Gia Khánh - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế - Luật điều phối phiên bàn tròn đối thoại chính sách
Trước khi khép lại phiên bàn tròn đối thoại chính sách, PGS.TS Hoàng Công Gia Khánh đã đề nghị mỗi khách mời có phát biểu ngắn như là thông điệp nhắn gửi đến cộng đồng doanh nghiệp, lời đề nghị này đã nhận được sự hưởng ứng nhiệt tình của khách mời. Đối với doanh nghiệp, nội dung thông điệp là lời nhắn gửi đến Chính phủ và các cơ quan chức năng.
Phát biểu tổng kết hội thảo, PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng cảm ơn lãnh đạo Ngân hàng nhà nước, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Vụ Kinh tế Tổng hợp Ban Kinh tế trung ương, Vụ quản lý thuế doanh nghiệp lớn-Tổng Cục thuế, Sở Du lịch TP.HCM, các doanh nghiệp, nhà khoa học, chuyên gia đã đến tham dự, tham gia phiên bàn tròn đối thoại chính sách, trao đổi thảo luận. Từ báo cáo nghiên cứu của Trường Đại học Kinh tế - Luật và VNUHCM-IBT, các tham luận, các ý kiến trao đổi thảo luận tại hội thảo, BTC sẽ hoàn thành báo cáo khuyến nghị chính sách gửi đến các cơ quan hoạch định chính sách, cơ quan quản lý nhà nước để các cơ quan này tham khảo cho việc xây dựng và triển khai chính sách hỗ trợ kinh tế Việt Nam phục hồi và phát triển sau đại dịch Covid-19.
BTC và khách mời chụp ảnh lưu niệm tại Hội thảo
Hội thảo Lựa chọn chính sách phục hồi kinh tế Việt Nam giai đoạn Covid-19 là dịp để Trường Đại học Kinh tế - Luật, Viện Nghiên cứu phát triển Công nghệ ngân hàng ĐHQG-HCM thể hiện vai trò, trách nhiệm xã hội trong việc đóng góp hữu ích đối với cộng đồng doanh nghiệp, tư vấn và phản biện các chính sách vĩ mô của nhà nước cho phát triển của kinh tế Việt Nam.
Có hơn 17 bài viết được đăng tải bản online ngay sau khi hội thảo kết thúc lúc 12:30 ngày 20/5/20020 và được đăng trên nhiều báo lớn (báo giấy) ngày 21/5/2020.
Báo Tuổi Trẻ (2 bài đăng trên báo giấy vào báo điện tử):
- Link báo điện tử
https://bit.ly/2Xf4tCz
- Link báo giấy:
https://bit.ly/2TonQbp
Báo Thanh Niên:
https://bit.ly/2XfoI2V
Báo Pháp luật TP.HCM:
- Link báo điện tử:
https://bit.ly/2TlJtZI
- Link báo giấy:
https://bit.ly/3bTSrDP
Báo Đầu tư:
https://bit.ly/2AFWWFe