(PLO) - Trong đại án đăng kiểm, các đăng kiểm viên là những người có chuyên môn, nghiệp vụ, cần tạo điều kiện cho họ làm việc dù đang chấp hành hoặc khi đã chấp hành xong bản án hình sự.
Trong số 254 bị cáo trong đại án đăng kiểm, tòa án cấp sơ thẩm đã tuyên phạt cho 73 bị cáo được hưởng án treo, đa số họ là các đăng kiểm viên. Quá trình xét xử sơ thẩm họ đều cho rằng bản thân chỉ là người làm công ăn lương, họ không hề muốn vòi vĩnh tiền từ chủ phương tiện.
Các bị cáo nghe tuyên án trong đại án đăng kiểm. Ảnh: HOÀNG GIANG
Do là người làm công ăn lương, các đăng kiểm viên (ĐKV) phải làm việc dưới “áp lực kim tiền” của mệnh lệnh không tốt của cấp trên (chỉ đạo phải nhận hối lộ). Với áp lực về số tiền phải chung chi nên vô hình trung họ phải nhận tiền từ chủ phương tiện. Dẫu biết rằng họ vẫn được “chia” nhưng thực tế số tiền hưởng lợi họ nhận được chẳng thấm vào đâu so với các lãnh đạo bên trên - những người hưởng lợi nhiều nhất trong đại án này. Chính vì vậy, bên cạnh việc cần phải nghiêm trị các bị cáo đầu vụ để răn đe và phòng ngừa chung, cơ quan tố tụng cũng cần có cái nhìn khách quan để đánh giá tính chất, mức độ sai phạm của các ĐKV trong guồng máy sai phạm này.
Quy trình đăng kiểm gồm nhiều công đoạn khác nhau. Mỗi công đoạn sẽ có những người khác nhau phụ trách theo nguyên tắc phân công lao động. Do đó, nếu có sai phạm thì ĐKV chỉ phải chịu trách nhiệm trong phạm vi những phương tiện mà dây chuyền đăng kiểm của mình đã thực hiện. Nói cách khác, các ĐKV không phải chịu trách nhiệm cho toàn bộ số tiền nhận hối lộ của cả trung tâm vì một trung tâm có nhiều chuyền đăng kiểm.
Bản án sơ thẩm và trong phần luận tội của VKSND TP.HCM cũng đã quy kết rõ ràng mỗi ĐKV phải chịu trách nhiệm theo dây chuyền kiểm định của mình chứ không phải chịu trách nhiệm về tội nhận hối lộ với tổng số tiền mà giám đốc trung tâm đăng kiểm nơi họ làm việc đã nhận. Nhận định trên là hợp lý vì phân hóa rõ ràng hành vi vi phạm của mỗi người theo nguyên tắc cá thể hóa trách nhiệm hình sự.
Sau phiên tòa sơ thẩm, bên cạnh 73 bị cáo được tòa án cấp sơ thẩm cho hưởng án treo, nhiều bị cáo khác cũng đã kháng cáo với hy vọng mong tòa án cấp phúc thẩm xem xét đến vị trí, vai trò và hoàn cảnh phạm tội để quyết định hình phạt một cách công tâm, thấu tình đạt lý.
Ngoài ra, trong bối cảnh nhân sự ở các trung tâm đăng kiểm bị thiếu hụt, công tác đăng kiểm ùn ứ, nhiều lãnh đạo từng đặt vấn đề cần nhanh chóng củng cố đội ngũ ĐKV để sớm ổn định tình hình. Trong vụ án này, các ĐKV là những người có chuyên môn, nghiệp vụ, kỹ năng…; cần tạo điều kiện cho họ làm việc dù đang chấp hành hoặc khi đã chấp hành xong bản án hình sự.
Hiện nay, Điều 32 và Điều 41 BLHS có quy định về hình phạt bổ sung là “cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định”; thời hạn cấm là từ một đến năm năm kể từ ngày chấp hành xong hình phạt tù hoặc từ ngày bản án có hiệu lực pháp luật nếu hình phạt chính là cảnh cáo, phạt tiền, cải tạo không giam giữ hoặc trong trường hợp người bị kết án được hưởng án treo. Tuy nhiên, đối với tội nhận hối lộ (Điều 354) thì BLHS chỉ quy định về việc “cấm đảm nhiệm chức vụ”. Nói cách khác, khi bị kết án về tội nhận hối lộ thì các bị cáo là ĐKV vẫn có thể được nhận vào làm việc tại các trung tâm đăng kiểm.
Có lẽ ngành đăng kiểm cũng mong được tiếp tục sử dụng các ĐKV không bị tù giam làm việc, góp phần giảm ùn tắc trong kiểm định sắp tới…
TS CAO VŨ MINH, Trường ĐH Kinh tế - Luật, ĐH Quốc gia TP.HCM
Nguồn tin: Báo Pháp luật