Pháp luật và công nghệ mới: cần những cơ chế cụ thể hơn

Sự phát triển của công nghệ số tác động mạnh mẽ lên mọi mặt của đời sống, trong đó có hệ thống pháp luật. Trí tuệ nhân tạo, trợ lý ảo, tài sản số… dần xuất hiện trong luật và được ứng dụng trực tiếp vào các hoạt động pháp lý. Hội thảo khoa học “Pháp luật và công nghệ mới” tổ chức tại Trường Đại học Kinh tế - Luật, ĐHQG-HCM (UEL) sáng 16/4/2025 đã thảo luận và đóng góp nhiều ý kiến chuyên sâu.

 

 

Hội thảo có sự tham gia của các Luật gia thuộc Chi hội Luật gia UEL, giảng viên, sinh viên, học viên cao học, nghiên cứu sinh của Trường cùng đông đảo các Luật gia thuộc các hội luật gia, chi hội luật gia thuộc Hội Luật gia TP.HCM; giảng viên các trường đại học đào tạo luật; các tổ chức hành nghề luật và đại diện doanh nghiệp.

 

Hoàn thiện cơ chế Sandbox trong dự thảo Luật Công nghiệp công nghệ số

 

Đây là nội dung được ThS Lưu Minh Sang - Khoa Luật, UEL trình bày trong tham luận “Cơ chế thử nghiệm có kiểm soát theo quy định tại Dự thảo Luật Công nghiệp công nghệ số”. Theo đó, sandbox (cơ chế thử nghiệm có kiểm soát) là cơ chế pháp lý tạo môi trường cô lập, linh hoạt và an toàn để các doanh nghiệp thực hiện hoạt động thử nghiệm sản phẩm, dịch vụ hoặc mô hình kinh doanh mới trong điều kiện thực tế nhưng được miễn giảm một số quy định, nhằm đánh giá hiệu quả và kiểm soát rủi ro trước khi triển khai chính thức. 

 

“Đây được xem là một giải pháp pháp lý chính thức nhằm thúc đẩy đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số và bảo vệ người dùng. Tuy nhiên, các quy định về sandbox trong dự thảo luật còn một số điểm hạn chế” - ThS Minh Sang nói.

 

ThS Lưu Minh Sang chia sẻ các ý kiến, bình luận về cơ chế thử nghiệm có kiểm soát (Sandbox)
trong Dự thảo Luật công nghiệp công nghệ số

 

Vì vậy, trước hết cần thống nhất các thuật ngữ pháp lý có liên quan, tránh nguy cơ chồng chéo trong quy định dẫn đến khó khăn khi thực hiện. Các quy định về tiêu chí xét duyệt sản phẩm, dịch vụ, mô hình kinh doanh áp dụng sandbox; quy định về bảo vệ người sử dụng sản phẩm, dịch vụ công nghệ số thử nghiệm; quy định về miễn trừ nghĩa vụ tuân thủ và trách nhiệm pháp lý… trong dự thảo luật cần rõ ràng, thống nhất hơn.

 

Cần thiết có ngành Luật và Công nghệ mới

 

Trao đổi về các vấn đề pháp luật và công nghệ mới, đặc biệt là trí tuệ nhân tạo (AI), PGS.TS Đoàn Thị Phương Diệp - Khoa Luật UEL cho biết hiện nay có rất nhiều công cụ AI mà bất cứ người dân nào cũng có thể tiếp cận và sử dụng. AI có thể giải đáp, hướng dẫn thậm chí là đưa ra giải pháp về một vấn đề pháp lý cho mọi người.

 

Đồng quan điểm, Luật gia Ung Thị Xuân Hương - Chủ tịch Hội Luật gia TP.HCM (nguyên Chánh án TAND TP.HCM) cũng chia sẻ tòa án đã ứng dụng phần mềm Trợ lý ảo tòa án nhân dân vào công việc hàng ngày. Phần mềm này đã phần nào giúp cho cán bộ, công chức ngành Toà án giảm tải khối lượng công việc và hồ sơ phải xử lý. 

 

PGS.TS Ngô Hữu Phước, LG Ung Thị Xuân Hương và TS Lê Nguyễn Gia Thiện chủ trì phiên thảo luận

 

Trước vấn đề AI ngày càng phổ biến và giúp ích trong lĩnh vực pháp luật, bạn Đoan Trang - sinh viên năm cuối ngành Luật dân sự bày tỏ sự quan ngại về sự phát triển của AI có thể thay thế các công việc trong lĩnh vực luật. Đồng thời, Đoan Trang cũng đề xuất UEL cần có ngành đào tạo để cử nhân tốt nghiệp có đủ kiến thức và kinh nghiệm trong cả lĩnh vực luật và công nghệ.

 

“Đây là vấn đề đã được đề xuất và nghiên cứu triển khai tại UEL. Theo tôi, đào tạo luật và công nghệ là xu thế tất yếu trong bối cảnh hiện nay. Khi nghiên cứu chương trình đào tạo của 30 trường đại học trên thế giới, tôi cũng nhận thấy hầu hết đều có nhóm ngành về luật và công nghệ. Vì vậy, trong thời gian gần nhất chúng tôi sẽ khẩn trương nghiên cứu về việc mở ngành Luật và công nghệ mới” - PGS.TS Ngô Hữu Phước - Phó Trưởng khoa phụ trách khoa Luật Kinh tế UEL chia sẻ.

 

Ngoài các vấn đề vừa nêu, Hội thảo khoa học “Pháp luật và Công nghệ mới” còn trao đổi, thảo luận và đóng góp chuyên sâu về vấn đề pháp lý đương đại như AI tạo sinh và quyền tiếp cận công lý, tác động của AI đến Trung tâm Dữ liệu và Blockchain; và các vấn đề nhằm hoàn thiện Dự thảo Luật Công nghiệp công nghệ số, hướng tới xây dựng khung pháp lý hỗ trợ sự phát triển của công nghệ vừa đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước.

 

Sau Hội thảo, Ban tổ chức sẽ tổng hợp các bài tham luận và ý kiến đóng góp để biên soạn thành kỷ yếu và sách chuyên khảo, phục vụ hoạt động nghiên cứu, tìm hiểu về pháp luật và công nghệ mới. 

 

Một số hình ảnh khác tại Hội thảo:

 

PGS.TS Lê Vũ Nam - Phó Hiệu trưởng UEL phát biểu khai mạc Hội thảo 

 

Các đại biểu tham dự Hội thảo trao đổi và thảo luận sôi nổi về pháp luật và công nghệ mới

 

Ban tổ chức trao thư cảm ơn và chứng nhận cho các chủ tọa điều phối và các tác giả có bài tham luận tại Hội thảo

 

Phó Hiệu trưởng UEL tặng quà và thư cảm ơn nhà tài trợ Hội thảo

 

 

Tin và hình ảnh: Phòng Truyền thông