(PLO) - Công bố sao kê tiền từ thiện là để minh bạch chứ không nhằm “check VAR” lòng thiện của ai, nó cũng không làm suy suyển đi lòng tốt của bất cứ người nào.
Lần đầu tiên MTTQ Việt Nam công khai các khoản tiền tiếp nhận từ những nguồn đóng góp tự nguyện hỗ trợ khắc phục khó khăn do thiên tai gây ra thông qua hình thức sao kê. Điều này đã tạo nhiều hiệu ứng tích cực trong xã hội nhưng cũng lắm xôn xao, bàn tán khác.
Thôn Kho Vang xã Cốc Lầu, huyện Bắc Hà, tỉnh Lào Cai bị chia cắt vì lũ, rất may 115 người dân an toàn, trong đó có nhiều trẻ em. Ảnh: THANH TÚ - VÕ TÙNG
Tối 12-9, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam bước đầu đã công khai sao kê số tiền các tài khoản ủng hộ từ thiện tại Vietcombank từ ngày 1 đến 10-9 lên các phương tiện thông tin đại chúng.
Sau khi công bố 12.028 trang sao kê đã tiếp nhận từ tài khoản Vietcombank, chiều 13-9, MTTQ Việt Nam tiếp tục đăng tải 2.009 trang sao kê tiền ủng hộ thông qua tài khoản VietinBank từ ngày 10 đến 12-9.
Việc minh bạch hóa các khoản tiếp nhận của Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam bằng hình thức sao kê là chưa có tiền lệ. Đối với việc tiếp nhận từ thiện, phương thức này tuy không mới nhưng lại đáp ứng được nguyện vọng của nhiều người. Quan trọng hơn, sao kê đã đánh tan những hoài nghi, ngờ vực về việc “bớt xén”, “xà xẻo” các khoản thu trong hoạt động quyên góp, ủng hộ mà bấy lâu nay vẫn âm ỉ ngoài xã hội. Việc sao kê cũng góp phần định vị mức độ uy tín của các tổ chức, cá nhân vận động, tiếp nhận các nguồn đóng góp tự nguyện, đồng thời giải tỏa được “nỗi lòng” của những chủ thể này để họ yên tâm thực hiện nhiệm vụ cao cả.
Dưới góc độ pháp lý, Điều 14 Nghị định 93/2021 quy định các tổ chức vận động, tiếp nhận, phân phối và sử dụng nguồn đóng góp tự nguyện có trách nhiệm công khai đầy đủ, kịp thời, chính xác các hoạt động có liên quan đến việc vận động, tiếp nhận, phân phối và sử dụng nguồn đóng góp tự nguyện. Theo đó, các hình thức công khai bao gồm: a) Công khai trên trang thông tin điện tử chính thức của tổ chức, cơ quan, đơn vị; b) niêm yết tại trụ sở làm việc của tổ chức, cơ quan, đơn vị và địa điểm sinh hoạt cộng đồng (thôn, ấp, bản, buôn, sóc, tổ dân phố); c) thông báo bằng văn bản đến các cơ quan có liên quan tham gia vào quá trình vận động, tiếp nhận, phân phối và sử dụng nguồn đóng góp tự nguyện để khắc phục khó khăn do thiên tai; thông báo trên các phương tiện thông tin đại chúng.
Tổ chức tiếp nhận các nguồn đóng góp tự nguyện phải thực hiện ít nhất một trong ba hình thức công khai nêu trên, trong đó phải thực hiện hình thức bắt buộc là công khai trên trang thông tin điện tử chính thức của tổ chức, cơ quan, đơn vị (trừ trường hợp chưa có trang thông tin điện tử).
Như vậy, việc Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam công khai các khoản tiếp nhận đóng góp không chỉ phù hợp với quy định của pháp luật mà còn đáp ứng sự mong đợi của nhiều người.
Có thể thấy, công bố sao kê là để minh bạch chứ không nhằm “check VAR” lòng thiện của bất cứ người nào. “Miếng khi đói, gói khi no/ Của tuy tơ tóc, nghĩa so nghìn trùng”. |
Bên cạnh sự đồng tình của nhiều người thì cũng có vài ý kiến băn khoăn, rằng việc công khai như thế có thể khiến số ít người chạnh lòng vì con số đóng góp khiêm tốn của mình. Tất nhiên làm việc thiện là theo khả năng, đóng góp ít nhiều thì cũng là tấm lòng thảo thơm, ai đâu rỗi hơi đi so bì, tị nạnh đâu mà chúng ta phải sợ, nhỉ!
Nhưng rõ ràng công khai sao kê cũng làm lộ ra vài điều không vui. Có thể một số trường hợp đã “phóng đại” số tiền ủng hộ thực của mình trên mạng xã hội. Có người chỉ đóng góp vài chục ngàn đồng nhưng lại khoe khoang đóng góp đến vài triệu đồng. Có người thực tế đóng góp vài trăm ngàn đồng nhưng lại “giật tít” thành cả chục triệu đồng. Sự khoe mẽ ấy đã bị nhiều người chỉ ra và họ cũng đã xin lỗi. Có người ngay sau đó đã “khắc phục hậu quả” bằng cách ủng hộ đúng số tiền mà mình đã lỡ nói vống trước đây. Cũng có trường hợp “gắp lửa bỏ tay người” khi mạo danh ai đó rồi gửi số tiền rất khiêm tốn nhằm làm giảm uy tín của người được nêu tên. Ngoài ra, không loại trừ có người đứng ra gom tiền của người khác nhưng thực gửi thì rất ít. Sao kê cũng sẽ làm lộ bản chất trục lợi của người “gom bi”. Những trường hợp này, nếu có, các cơ quan nhà nước có thẩm quyền sẽ điều tra, xử lý nghiêm minh theo quy định của pháp luật...
Nhưng trên hết, có thể thấy công bố sao kê là để minh bạch chứ không nhằm “check VAR” lòng thiện của bất cứ người nào. “Miếng khi đói, gói khi no/ Của tuy tơ tóc, nghĩa so nghìn trùng”. Do đó, không ai đi đếm đo lòng tốt, dẫu rằng khả năng làm việc tốt, đóng góp thiện nguyện của mỗi người là khác nhau. Dù ít hay nhiều thì người đóng góp cũng được hưởng niềm vui và sự thanh thản bằng nhau vì mình đã làm được một việc tốt - nhất là việc làm ý nghĩa ấy phù hợp với truyền thống tốt đẹp của dân tộc.
Đất nước đã trải qua nhiều lần thiên tai, mất mát, chúng ta đã thấy có những cụ bà buôn gánh bán bưng, vét những đồng tiền còm cõi, thấm đẫm mồ hôi để chung tay giúp đỡ đồng bào vượt qua khó khăn. Chúng ta cũng thấy những người bán vé số, tất tả ngược xuôi với số tiền ít ỏi góp sức kiến tạo quê hương sau bão lũ. Tất cả, tất cả đã tạo nên một dòng chảy nhân văn, đầy bản sắc, thương người như thể thương thân.
Từ thiện vốn dĩ xuất phát từ thiện tâm của mỗi người và không thể mang ra cân - đong - đo - đếm một cách rạch ròi. Rõ ràng, những cần lao, trí thức sẽ không thể có tiền trăm triệu hay tiền tỉ để đóng góp cho từ thiện nhưng họ có lòng trắc ẩn, nghĩa đồng bào và số tiền mà họ mang ra đóng góp, cho dù ít ỏi, vẫn là tất cả những gì họ có. Điều này đáng trân quý và thể hiện đúng lời dạy của cụ Nguyễn Trãi: “Đồng tiền bát gạo mang ra/ Rằng đây “cần kiệm” gọi là làm duyên”.
Công khai sao kê cho dù có kéo theo vài hệ quả không mong muốn về chuyện này, chuyện kia nhưng sau tất cả, nó vẫn không làm suy suyển lòng tốt của mọi người. Tính công khai, minh bạch trong tiếp nhận, phân phối và sử dụng các nguồn đóng góp là nguyên tắc sống còn trong hoạt động thiện nguyện mà công khai sao kê chỉ là một phương thức. Trong tương lai, có lẽ chúng ta cũng nên suy nghĩ đến một cách thức thực hiện công khai, minh bạch theo quy trình gọn nhẹ, tránh rườm rà, tốn kém về nhân lực, vật lực... Tất nhiên, cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền nếu cần kiểm tra, người dân nếu cần giám sát thì vẫn có quyền yêu cầu cung cấp sao kê.
TS CAO VŨ MINH, Trường ĐH Kinh tế - Luật, ĐH Quốc gia TP.HCM
Nguồn tin: Báo Pháp luật