Luật Tài chính - Ngân hàng

CHƯƠNG TRÌNH ĐÀO TẠO CỬ NHÂN TÀI NĂNG
NGÀNH: LUẬT TÀI CHÍNH - NGÂN HÀNG


1. Mục tiêu đào tạo
   Đào tạo đội ngũ chuyên gia luật học trong lĩnh vực tài chính – ngân hàng có trình độ chuyên môn vững vàng đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế xã hội và hội nhập của đất nước.

2.Chuẩn đầu ra

2.1 Kiến thức chung
- Có khả năng phân tích, tổng hợp và hệ thống hóa các kiến thức khoa học xã hội và biết vận dụng giải quyết các vấn đề pháp lý đặt ra trong đời sống – xã hội.
- Có khả năng phân tích, tổng hợp và hệ thống hóa kiến thức khoa học tự nhiên và biết vận dụng để giải quyết các vấn đề pháp lý trong thực tế phát sinh.

2.2 Kiến thức chuyên môn
- Khả năng hiểu, phân tích, hệ thống hóa và đánh giá những vấn đề lý luận và thực tiễn về nhà nước và pháp luật.
- Khả năng phân tích, bình luận và so sánh hệ thống pháp luật Việt Nam với hệ thống pháp luật khác trên thế giới.
- Khả năng nắm bắt, phân tích, tổng hợp và vận dụng các kiến thức pháp luật về tài chính-ngân hàng để áp dụng vào thực tế đời sống pháp lý.
- Khả năng ứng dụng, chọn lọc và phân tích, tổng hợp kiến thức để tham gia vào quản lý, tổ chức hoạt động và thực hiện các nghiệp vụ pháp lý trong các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp họat động trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng, bảo hiểm, chứng khóan, tư vấn thuế và dịch vụ thuế...
- Được trang bị những kiến thức cơ bản để về kế tóan - kiểm tóan, nghiệp vụ ngân hàng, tài chính doanh nghiệp, tài chính-tiền tệ để có thể vận dụng, phân tích, tổng hợp và đánh giá khi giải quyết các vấn đề pháp lý.

2.3 Kỹ năng chuyên môn
- Kỹ năng nghiên cứu và phân tích luật; kỹ năng vận dụng kiến thức để phản biện, lập luận và xây dựng pháp luật.
- Khả năng vận dụng các kiến thức chuyên môn để phân tích, đánh giá tình huống pháp lý và xử lý các tình huống trong tranh chấp phát sinh trong lĩnh vực tài chính-ngân hàng.
- Khả năng vận dụng kiến thức pháp luật về tài chính – ngân hàng để tiến hành hoặc tư vấn cho các tổ chức, cá nhân họat động trong các lĩnh vực tài chính, ngân hàng, chứng khóan, thuế, bảo hiểm.
- Khả năng thực hiện các thủ tục pháp lý về thuế, tín dụng, bảo hiểm, ngân hàng một cách nhuần nhuyễn và thông thạo.
- Kỹ năng xử lý, sọan thảo văn bản trong quản lý, điều hành và kinh doanh. Đồng thời soạn thảo, tổng hợp, hiệu đính, góp ý các văn bản pháp quy.

2.4 Khả năng tư duy
- Khả năng thu thập thông tin, phân tích, đánh giá và đưa ra quyết định độc lập trong  công việc.
- Khả năng sử dụng chiến lược, công cụ phù hợp để trình bày, phân tích và đánh giá, tổng hợp thông tin.
- Khả năng tư duy độc lập và phản biện, phản biện nâng cao trước những vấn đề pháp lý và kinh tế-xã.
- Hoạch định và tổ chức công việc một cách chủ động, khoa học và hiệu quả.

2.5 Khả năng giao tiếp
- Giao tiếp hiệu quả bằng tiếng Việt và tiếng Anh trong lĩnh vực chuyên môn thông qua việc được học một số môn chuyên ngành bằng tiếng Anh (550 TOEIC).
- Khả năng viết hiệu quả bằng tiếng Việt và tiếng Anh (550 TOEIC).
- Khả năng nghe, nắm bắt và hiểu vấn đề với tư duy phản biện.
- Khả năng trình bày một cách thuyết phục những ý kiến, đề xuất, ý tưởng trước công chúng.

2.6 Trách nhiệm cá nhân và với cộng đồng
- Lựa chọn các vấn đề mang tính đạo đức để học tập và nghiên cứu
- Tham gia vào các hoạt động xã hội trên phạm vi khu vực và toàn cầu
- Nhận biết và tham gia giải quyết các vấn đề đạo đức xã hội
- Có đạo đức nghề nghiệp

2.7 Khả năng học tập suốt đời
- Ý thức tự giác cao và tham gia vào các hoạt động rèn luyện sức khỏe, trí tuệ, đạo đức nghề nghiệp và tinh thần.
- Khả năng học hỏi và áp dụng các kiến thức mới một cách hiệu quả.
- Có khả năng độc lập và tự giác xây dựng mô thức hình thành mục tiêu cá nhân đối với việc phát triển nghề nghiệp trong tương lai và lộ trình, kế họach thực hiện mục tiêu đó..
- Khả năng nắm bắt và sử dụng công nghệ tiên tiến.

2.8 Khả năng hợp tác
- Có khả năng làm việc nhóm, tập hợp hình thành nhóm và lãnh đạo nhóm làm việc để đạt được mục tiêu chung.

2.9 Khả năng hội nhập
- Có khả năng chủ động hội nhập để thích nghi với cuộc sống và môi trường làm việc tòan cầu, áp lực cao và chuyên nghiệp.
- Tranh luận, chia sẻ các quan điểm khác nhau về kinh tế, chính trị, văn hóa và tôn giáo trên thế giới.

3. Cơ hội nghề nghiệp

3.1 Vị trí và khả năng làm việc sau khi tốt nghiệp
  Sau khi tốt nghiệp Chương trình đào tạo cử nhân tài năng chuyên ngành Luật tài chính – ngân hàng, sinh viên có khả năng làm việc độc lập, hiệu quả ở các cơ quan, tổ chức sau: Bộ tài chính; Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và các chi nhánh trên phạm vi cả nước; Ủy ban Chứng khóan Nhà nước và các Sở giao dịch chứng khóan; hệ thống các cơ quan thuế từ trung ương đến địa phương; các ngân hàng và tổ chức tín dụng trong và ngòai nước; các công ty chứng khóan, công ty quản lý quỹ và các quỹ đầu tư trong và ngòai nước; các công ty bảo hiểm, công ty kiểm tóan và tư vấn thuế; các sở, ban ngành cấp tỉnh (sở tư pháp, sở tài chính, sở kế họach và đầu tư…); Tòa án nhân dân, Viện kiểm sát nhân dân; các tổ chức kinh tế và xã hội; các trường đại học; các viện và trung tâm nghiên cứu luật học, các công ty luật, văn phòng luật sư trong và ngòai nước và các công ty đa quốc gia.

3.2 Khả năng học tập và nâng cao trình độ sau khi tốt nghiệp
   Cử nhân luật tốt nghiệp Chương trình cử nhân tài năng chuyên ngành Luật tài chính-ngân hàng có thể tiếp tục học sau đại học (bậc Thạc sĩ, Tiến sĩ) thuộc khối ngành Luật, Luật kinh tế và các ngành Luật khác.

4. Thời gian đào tạo: 4 năm

5. Khối lượng kiến thức toàn khoá: 130 tín chỉ. 

6. Quy trình tuyển chọn và quản lý sinh viên

6.1 Nguồn tuyển chọn

* Đối tượng tuyển chọn
   Sinh viên các lớp học của Chương trình cử nhân tài năng chuyên ngành Luật tài chính-ngân hàng sẽ được tuyển chọn từ những sinh viên  sau khi đã học xong năm thứ nhất các chuyên ngành Luật dân sự, Luật tài chính-ngân hàng, Luật kinh doanh và Luật thương mại quốc tế có điểm trung bình môn học tích lũy cuối năm thứ nhất từ 7,5 điểm trở lên (không tính điểm rèn luyện) và có trình độ tiếng Anh tương đương TOEIC 450 trở lên hoặc điểm trung bình tích lũy môn tiếng Anh đến thời điểm xét tuyển đạt tối thiểu 8.0.
* Điều kiện tuyển thẳng
- Sinh viên học xong năm thứ nhất các chuyên ngành Luật dân sự, Luật tài chính-ngân hàng, Luật kinh doanh và Luật thương mại quốc tế đạt giải trong các kỳ thi học sinh giỏi quốc gia, Olympic quốc tế có điểm trung bình môn học tích lũy cuối năm học thứ nhất từ 7,5 điểm trở lên (không tính điểm rèn luyện) và trình độ tiếng Anh tương đương TOEIC 450 trở lên hoặc điểm trung bình tích lũy môn tiếng Anh đến thời điểm xét tuyển đạt tối thiểu 8.0.
- Sinh viên học xong năm thứ nhất các chuyên ngành Luật dân sự, Luật tài chính-ngân hàng, Luật kinh doanh và Luật thương mại quốc tế là thủ khoa, á khoa trong kỳ thi tuyển sinh đại học vào các chuyên ngành nêu trên tại Trường Đại học Kinh tế-Luật có điểm trung bình môn học tích lũy cuối năm học thứ nhất từ 7,5 điểm trở lên (không tính điểm rèn luyện) và có trình độ tiếng Anh tương đương TOEIC 450 trở lên hoặc điểm trung bình tích lũy môn tiếng Anh đến thời điểm xét tuyển đạt tối thiểu 8.0.

6.2 Tổ chức tuyển chọn
* Tuyển mới
   Sinh viên thỏa mãn điều kiện dự tuyển sẽ nộp đơn dự tuyển vào lớp cử nhân tài năng. Ban điều hành sẽ tiến hành tuyển chọn theo những nguyên tắc sau:
Sau khi ưu tiên tuyển thẳng các đối tượng quy định tại Tiểu mục 2.4.1.2 nêu trên, số sinh viên còn lại sẽ được chọn theo nguyên tắc lấy điểm trung bình chung tích lũy của năm thứ nhất từ cao xuống thấp.
   Trong trường hợp có nhiều sinh viên có cùng một mức điểm trung bình chung tích lũy của năm thứ nhất sinh viên thì sinh viên nào có điểm kiểm tra tiếng Anh cao hơn sẽ được chọn (điểm kiểm tra đầu vào hay điểm học tập các cấp độ Ngoại ngữ). Trường hợp có nhiều sinh viên đều có điểm điểm trung bình chung tích lũy cuối năm thứ nhất và điểm kiểm tra ngọai ngữ bằng nhau thì sinh viên nào của điểm trúng tuyển trong kỳ thi tuyển sinh đại học vào các ngành chuyên ngành Luật dân sự, Luật tài chính-ngân hàng, Luật kinh doanh và Luật thương mại quốc tế có điểm cao hơn sẽ được chọn. Trường hợp có nhiều sinh viên đều có điểm điểm trung bình chung tích lũy cuối năm thứ nhất, điểm kiểm tra Anh văn và điểm trúng tuyển kỳ thi tuyển sinh đại học vào các chuyên ngành nêu trên tại Trường Đại học Kinh tế-Luật như nhau thì xét đến các thành tích nổi bật trong công tác phong trào, nghiên cứu khoa học...
   Hàng năm, vào đầu năm học, Khoa Luật sẽ thông báo đến tất cả các sinh viên đã học xong năm thứ nhất các chuyên ngành Luật dân sự, Luật tài chính-ngân hàng, Luật kinh doanh và Luật thương mại quốc tế về điều kiện tuyển thẳng và tham gia tuyển chọn vào Lớp cử nhân tài năng chuyên ngành Luật tài chính-ngân hàng. Sinh viên đủ điều kiện tham gia sẽ gửi Đơn kèm theo Bảng điểm trung bình chung tích lũy cuối năm học thứ nhất và các văn bằng, chứng chỉ chứng minh trình độ ngọai ngữ tương đương TOEIC 450 trở lên. Trường sẽ tổ chức thi kiểm tra trình độ tiếng Anh.
* Tuyển  bổ sung
   Sinh viên tham gia Chương trình cử nhân tài năng chuyên ngành Luật tài chính-ngân hàng sẽ được tổ chức đánh giá học lực hàng năm vào cuối mỗi năm học. Nếu điểm sinh viên nào có trung bình chung tích lũy dưới 7,5 thì sẽ phải quay về với lớp đại trà. Trên cơ sở số sinh viên ra khỏi lớp tài năng sẽ xét tuyển bổ sung sinh viên lớp đại trà có điểm trung bình chung tích lũy tính đến thời điểm xét tuyển bổ sung là 8,0 đồng thời phải đáp ứng và tuân thủ điều kiện về tiếng Anh.
   Việc xét tuyển bổ sung chỉ tiến hành đến cuối học kỳ 5 nhằm đảm bảo tính ổn định và chất lượng của Chương trình và chỉ trong trường hợp có sinh viên bị xem xét đưa ra khỏi Chương trình cử nhân tài năng chuyên ngành Luật tài chính-ngân hàng.

7. Cơ sở vật chất phục vụ đào tạo
- Phòng học được bố trí không quá 40 sinh viên/lớp cùng với trang bị đầy đủ các tiện nghi và phương tiện giảng dạy hiện đại: máy lạnh, máy chiếu, micro không dây, đường truyền Internet tốc độ cao… Phòng học thoáng mát và bố trí lớp học thuận lợi tạo điều kiện tương tác cao giữa giảng viên và sinh viên.
- Sinh viên chương trình cử nhân tài năng chuyên ngành Luật tài chính-ngân hàng được ưu tiên sử dụng phòng máy tính, thư viện và các phòng thực hành mô phỏng…
- Sinh viên chương trình cử nhân tài năng chuyên ngành Luật tài chính-ngân hàng được bố trí chỗ ở trong ký túc xá của ĐHQG-HCM.
- Sinh viên chương trình cử nhân tài năng được trang bị phòng tự học, được hỗ trợ kinh phí mua sách tham khảo, giáo trình hàng năm từ ngân sách của chương trình.
- Ưu điểm nổi bật của Chương trình cử nhân tài năng chuyên ngành Luật tài chính-ngân hàng so với Chương trình đại trà cùng chuyên ngành là lớp học nhỏ, tạo ra cơ hội tương tác trao đổi ý tưởng giữa các thành viên thông qua thảo luận, tranh luận, thuyết trình, làm việc nhóm. Bên cạnh đó, sinh viên được hướng dẫn bởi các giảng viên giàu kinh nghiệm, giỏi cả về trình độ chuyên môn lẫn nghiệp vụ sư phạm.

8. Hỗ trợ sinh viên nghiên cứu khoa học

- Trường và Khoa sẽ trang bị cho sinh viên chương trình cử nhân tài năng chuyên ngành Luật tài chính-ngân hàng về phương pháp nghiên cứu khoa học, phương pháp trình bày và lập luận thông qua môn học Kỹ năng nghiên cứu luật và lập luận.
- Trường và Khoa sẽ phân công giảng viên hướng dẫn  nghiên cứu khoa học cho sinh viên phù hợp với lĩnh vực nghiên cứu của giảng viên. Trong các đề tài nghiên cứu khoa học của giảng viên khuyến khích sinh viên Lớp cử nhân tài năng chuyên ngành Luật tài chính-ngân hàng tham gia.
- Theo yêu cầu chung của chương trình cử nhân tài năng ngành Luật tài chính-ngân hàng, hàng năm sinh viên phải thực hiện hoạt động nghiên cứu khoa học với quy mô nhỏ dưới sự hướng dẫn của giảng viên. Hoạt động này được tài trợ trong khuôn khổ kinh phí đề án. Hoạt động nghiên cứu khoa học có thể được thực hiện dưới dạng bài báo khoa học của sinh viên, một đề tài nghiên cứu sinh viên tự đề xuất (hoàn thành và trình bày trước lớp trong khuôn khổ báo cáo nghiên cứu khoa học...) hoặc tham gia đề tài nghiên cứu khoa học của giảng viên.
- Hằng năm Khoa sẽ tổ chức các buổi nói chuyện chuyên đề phục vụ cho việc học chuyên ngành của sinh viên chương trình cử nhân tài năng.
- Toàn bộ kinh phí cho nghiện cứu khoa học của sinh viên chiếm khoảng 10% kinh phí được giao. 

9. Chi tiết chương trình đào tạo
- Khóa 14: xem tại đây
- Khóa 15: xem tại đây