(PLO)- Ranh giới giữa quà Tết và của hối lộ liệu có mong manh đến mức một người được đào tạo và kinh qua các chức vụ quan trọng lại có sự nhầm lẫn nghiêm trọng như vậy?
Quan chức nhận quà của doanh nghiệp không thể đánh đồng với việc khách hàng nhận quà tri ân của cửa hàng tạp hóa vào dịp cuối năm như những lời bào chữa không có tính thuyết phục cho hành vi phạm tội của ông Hồ Văn Khoa (51 tuổi, cựu chủ tịch UBND quận Cẩm Lệ, TP Đà Nẵng).
Chiều 31-7, TAND TP Đà Nẵng đã tuyên phạt bị cáo Hồ Văn Khoa (51 tuổi, cựu chủ tịch UBND quận Cẩm Lệ, TP Đà Nẵng) mức án 9 năm tù về tội nhận hối lộ.
Cựu Chủ tịch UBND quận Cẩm Lệ bị tuyên 9 năm tù về tội nhận hối lộ. Ảnh: MT
Trước pháp đình tôn nghiêm, đối mặt với những cáo buộc nhận hối lộ số tiền khủng từ doanh nghiệp (DN), ông Khoa cho rằng mình bị oan bởi số tiền khủng đó “chỉ đơn thuần là quà Tết”.
Ranh giới giữa quà Tết và của hối lộ liệu có mong manh đến mức mà ông Khoa - một người được đào tạo và kinh qua các chức vụ quan trọng lại có sự nhầm lẫn nghiêm trọng như vậy?
Theo bản án, riêng tại địa bàn quận Cẩm Lệ, Công ty Thy Nghĩa Hưng trúng toàn bộ bốn gói thầu đã tham gia. Để đạt được “thành tích tuyệt đối” này, DN phải “lại quả” tổng cộng hơn 3,1 tỉ đồng. Cựu chủ tịch quận cùng ba cấp dưới đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn được giao, chủ động yêu cầu DN trích lại tiền theo tỉ lệ 33% khi DN trúng thầu.
Trước các chứng cứ rõ ràng, ba thuộc cấp của bị cáo Khoa đã nhận tội nhận hối lộ. Tuy nhiên, bị cáo Khoa lại liên tục cho rằng việc nhận tiền của DN lên đến hàng trăm triệu đồng mỗi lần “chỉ là quà cáp bình thường của DN biếu mỗi khi đến các dịp lễ, Tết nên vẫn nhận bình thường mà không nghĩ đây là của hối lộ”. Để khắc phục hậu quả, bị cáo Khoa đã nộp lại 700 triệu đồng và cho biết sẵn sàng khắc phục tiếp nếu thiệt hại lớn hơn.
Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018 nghiêm cấm nhận quà biếu dưới mọi hình thức nhằm loại trừ tham nhũng, đưa, nhận hối lộ. Người có chức vụ, quyền hạn trong cơ quan, tổ chức, đơn vị không được nhận quà dưới bất cứ hình thức nào, kể cả lợi ích vật chất hay lợi ích phi vật chất. Nếu vì lý do công việc, quan hệ ngoại giao mà không từ chối được thì người nhận quà phải báo cáo với cơ quan nhà nước có thẩm quyền để giải quyết phần quà đó.
Bên cạnh đó, Điều 27 Nghị định 59/2019 hướng dẫn: Quà định giá được như tiền, vật có giá thì khi nhận phải báo cáo với cấp trên trực tiếp rồi nộp ngân sách. Trường hợp ngay lúc nhận không biết giá trị của món quà mà mình nhận thì sau đó phải nhờ định giá rồi gửi cho cơ quan nhà nước cấp có thẩm quyền xử lý.
Sở dĩ pháp luật phòng, chống tham nhũng quy định khắt khe như vậy là vì đã tiên liệu được mối quan hệ thân hữu giữa quan chức và DN. Điều 354 BLHS quy định: “Người có chức vụ, quyền hạn bằng hành vi của mình hoặc thông qua trung gian nhận hoặc sẽ nhận để thực hiện việc trên cơ sở đạt được mục đích của người đưa hối lộ cấu thành tội nhận hối lộ”.
Lẽ dễ hiểu, người có chức vụ, quyền hạn, lại nắm quyền quyết định trong tay nên DN mới tặng quà giá trị mỗi lần lên đến vài trăm triệu đồng. Quan chức sau khi nhận mỗi lần vài trăm triệu đồng từ DN thì đã tạo điều kiện cho DN đạt được mong muốn trong công việc. Đó là bản chất của tham nhũng, của đưa và nhận hối lộ.
Là lãnh đạo, quản lý của UBND cấp huyện, ông Khoa đã tham gia hàng loạt buổi học tập, báo cáo chuyên đề, hội nghị tập huấn về công tác phòng, chống tham nhũng. Với nhiều bằng cấp có liên quan mà bằng cấp nào cũng có chuyên đề học tập về phòng, chống tham nhũng, ông Khoa chắc chắn không ngây thơ tới mức nghĩ tiền của DN là quà quê.
Khách hàng mua sắm tại một cửa hàng tạp hóa thì cuối năm sẽ được tặng một chai dầu ăn, một lọ nước mắm, một gói bột nêm để xem như quà tri ân. Pháp luật không cấm khách hàng nhận quà tri ân của cửa hàng tạp hóa bởi chai dầu ăn, lọ nước mắm, gói bột nêm có giá trị chỉ vài chục ngàn đồng. Còn với “quà khủng” là đô la, ngoại tệ, tiền bạc vài trăm triệu đến vài chục tỉ đồng thì không thể là “bình thường”, không thể là “trong sáng”. Vì lẽ này mà pháp luật nghiêm cấm quan chức nhận quà của DN. Quan chức nhận quà của DN không thể đánh đồng với việc khách hàng nhận quà tri ân của cửa hàng tạp hóa vào dịp cuối năm.
Ông bà ta có câu: “Không có tiền thì không làm phiền được thiên hạ”. DN tặng tiền cho quan chức với mác “quà quê”, “quà tình cảm” thì chắc chắn sẽ nghĩ đến chuyện làm phiền quan chức. Quà của DN tặng quan chức bao giờ cũng ẩn chứa những mục đích sâu xa mà kẻ cho và người nhận đều có thể hình dung ra. Do đó, quan chức nhận tiếp kiến riêng tư với DN, sau đó nhận những lợi ích để tạo điều kiện cho DN trúng thầu như trường hợp của ông Khoa thì hành vi nhận lợi ích này gọi đúng tên chính là hành vi nhận hối lộ.
Đối với quan thanh liêm, chỉ chăm lo ích nước lợi dân, không tham nhũng, không làm giàu cho mình thì phía trước của họ là bầu trời. Còn đối với quan tham, phía trước của họ là tù tội.
TS CAO VŨ MINH, Trường ĐH Kinh tế - Luật, ĐH Quốc gia TP.HCM
Nguồn tin: Báo Pháp Luật TP.HCM