Chiến lược làm thêm giúp nam sinh tự lập thời đại học

Bước vào năm cuối, Minh Trung có khoản tiết kiệm khoảng 30 triệu đồng nhờ chiến lược làm thêm và tiết kiệm tiền theo nguyên tắc 'cất trước, tiêu sau'.

Phan Nhật Minh Trung hiện là sinh viên khoa Tài chính - Ngân hàng, Trường Đại học Kinh tế - Luật, Đại học Quốc gia TP HCM. Trung từ Đà Lạt lên TP HCM học đại học, ở cùng nhà trọ với mẹ và không có chu cấp hàng tháng. Ba mẹ ly hôn, lại không muốn xin tiền người lớn, Trung đi làm thêm, vừa để trau dồi kinh nghiệm, vừa kiếm thu nhập và học cách tự lập. Suốt ba năm qua, nam sinh có nguồn thu nhập ổn định nhờ 5 công việc làm thêm.

Trung bắt đầu năm nhất với nghề gia sư vì so với những việc khác, dạy kèm có thu nhập ổn, đều đặn và tốn ít thời gian hơn. Từng học chuyên Toán và có khả năng sư phạm, nam sinh nhận dạy Toán cho một em lớp 6 và ba môn Toán - Lý - Hóa cho học sinh lớp 9 với thù lao lần lượt 40.000 đồng và 75.000 đồng một giờ.

                          

Ở tháng cao điểm, Trung có thu nhập trung bình 4 triệu đồng cho 72 giờ dạy một tháng. Cậu nhẩm tính, so với một công việc bán thời gian 8 tiếng mỗi ca, 4 ca mỗi tuần (tương đương 128 tiếng mỗi tháng), nếu lấy trung bình 20.000 đồng một tiếng thì lương nhận được chỉ 2,5 triệu. Vì vậy, dạy kèm mang tới mức thu nhập tốt hơn. Gia sư cho học sinh khối trung học phổ thông sẽ có thù lao cao hơn, tuy nhiên để làm được, sinh viên cần thời gian ôn lại kiến thức.

"Nếu có khả năng, bạn đừng bỏ qua công việc gia sư, nhưng phải thực sự có tâm vì bạn đang mang trên vai sứ mệnh của nghề giáo. Nhờ trải nghiệm dạy học này, em rèn được sự kiên nhẫn và bình tĩnh", Trung nói.

Nếu gia sư là công việc cố định xuyên suốt trong năm, chạy bàn lại là việc bán thời gian đầu tiên của Trung ở đại học. Nghỉ Tết, cậu xin phụ việc tại một quán hủ tiếu nam vang lớn ở Đà Lạt và làm trong 5 ngày cao điểm (mùng hai đến mùng sáu).

Hàng ngày, Trung làm việc từ 6h đến 14h, thời gian còn lại dành cho gia đình, đi thăm ông bà, họ hàng. Tại đây, cậu được lăn lộn bếp núc, cải thiện kỹ năng giao tiếp khi trò chuyện với người lạ. Gặp khách Tây, Trung còn có cơ hội trau dồi tiếng Anh.

Suốt hai mùa Tết, Trung đều xin làm tại quán, với mức lương gấp ba ngày thường (60.000 đồng mỗigiờ). Chỉ trong năm ngày, cậu kiếm được hơn 3 triệu đồng cả thưởng. Sau mùa Tết năm ngoái, khi vào lại Sài Gòn, Trung đã mua được một chiếc laptop để tiện cho việc học.

Khi dịch bệnh bắt đầu bùng phát, các ngành nghề đóng băng, công việc làm thêm bị ảnh hưởng khiến Trung gặp áp lực về tài chính. Cậu tìm thử các công việc làm tại nhà và có duyên với viết nội dung cho các Fanpage, kênh Instagram với mức lương khoảng 1,5 triệu đồng mỗi tháng. Có Fanpage Trung làm theo dự án và nhờ vậy, cậu trụ được qua giai đoạn dịch khó khăn.

Nam sinh cũng thử sức với công việc về marketing tuyển dụng (Recruitment Marketing) cho một công ty. Ngoài cơ hội được học thêm nhiều kiến thức, việc tiếp xúc thực tế với môi trường doanh nghiệp còn rèn cho Trung kỹ năng mềm, xử lý tình huống, chịu áp lực, thích ứng nhanh với sự thay đổi... Cậu cũng mở rộng mối quan hệ cho bước đầu sự nghiệp.

Công việc tiếp theo của Trung là thiết kế. Cậu bắt đầu tập tành thiết kế khi hoạt động Đoàn - Hội. Nằm trong đội truyền thông nên Trung có 1-2 năm mày mò với Photoshop, Illustrator, hay biên tập video.

Cậu nhận thiết kế cho các Fanpage có yêu cầu không quá cao, phù hợp với năng lực của mình với thu nhập 50.000-150.000 đồng tùy ấn phẩm. "Việc này thú vị ở chỗ là vừa làm, vừa tìm tòi, vừa học được rất nhiều. Nhưng cũng mất nhiều thời gian, chưa kể phải sửa theo yêu cầu của khách hàng", Trung cho biết.

Khi đã tích lũy được chút vốn, hồi tháng 5, Trung bán hàng online đặc sản của Đà Lạt. Công việc đang tiến triển thuận lợi thì tái bùng dịch buộc cậu phải dừng lại.

Bên cạnh công việc làm thêm từng trải qua, Trung còn tích lũy thu nhập bằng cách "săn" học bổng ở trường, trở thành đại sứ thương hiệu. Để không rơi vào tình cảnh khó khăn tài chính, Trung luôn theo nguyên tắc tiết kiệm trước tiêu sau.

Khi nhận được lương, cậu dành 10-20% để cất đi, còn lại mới dùng cho chi tiêu. Tiền tiết kiệm cậu để mua vàng hoặc gửi ngân hàng, thay vì cất trong tài khoản dễ tiêu xài. Nhờ cách này, hết năm thứ ba, Trung có số vốn khoảng 30 triệu đồng, sau khi đã dành một khoản đầu tư vào các khóa học nâng cao bản thân.

"Hiện em giảm các công việc làm thêm, tập trung học để ra trường. Em có khoản tiết kiệm và mức lương cao hơn do đã có kinh nghiệm trong lĩnh vực viết content nên không còn áp lực về tài chính nữa", Trung nói.

Theo Trần Thị Thúy Hằng, bí thư lớp Ngân hàng K18, Trung là bí thư Đoàn Khoa và sinh viên năng động. Cậu cũng là một blogger được người trẻ biết tới với những chia sẻ về kinh nghiệm học tập, hoạt động ngoại khóa và làm thêm.

"Hoạt động công tác Đoàn, xã hội tích cực nhưng kết quả học tập của Trung luôn trên 7,5. Bạn ấy còn làm gia sư suốt những năm qua và tham gia đội văn nghệ ở trường", Hằng chia sẻ về nam sinh quê Đà Lạt.

  Link bài viết, xem TẠI ĐÂY

  Nguồn: Báo điện tử VnExpress