Fintech & Protech: Kỳ vọng về cuộc đột phá mới

Cách mạng số 4.0 phát lộ đúng lúc đại dịch Covid-19 xuất hiện đã cho thấy hầu như tất cả sự ảnh hưởng và ích lợi của nó. Rõ ràng, Internet kết nối vạn vật và con người (internet of things and humans) đã dễ dàng giúp các cá thể xích lại gần nhau, quy tụ trong chiếc smart-phone nhỏ gọn đặt trong lòng bàn tay dù đang ở tứ phương trên quả địa cầu.

Đáng chú ý hơn là, các hoạt động kinh doanh gần như không bỏ lỡ thời cơ để thâm dụng công nghệ, cải tiến và thay đổi hoạt động nhằm đạt được hiệu quả cao nhất có thể.

Trong điều kiện của một nền kinh tế mới nổi, lượng người dùng Internet chiếm tỷ lệ cao, Việt nam không khó để trở thành địa chỉ để các “tay chơi” công nghệ vào cuộc, kéo theo đó là sự tham gia mạnh mẽ của các quỹ đầu tư vào các địa hạt kinh doanh sản phẩm công nghệ như công nghệ tài chính (finance technology - fintech) và công nghệ bất động sản (property technology – proptech). Theo UOB, tổng vốn đầu tư vào công nghệ tài chính của Việt Nam tính đến đầu năm nay đạt hơn 400 triệu USD và chiếm ngôi vị đầu tiên trong số các nước ASEAN (Singapore đạt 380 triệu USD). Rõ ràng, điều này vẽ ra một viễn cảnh khá lạc quan cho hoạt động fintech cũng như các hoạt động kinh doanh sử dụng công nghệ khác trong tương lai.

Sự hô ứng của Fintech và Proptech

Có thể nói, Fintech là biểu hiện mạnh mẽ nhất của sự thay đổi xu hướng kinh doanh trong tiếp cận với môi trường số. Đâu đó, người ta có thể bắt gặp những cuộc chạy đua công nghệ giữa các ngân hàng số cũ lẫn các đơn vị mới. Hơn lúc nào hết, nhân lực công nghệ bậc cao có sức hút rất lớn đối với đội ngũ làm công tác nhân sự trong ngành tài chính.

Không dừng lại ở sự lựa chọn đầu tư hay hoạt động kinh doanh của các quỹ đầu tư, tổ chức tín dụng hay ngân hàng…, Fintech còn phát triển thành một ngành nghiên cứu hay một ngành học mới mà không ít trường đại học, kể cả ở Việt Nam đang xắn tay vào cuộc. Người ta kỳ vọng sẽ có một thế hệ người làm mới, chuyên sâu và chuyên tâm về Fintech để đưa ngành này “rẽ” sang một hướng mới, khác với các hoạt động “finance” truyền thống.

Thực ra, ngân hàng số ở Việt Nam không phải chỉ mới bắt đầu khi làn sóng thâm dụng công nghệ 4.0 nổ ra vài năm gần đây. Hơn chục năm trước, người dùng Việt Nam cũng đã được các ngân hàng cung ứng dịch vụ ngân hàng mạng (internet banking). Rõ ràng, khi khả năng ứng dụng công nghệ cần được khuếch đại thì internet banking đã dần trở thành lỗi thời để nhường ngôi cho ngân hàng số (digital banking) và thậm chí là ngân hàng di động (mobile banking) hay đa dạng các loại hình fintech khác.

Tuy nhiên, quan sát kỹ hoạt động fintech ở Việt Nam trong thời gian qua, có thể nhận thấy sự thắng thế của các đơn vị cung cấp dịch vụ thanh toán di động (mobile payment), hay còn gọi là ví điện tử hơn là các dịch vụ cho vay ngang hàng (2P2) hay cấp tín dụng khác. Đặc biệt, sau quãng thời gian tham gia thí điểm cung ứng dịch vị ví điện tử cùng với các tên tuổi khác như VietUnion (Payoo), MobiVi, Smartlink, VNPay và VinaPay, M-Service/ví điện tử Momo chính thức được cấp phép vào năm 2015 và trở thành một trong những tên gọi quen thuộc nhất đối với người tiêu dùng Việt. Đương nhiên, cuộc chiến vẫn còn rất khốc liệt và trong thời gian tới có thể số lượng đơn vị cung cấp ví điện tử sẽ không ngừng gia tăng. Nhưng có một sự thật là ở thời điểm hiện tại, trong số hơn 40 ví điện tử trên thị trường thì có tới khoảng 80% số lượng giao dịch gọi tên các “ông lớn” Momo, Payoo, SenPay, Moca và Airpay.

Hoạt động của các ngân hàng số có phần trầm lắng hơn. Với lợi thế về chi phí thấp, mức độ phủ kín thị trường rộng lớn và việc tối ưu hoá quản lý dữ liệu số khách hàng, các ngân hàng số có nhiều lợi thế trong mảng tín dụng tiêu dùng và dễ trở thành đối thủ nguy hiểm càn quét hệ thống các phòng giao dịch vật chất (visible) nhỏ lẻ của hàng loạt các ngân hàng “truyền thống”. Dù vậy, trước sự xâm lấn của tín dụng “số đen” hoạt động của các ngân hàng số mới ra đời vướng không ít trở ngại.

Xuất hiện từ năm 2016, Timo (đổi thành Timo plus từ năm 2020) vẫn là thương hiệu ít người biết đến dù dữ liệu mà đơn vị này cung cấp cho thấy ở thời điểm hiện tại trung bình có đến hơn 2 triệu giao dịch mỗi tháng và tổng giá trị giao dịch hàng năm đạt 2,5 tỉ USD. Điều đáng chú ý là, Timo/Timo plus hay các ngân hàng số có mô hình tương tự không tồn tại độc lập mà phải cần hiện diện song hành với đối tác là ngân hàng hay các tổ chức tín dụng khác. Điển hình, nếu như lúc bắt đầu Timo đồng hành với VPBank thì đối tác hiện tại của Timo plus chính là ngân hàng Bản việt.

Nhưng rõ ràng, với năng lực công nghệ hiện có hoặc thậm chí là khả năng tạo lập các điều kiện công nghệ thiết yếu, các ngân hàng có thể tự mình phát triển ngân hàng số một khi nhận thức được vai trò quyết định cuộc chơi của mình. OCB digital bank, VCB digital bank hay một số ngân hàng số khác do chính các ngân hàng thành lập đã xuất hiện và trở thành những đối thủ đáng gờm của các ngân hàng số “thực thụ”. Chỉ có điều, khác với các ngân hàng số thuần chất, doanh số và hiệu quả kinh doanh của digital banking cũng chính là kết quả kinh doanh chung của ngân hàng chủ.

So với Fintech, Proptech bắt nhịp chậm và hoạt động có phần trầm lắng hơn. Dù vậy, có thể thấy công nghệ đang được tận dụng và dần đóng vai trò thay thế tất yếu trước những lợi thế vốn có của nó nhằm kích hoạt mức tăng trưởng kinh doanh lẫn thị trường. Hẳn nhiên, so với mô hình bất động sản thông minh (smart real estate) hay thị trường bất động sản chia sẻ (sharing real estate) thì tài chính cho bất động sản (real estate fintech) có mối quan hệ sâu đậm với các hoạt động fintech, đặc biệt là bối cảnh tỷ trọng tín dụng bất động sản luôn đóng vai trò quan trọng trong kinh doanh và thị trường bất động sản Việt Nam.

Nhưng nếu chỉ đơn thuần tiếp cận đến công nghệ bất động sản thì chính công nghệ cũng đã đóng góp lớn cho các nền tảng cho thuê không gian, mua bán nhà đất trực tuyến, quản lý hành chính hay thậm chỉ là tổ chức các tòa nhà thông minh. Dù vậy, bức tranh thực tế chỉ mới có thể phác thảo vài đường nét có phần sống động đôi chút đối với hoạt động cho thuê nhà và căn hộ (mô hình cho thuê không gian). Có vẻ như nhận diện, nắm bắt xu hướng và sử dụng công nghệ để gia tăng hiệu quả hoạt động kinh doanh thì có, nhưng để có thể thật sự tận dụng và thâm dụng protech để tối đa hoá hiệu quả kinh doanh thì vẫn còn ở phía trước.

Homebase là một trong những số ít startup proptech nổi trội của Việt Nam, nhất là sau bước gọi vốn thành công từ hàng loạt các quỹ đầu tư danh tiếng vào năm ngoái, chỉ sau một năm startup này bắt đầu. Tuy nhiên, hoạt động của Homebase ít nhiều mang bóng dáng của một nhà đầu tư, hay ít ra cũng là một bên cấp tín dụng bất động sản ngoài phần công nghệ hỗ trợ tìm kiếm nhà, khách hàng và thiết lập giao dịch khác. Cụ thể, sau khi tìm được nhà để mua, người mua nhà chỉ cần thanh toán một tỷ lệ rất ít so với giá trị căn nhà mà không nhất thiết phải vay ngân hàng để trả đủ 20-30% như thường thấy.

Phần còn lại của giá trị căn nhà chưa được thanh toán, Homebase sẽ trả thay và người mua nhà sau này muốn sở hữu nhà thì phải thanh toán (mua lại) cho Homebase theo định kỳ và theo mức ấn định mà Homebase gọi là “cổ phần”. Giá trị công nghệ vượt trội mà Homebase tin tưởng nhất chính là khả năng phân tích dữ liệu và độ chính xác trong thẩm định năng lực của người mua nhà để đảm bảo độ an toàn cho khoản “tín dụng” mà mình đã đầu tư cùng.

Chưa thấy giá trị của mô hình để tận dụng 


Thực ra, đối với Fintech, Proptech hay bất kỳ một hoạt động kinh tế số nào khác, ưu điểm vượt trội được khai thác đầu tiên và triệt để là bộ dữ liệu người dùng (bigdata). Chính vì vậy, để thành công, một ứng dụng hay nền tảng nào cũng cần phải khai thác học máy (machine learning), chuỗi (blockchain) thậm chí là trí tuệ nhân tạo (artificial intelligence) để phân tích. Nhưng quả thật, nếu sa đà vào thâm dụng ích lợi của công nghệ mà quên đi giá trị vượt trội của mô hình kinh doanh, điều kiện mà nếu thiếu đi thì công nghệ khó có thể phát huy tối đa năng lực của mình, thì các thế hệ abc-tech hiện thời khó có thể đi đến đích cuối cùng.

Năm 2016, ngay sau khi tôi và nhóm cộng sự có công bố bài báo từ kết quả nghiên cứu về kinh doanh lưỡng diện (two-side business) trên Tạp chí Nghiên cứu lập pháp, tôi thật sự phấn khích khi phát hiện chủ đề và mô hình kinh này đã được dân công nghệ, giới kỹ sư và kinh doanh bất động sản đem về thảo luận trên một diễn dàn (forum) riêng của họ. Dù vậy, những gì tôi quan sát được cho đến nay cho thấy tất cả những lợi thế về mô hình kinh doanh mới thâm dụng công nghệ đều đã được các Protech lẫn Fintech áp dụng.

Sự thành công đó chỉ ra rằng, bất kỳ một ứng dụng hay “áp” (applications hay apps) abc-tech nào cũng cần phải vận hành theo mô hình kinh tế lưỡng diện, ngay cả khi chúng ta vẫn thường cho rằng họ sử dụng cơ chế của kinh tế chia sẻ. Với một nền tảng lưỡng diện, người chủ nền tảng phải là người hoàn toàn chủ động và có quyền điều phối hoạt động lẫn định hướng hành vi, quyết định của cả hai nhóm khách hàng/đối tác của mình.

Sở dĩ họ có thể làm được điều này vì họ có lượng người dùng/đối tác (user) lớn để từ đó có thể khai thác tác động mạng lưới (network effects hoặc cụ thể hơn là network externalities) và thông qua chiến lược giá không trung lập giữa hai nhóm đối tượng người dùng/đối tác (non-neutral pricing). Rõ ràng, sự thành công của Youtube, Google, Facebook, Airbnb hay muôn vàn abc-tech trên nhiều lĩnh vực khác nhau có thể minh hoạ điều đó. Thậm chí, nếu để ý chúng ta có thể thấy các công ty bán condotel hay time-share đều giới thiệu hệ thống chuyển đổi sản phẩm kèm theo. Đương nhiên, lợi thế về đặc tính phi biên giới của thị trường hoạt động thông qua Internet, hệ sinh thái này không phải chỉ được tạo lập từ các khách hàng nội địa mà mở rộng ra toàn cầu.

Trong khi đó, thực tiễn hoạt động và các nghiên cứu ở Việt Nam đều ghi nhận có hai mô hình hoạt động của các Fintech và Proptech hiện thời. Một, một số đơn vị tận dụng và khai thác công nghệ để phát triển sản phẩm trực tuyến. Mô hình này thực chất không khác gì một sàn giao dịch thương mại điện tử thông thường trong lúc chính các sàn thương mại điện tử truyền thống như Amazon, Tiki, Shopee hay Lazada… cũng dần đổi mới theo mô hình… nền tảng (platform).

Đương nhiên, với một nền tảng/áp thì mức độ khai thác công nghệ được tối đa hoá, nhưng thử hỏi các ngân hàng số được thành lập bởi các ngân hàng thương mại đang hoạt động đã khai thác những gì từ ít nhất ba đặc điểm ưu trội nói trên của một platform thực sự hay chưa. Ở một thái cực ngược lại, các ngân hàng số được thành lập độc lập như Timo hay Timo plus thì chỉ có thiên hướng là đơn vị trung gian cung cấp dịch vụ công nghệ nền tảng với khả năng can thiệp và hoạt động tín dụng, tài chính lẫn quyền đưa ra quyết định cấp vốn hay mức lãi suất là rất thấp.

Ở mảng Proptech thì ngay cả với Homebase vừa đề cập thì đơn vị này cũng đang hoạt động như một sàn giao dịch điện tử để qua đó bán sản phẩm (đầu tư/cổ phần) của mình. Ngoài lượng khách hàng tìm mua/thuê nhà hay thậm chí là bên cho thuê/bán thì bên đối tác là các tổ chức tín dụng của Homebase chưa được lộ diện. Đó là chưa nói, nếu network này được thiết lập thì không biết Homebase sẽ khai thác lợi thế đó như thế nào.

Không phủ nhận rằng, trong thời gian gần đây, nhiều Fintech cũng đã bắt nhịp theo thời cuộc và có thiên hướng khai thác ít nhiều các lợi thế của mô hình kinh doanh nền tảng. VNPT pay, Zalo pay… xuất hiện để khai thác bộ dữ liệu/mạng lưới người dùng mà mình đang nắm giữ. Thậm chí, Grab cũng đã nhập cuộc khi tích hợp gói Moca wallet trên ứng dụng của mình.

Cũng tương tự, sau khi định hình nền tảng, các digital banking cũng bắt đầu tận dụng lực khách hàng của mình (đồng thời là các user của áp) để phát triển các dịch vụ khác nhằm biến các áp ngân hàng số mà mình sở hữu thành một ứng dụng cung ứng các sản phẩm phi chính thức khác như mua hàng, đổi quà tặng, thanh toán hoá đơn, nạp tiền điện thoại… Điều đáng nói là, để chiêu dụ người dùng và tạo lập data cho các hoạt động này, các ứng dụng hiện nay cũng đã thực hiện chiến lược giá không đồng với người dùng cá nhân và tìm kiếm sự bù đắp chi phí từ các đối tác ở nhóm còn lại. Hy vọng rằng tất cả những bước đi này sẽ tiếp tục và tạo tiền đề khai thác tối đa hiệu quả của một mô hình kinh doanh mới.

Cần một hành lang pháp lý đột phá hơn

Cho dù thế nào thì Fintech hay Proptech đều là những lĩnh vực, mô hình kinh doanh khá mới mẻ, không chỉ riêng với người kinh doanh mà với cả cơ quan quản lý nhà nước. Lựa chọn sanbox để mở cửa đón đường các xu hướng kinh doanh và sự kích ứng mới cho thị trường và nền kinh tế vì vậy được sử dụng liên tục. Tuy nhiên, hết giai đoạn sanbox đủ dài thì một cơ chế pháp lý hoàn chỉnh cần được giới thiệu và áp dụng chính thức. Có vẻ, những đòi hỏi như vậy chưa được đáp ứng kịp thời, đặc biệt là đối với các Fintech.

Rõ ràng, với một nền kinh tế mà tỷ lệ thanh toán bằng tiền mặt vẫn chiếm tỷ trọng cao thì ví thanh toán điện tử rất dễ dàng tìm kiếm thị trường khi chính phủ liên tục tạo dựng chính sách kích hoạt thanh toán không dùng tiền mặt trong nền kinh tế. Nhưng thử hỏi, khi thanh toán tự động đã dần phổ biến thì hạn mức tối đa 100 triệu đồng/tháng có khi chỉ là phương cách đưa người dùng quay về với phương thức thanh toán trực tuyến khác thay vì ví điện tử. Trong khi đó, với Homebase, liệu rằng mối quan hệ giữa bên mua nhà và đơn vị này được giải quyết như thế nào: ai là người sở hữu nhà hay điều gì sẽ xảy ra nếu bên mua không thanh toán đầy đủ các cổ phần vào giai đoạn cuối…? Tất cả những điều đó hiện nay đều đang được bỏ lửng trong khung pháp lý truyền thống hiện thời.

Hoàn thiện khung pháp lý cho hoạt động Fintech, Proptech hay một lĩnh vực abc-tech nào khác đều cần thời gian đủ dài cũng như sự chuẩn bị cần thiết khác. Nhưng rõ ràng, trong thời đại số, đơn vị tính không phải được đong đến bằng ngày, giờ và bằng sự phản ứng hay tương tác. Ở quy mô của bài viết nhỏ này, tôi cho rằng có hai chỉ dấu cần được lưu tâm.

Một mặt, nhà nước cần tạo dựng khung pháp lý đủ rộng để triển khai các mô hình và lĩnh vực kinh doanh mới như sanbox. Mặt khác, nhà nước cũng cần nhanh chóng với thủ tục đăng ký và kiểm soát đơn giản, gọn; có cơ chế khuyến khích và hỗ trợ các hoạt động mang tính thử nghiệm có độ rủi ro cao. Bên cạnh đó, nhà nước cũng cần tạo dựng cơ chế và môi trường hoạt động cởi mở cho các quỹ đầu tư mạo hiểm tham gia hoạt động.

Một điều không thể thiếu khác là nhà nước cần phải rà soát thể chế và quy định pháp lý hiện thời để điều chỉnh tương ứng và tương đồng với bối cảnh và hoạt động kinh doanh mới. Chẳng hạn, cần có ngay các quy định của pháp luật về quyền tài sản, hợp đồng, giao dịch điện tử, cạnh tranh… trong môi trường số. Sở dĩ điều này là cần thiết vì cần phải giải quyết ngay các bế tắc do bản thân các quy định và cách tiếp cận pháp lý truyền thống không còn thích hợp với các vấn đề phát sinh từ môi trường số.

Không phủ nhận rằng, Việt Nam không ngừng tạo dựng chính sách phát triển kinh tế thâm dụng công nghệ. Mở rộng quyền và cơ hội ứng dụng internet và tiếp cận thông tin, mạng xã hội hay thậm chí là các tình huống “bỏ qua” các biểu hiện bất trắc của các tay chơi công nghệ cũng phần nào cho thấy mong muốn các start-up và doanh nghiệp công nghệ Việt phát triển. Nhưng tận dụng và khai thác “lổ hổng” pháp lý để hoạt động kinh doanh không phải là hướng đi bền vững. Fintech có thể “dễ thở” vì không bị kiểm soát chặt ở thời điểm hiện tại thì thành quả kinh doanh cũng chỉ được tính toán đến… thời điểm hiện tại.

Proptech nếu chỉ khai thác ở thị trường bất động sản “nóng” ở Việt Nam mà bỏ qua xu thế “dịch chuyển” thì có thể sẽ bị mất dần chỗ đứng trước các hệ thống đổi và giao dịch căn hộ của thế giới như đã nói. Thực chất, kích cỡ thị trường (market size) là yếu tố quan trọng mang lại sức mạnh cho một doanh nghiệp (thị trường và cả nền kinh tế). Lợi thế kết nối của Internet và tốc độ kết nối, xử lý mượt mà của công nghệ thời 4.0 là tác nhân để doanh nghiệp mở rộng thị trường vượt xa phạm vi lãnh thổ và cung cấp sản phẩm, dịch vụ xuyên biên giới.

Ở góc nhìn ngược lại, doanh nghiệp hay một start-up bất kỳ có thể không nhất thiết toạ lạc ở thị trường họ hướng đến mà họ có thể đăng ký kinh doanh và đặt trụ sở ở bất cứ nơi nào mà bài toán lợi ích – chi phí được tối đa hoá trong khi vẫn có thể mở rộng tay xuyên biên giới sang tất cả các thị trường mục tiêu một cách dễ dàng. Không ít start-up, kể cả start-up Việt chọn quốc gia khác, đơn cử là Singapore, để khởi nghiệp rồi từ đó… quay về hoạt động ở thị trường Việt Nam. Do đó, nếu hành lang pháp lý không được thiết kế đầy đủ, chính sách khởi nghiệp không thật sự hấp dẫn và đường hướng thúc đẩy kinh tế thâm dụng công nghệ không rõ ràng thì đó là một điểm bất lợi của Việt Nam trong cuộc cạnh tranh về mặt chính sách giữa các chính phủ.

Link bài viết, xem TẠI ĐÂY

  Nguồn: CafeLand