(PLO)- Theo công an, bà Nhàn đã nhận 3 thùng xốp đựng 5,2 triệu USD từ người của bà Trương Mỹ Lan (Chủ tịch Tập đoàn Vạn Thịnh Phát).
Khoảng 20 năm trở lại đây, thùng xốp mút ấy quen thuộc với mọi người. Nó có trên mọi chuyến xe đò, máy bay, nó buộc sau xe của cô công nhân khi về Tết thăm nhà. Nó cũng dùng để đựng những thứ quà quê mà cha mẹ, ông bà gửi cho con cháu nơi phố thị. Nó vừa tình cảm vừa lam lũ. Nó rẻ, thùng lớn chứa 50 kg thực phẩm, mua ở chợ quê chỉ 30.000 đồng, có thể giữ lạnh được đôi ngày khi trữ đồ cấp đông. Nó tiện dụng.
Nhưng đến vụ án Vạn Thịnh Phát thì khác. Đúng là nó an toàn và nhẹ nhàng nhưng nó được dùng còn vì... dễ ngụy trang. Người ta đã đưa cho bà cục trưởng Nhàn của Ngân hàng (NH) Nhà nước không chỉ một mà đến ba thùng xốp. Trong đó không phải là rau xanh, thịt, cá mà là USD, tôi đoán là những tệp 100 tờ như cách mà các NH sắp xếp tiền.
Quà quê, chứa trong nó là thực phẩm, là tình cảm. Người nhận biết được tấm lòng của người gửi, còn trong thùng xốp gửi cho quan chức là tiền. Đổi lại, quan chức phải biết mình sẽ làm gì cho xứng với số tài sản khổng lồ chứa trong đó.
Trong vụ án Vạn Thịnh Phát, có 86 người bị đề nghị truy tố
Là, để sự lũng đoạn NH SCB không bị phát hiện và xử lý. Là, để người gửi thùng xốp có thể sử dụng hàng triệu tỉ đồng vào mục đích cá nhân. Là, để những dấu hiệu thiếu lành mạnh trong hoạt động tín dụng không bị chế tài. Theo kết luận điều tra , bà Trương Mỹ Lan bị cáo buộc chiếm đoạt hơn 304.000 tỉ đồng; gây thiệt hại hơn 415.000 tỉ đồng (tính cả thiệt hại tiền lãi phát sinh gần 130.000 tỉ đồng); lừa đảo hơn 30.000 tỉ đồng trái phiếu.
Theo đó, Trương Mỹ Lan đã lập hệ sinh thái Vạn Thịnh Phát với 1.000 doanh nghiệp gồm các công ty con, công ty thành viên trong và ngoài nước, được chia thành nhiều tầng lớp, có quan hệ chặt chẽ với nhau. Hệ sinh thái này do Vạn Thịnh Phát giữ vai trò trung tâm, nắm giữ cổ phần, kiểm soát toàn bộ hoạt động của các công ty. Vạn Thịnh Phát tuy không trực tiếp tham gia vào hoạt động kinh doanh các công ty trong hệ sinh thái nhưng lại có khả năng kiểm soát và thao túng toàn bộ hoạt động của các công ty này.
Không chỉ thế, bà Trương Mỹ Lan còn có thể thao túng, chi phối và chỉ đạo toàn bộ hoạt động của NH Thương mại CP Sài Gòn (NH SCB), biến NH này trở thành công cụ tài chính để bà tổ chức huy động tiền gửi phục vụ cho những mục đích cá nhân. Bà Lan cùng đồng phạm đã lập hàng ngàn bộ hồ sơ “khống”, đứng tên vay vốn NH SCB để sử dụng vào mục đích cá nhân.
Chỉ hơn năm năm, từ ngày 1-1-2018 đến 7-10-2022, bà Lan đã chỉ đạo lập khống 916 hồ sơ vay vốn để rút tiền của NH SCB, đến nay các khoản vay này còn nợ 545.039 tỉ đồng với dư nợ gốc là 415.666 tỉ đồng và dư nợ lãi là 129.372 tỉ đồng. Hành vi của bà Lan có dấu hiệu của tội tham ô tài sản. Chính hành vi này là nguyên nhân chủ yếu dẫn đến NH SCB mất hoàn toàn khả năng thanh khoản, vốn chủ sở hữu âm lên đến hơn 443.000 tỉ đồng.
Đó là lý do vì sao trong 53 bị can bị đề nghị truy tố tội vi phạm quy định về hoạt động NH, hoạt động khác liên quan đến hoạt động NH thì có đến 37 bị can là những người công tác tại NH SCB.
Để hành vi phạm tội của mình được thực hiện trót lọt trong nhiều năm, bên cạnh biệt tài thao túng NH SCB, bà Lan còn mua chuộc, đối phó với một số quan chức thoái hóa trong cơ quan quản lý nhà nước để các quan chức này làm ngơ cho sai phạm của mình. Theo đó, khi bị thanh tra, bà Trương Mỹ Lan đã cho người đưa hối lộ 5,2 triệu USD (khoảng 118 tỉ đồng) cho trưởng đoàn thanh tra lúc đó là bà Đỗ Thị Nhàn (nguyên cục trưởng cục II thuộc Cơ quan Thanh tra, giám sát NH - NH Nhà nước). Theo công an, từ tháng 10 đến tháng 12-2018, bà Nhàn đã nhận 3 thùng xốp đựng 5,2 triệu USD từ người của bà Trương Mỹ Lan.
Hệ sinh thái Vạn Thịnh Phát - một loại ma trận giúp bà Trương Mỹ Lan có thể rút ruột tiền từ Ngân hàng SBC.
Ngoài ra, trong vụ đại án này còn có 16 bị can bị đề nghị truy tố về tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ, trong số này có các công chức thuộc NH Nhà nước và cả Thanh tra Chính phủ. Rõ ràng sức công phá của “viên đạn bọc đường” thật mãnh liệt, có thể bắn thủng nhiều quan chức nhà nước khi thiếu sự rèn luyện và miễn nhiễm với thói vụ lợi.
Trong vụ án này còn có tình tiết khiến người ta nghĩ đến câu “nhân - quả nhãn tiền”. Đó là việc Nguyễn Cao Trí lợi dụng khi bà Lan vừa bị bắt đã tìm cách chiếm đoạt của bà này 1.000 tỉ đồng. Không lâu sau đó, Nguyễn Cao Trí, người sở hữu hai hệ sinh thái gồm Tập đoàn Capella có 28 công ty con hoạt động về lĩnh vực bất động sản, kinh doanh nhà hàng, khách sạn… và Tập đoàn Giáo dục Văn Lang với bảy đơn vị thành viên hoạt động trong lĩnh vực giáo dục, đã phải tra tay vào còng vì hành vi này.
Vạn Thịnh Phát là tổ chức có dấu hiệu tội phạm quy mô rất lớn, hoạt động rất tinh vi. Hậu quả mà tổ chức có dấu hiệu tội phạm này gây ra là đặc biệt lớn về kinh tế, ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động của ngành NH, uy tín của Nhà nước trong quản lý kinh tế. Trong quá trình điều tra, cơ quan công an đã kê biên 1.237 bất động sản của bà Trương Mỹ Lan tại Đồng Nai, TP.HCM, Long An để bảo đảm thi hành án. Bên cạnh đó, gia đình ông Nguyễn Cao Trí cũng đã tích cực nộp tiền khắc phục hậu quả.
Thế nhưng, bấy nhiêu đó vẫn chưa thấm vào đâu so với những thiệt hại mà Nhà nước và nhiều người dân đã gánh chịu. Hy vọng, với ánh sáng công lý, việc xét xử các bị cáo trong đại án này sẽ khắc phục được những thiệt hại về kinh tế, răn đe những mầm móng tội phạm kinh tế tương tự. Điều này còn góp phần củng cố niềm tin của nhân dân vào một hệ thống pháp luật công minh với những con người thi hành pháp luật vô tư, khách quan, có khả năng phát hiện và triệt xóa tội phạm kinh tế từ trong trứng nước.
TS CAO VŨ MINH - Giảng viên Khoa Luật, Trường Đại Học Kinh tế - Luật - ĐHQG TP HCM.
Nguồn tin: Báo Pháp Luật Thành phố Hồ Chí Minh.