Theo TS Hồ Ngọc Đăng, việc quy định rõ ràng 7 trường hợp miễn nhiệm cán bộ lãnh đạo, quản lý là một trong những nội dung quan trọng trong công tác xây dựng Đảng; có ý nghĩa tăng tính kỷ luật, kỷ cương.
LTS: Bộ Nội vụ vừa trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 138/2020/NĐ-CP về tuyển dụng, sử dụng và quản lý công chức. Trong đó, Bộ Nội vụ đã rà soát, chỉnh lý và thể chế hóa một số quy định của Bộ Chính trị mới ban hành; đáng chú ý là quy định về 7 trường hợp miễn nhiệm đối với công chức lãnh đạo, quản lý. Từ số báo hôm nay, Báo SGGP xin giới thiệu nội dung chính của Dự thảo nghị định và những vấn đề liên quan đến việc kiện toàn bộ máy cán bộ, công chức. |
Công chức Sở LĐTB-XH TPHCM xử lý hồ sơ cho người dân, doanh nghiệp. Ảnh: NGÔ BÌNH
Nâng cao hiệu quả quản lý cán bộ, công chức
Theo TS Hồ Ngọc Đăng, Khoa Xây dựng Đảng, Học viện Cán bộ TPHCM, Dự thảo Nghị định quy định 7 trường hợp miễn nhiệm công chức lãnh đạo, quản lý mà Bộ Nội vụ đề xuất là sự cụ thể hóa và triển khai các quy định của Đảng về công tác cán bộ, đặc biệt là những quy định về tiêu chuẩn, đạo đức, trách nhiệm của người cán bộ, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý. Có thể kể đến: Quy định số 41-QĐ/TW của Bộ Chính trị về việc miễn nhiệm, từ chức đối với cán bộ; Quy định số 142-QĐ/TW ngày 23-4-2024 của Bộ Chính trị quy định thí điểm giao quyền, trách nhiệm cho người đứng đầu trong công tác cán bộ; Quy định số 80-QĐ/TW ngày 18-8-2022 về phân cấp quản lý cán bộ và bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ ứng cử.
Theo TS Hồ Ngọc Đăng, việc quy định rõ ràng 7 trường hợp miễn nhiệm cán bộ lãnh đạo, quản lý là một trong những nội dung quan trọng trong công tác xây dựng Đảng; có ý nghĩa tăng tính kỷ luật, kỷ cương. Thực hiện nghiêm túc các quy định này sẽ góp phần xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức trong sạch, vững mạnh, có phẩm chất đạo đức tốt, năng lực chuyên môn cao, tận tụy phục vụ người dân. Cán bộ, công chức lãnh đạo, quản lý nhận thức rõ hơn về những hành vi bị nghiêm cấm và hậu quả pháp lý phải chịu trách nhiệm. Qua đó, nâng cao hiệu quả công tác cán bộ, giúp cho công tác cán bộ được thực hiện một cách khách quan, minh bạch hơn.
Đảm bảo nguyên tắc khách quan, công bằng
Theo các chuyên gia, nếu Dự thảo Nghị định được thông qua thì việc áp dụng phải đảm bảo các nguyên tắc, đó là khách quan, công bằng, quyết định miễn nhiệm phải dựa trên cơ sở các bằng chứng cụ thể, rõ ràng, không được tùy tiện, chủ quan. TS Hồ Ngọc Đăng phân tích, cần đảm bảo quyền lợi hợp pháp của người bị miễn nhiệm, người bị miễn nhiệm phải được thông báo đầy đủ về lý do, được làm rõ các vấn đề liên quan và được bảo vệ các quyền lợi hợp pháp. Đồng thời, quy trình miễn nhiệm phải được thực hiện công khai, minh bạch, tạo điều kiện cho cán bộ, công chức và người dân được biết.
Có cùng quan điểm, ThS Lưu Đức Quang, Trường Đại học Kinh tế - Luật (Đại học Quốc gia TPHCM) góp ý cụ thể: Xét về đối tượng, dự thảo cần phân hóa các trường hợp miễn nhiệm công chức lãnh đạo, quản lý thành 2 trường hợp là công chức lãnh đạo, quản lý là đảng viên và công chức lãnh đạo, quản lý không phải là đảng viên. Điều này phù hợp với thực tiễn công tác nhân sự, bởi có không ít trường hợp công chức lãnh đạo, quản lý không phải là đảng viên; đồng thời, đảm bảo sự công bằng bởi công chức lãnh đạo, quản lý là đảng viên cần được xử lý nghiêm khắc hơn.
Bên cạnh đó, dự thảo cần làm rõ yếu tố “Bị kỷ luật khiển trách, cảnh cáo 2 lần trở lên trong cùng thời hạn bổ nhiệm” để đảm bảo tính thống nhất về mức độ xử lý trách nhiệm công chức lãnh đạo, quản lý theo hướng: Nếu bị kỷ luật khiển trách 2 lần sẽ chuyển thành kỷ luật cảnh cáo, nếu kỷ luật cảnh cáo 2 lần sẽ chuyển thành kỷ luật miễn nhiệm.
ThS Lưu Đức Quang cho rằng, dự thảo cũng cần lượng hóa quy định “Bị kỷ luật cảnh cáo hoặc khiển trách nhưng uy tín giảm sút không thể tiếp tục đảm nhiệm chức vụ” để hạn chế tối đa sự tùy tiện trong đánh giá công chức lãnh đạo, quản lý theo hướng xác định rõ cấp có thẩm quyền nào được đưa ra kết luận hoặc loại vi phạm nào ảnh hưởng nghiêm trọng đến khả năng đảm nhiệm chức vụ đối với công chức lãnh đạo, quản lý.
Theo Bộ Nội vụ, trong 6 tháng đầu năm 2024 có 1.338 cán bộ, công chức, viên chức bị kỷ luật (139 cán bộ, 432 công chức, 767 viên chức) |
Nguồn tin: Báo Sài Gòn Giải Phóng.