Trị căn bệnh 'không có giấy không được'

Hiện nay cả nước đang đẩy mạnh chuyển đổi số, xây dựng Chính phủ điện tử, xây dựng kinh tế số, xã hội số. Tuy nhiên nhiều thủ tục, giao dịch vẫn cần giấy tờ thay vì sử dụng dữ liệu điện tử. Các cơ quan, tổ chức, người dân cần thích ứng ra sao?
 

Tuổi Trẻ trao đổi với tiến sĩ Nguyễn Thị Thiện Trí, Đại học Luật TP.HCM, về thực trạng đòi người dân phải có giấy xác nhận thay vì dữ liệu điện tử, làm gì cũng sao y chứng thực hồ sơ giấy tờ... và việc điều chỉnh, thay đổi thực trạng đó trong thời đại công nghệ đang thay đổi cuộc sống.

 

Có giấy yên tâm, tránh trách nhiệm

 

* Có thực trạng, trước nay người dân làm gì cơ quan, tổ chức giải quyết cũng yêu cầu xuất trình, sao y chứng thực đủ loại giấy tờ. Về phía cơ quan, tổ chức sợ thiếu giấy tờ như sợ trách nhiệm, lâu ngày như một "bệnh" lưu cữu?

- Khi giải quyết các thủ tục, các cá nhân, đơn vị yêu cầu người dân nộp nhiều giấy tờ, đó là một thói quen tiêu cực, kéo dài lâu ngày thì cũng đúng như một căn bệnh.

Điều này chính là để thuận lợi cho việc giải quyết của cá nhân, đơn vị của họ. Từ đó sinh ra chủ nghĩa kinh nghiệm trong ứng phó giải quyết, xử lý hồ sơ giấy tờ và được "nhân rộng".

Trong khi đáng lẽ ra trách nhiệm đó phải thuộc về cơ quan, tổ chức thì họ đẩy cái khó cho người dân... Còn về phía người dân thì họ dù thấy rất phiền, rất bức xúc nhưng với tâm lý muốn được giải quyết cho xong việc nên đành chấp nhận bổ sung giấy tờ theo yêu cầu.

Gần đây khi sổ hộ khẩu, sổ tạm trú bị bãi bỏ, việc giải quyết các thủ tục chuyển dần sang sử dụng dữ liệu thông tin. Nhưng người dân vẫn còn bị yêu cầu nộp thêm giấy xác nhận cư trú khiến người dân bức xúc.

Điều này cho thấy là do tình trạng thiếu đồng bộ trong việc chia sẻ về dữ liệu giữa các ngành nên đẩy người thực thi công vụ phải lựa chọn một cách xử sự an toàn là đòi giấy tờ.

Nhất là hiện nay, quy định trách nhiệm đối với cán bộ, công chức, viên chức giải quyết thủ tục ngày càng khắt khe, chặt chẽ hơn trước.

 

Nguyên nhân của thực trạng đó?

- Có nhiều nguyên nhân dẫn đến thực trạng trên. Cụ thể: Thứ nhất và quan trọng nhất đó là do các quy định pháp luật về thủ tục hành chính chưa có tính hệ thống, chặt chẽ, rõ ràng, còn mâu thuẫn, chồng chéo dù Chính phủ rất chú trọng và thường xuyên rà soát, sửa đổi, bổ sung.

Thứ hai là công cuộc cải cách thủ tục hành chính chưa đi từ gốc, thiếu chiến lược, định hướng tổng thể.

Điển hình như hiện nay ngành công an đang rất cố gắng đẩy nhanh cải cách về cơ sở dữ liệu, ứng dụng dữ liệu thông qua công cụ, cụ thể là căn cước công dân gắn chip nhưng chưa đồng bộ, liên thông với ngành tư pháp khiến không ít thủ tục bị ách tắc.

Thứ ba là thiếu cơ chế kiểm soát và cơ chế pháp lý xử lý vi phạm trong công tác giải quyết các thủ tục hành chính để đưa công tác này vào khuôn khổ, lề lối.

Và cuối cùng là hiện nay trong giai đoạn chuyển giao mạnh mẽ giữa phương thức quản lý mới - cũ, việc giải quyết thủ tục mới dựa trên nền tảng công nghệ với phương thức cũ tồn tại lâu đời thì cần một lộ trình.

 

Trị căn bệnh không có giấy không được - Ảnh 2.

 

Tâm thế phục vụ là quan trọng

 

* Trong xu thế đẩy mạnh chuyển đổi số, giấy tờ sẽ dần bị thay thế, Nhà nước cũng như cán bộ, công chức viên chức cần thay đổi cung cách làm việc ra sao?

- Phải quán triệt đặt lợi ích chung của nền hành chính làm nền tảng, và đạo đức công vụ của cán bộ, công chức, viên chức chính là tâm thế phục vụ người dân.

Trên cơ sở đó, Chính phủ phải chỉ đạo phối hợp thống nhất, đồng bộ công cuộc cải cách giữa các bộ ngành, lĩnh vực từ trung ương đến địa phương.

Chính phủ cần chỉ đạo tháo gỡ ngay những vướng mắc phát sinh về thủ tục do sự thiếu đồng bộ, thiếu dữ liệu. Ngoài ra, trong bối cảnh công nghệ thay đổi mạnh mẽ phương thức quản lý dân cư thì rất cần Chính phủ tăng cường các hoạt động hỗ trợ để người dân làm quen.

Các cơ quan nhà nước cần thành lập các tổ công tác hỗ trợ người dân làm quen với việc sử dụng công nghệ để thực hiện các thủ tục, tránh để người dân gặp khó, hoang mang. Đây là việc thiết thực cần làm trong các bối cảnh hiện tại.

Còn về phía người dân cũng phải thay đổi thích ứng?

- Người dân cũng cần chủ động cập nhật, làm quen với các thay đổi về quy định pháp lý, thủ tục. Chẳng hạn như người dân cần ủng hộ sự vận động của Nhà nước khi đổi căn cước công dân, đăng ký tài khoản định danh điện tử... để sử dụng được những tiện ích, thuận lợi mà nó mang lại. Để hoàn thành mục tiêu chung của cải cách hành chính thì người dân phải đồng hành cùng Nhà nước thực hiện.

 

Sáng 25-2, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì phiên họp thứ 5 của Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số và Tổ công tác triển khai đề án 06 của Chính phủ, đã chỉ đạo không yêu cầu xác nhận cư trú trong giải quyết thủ tục hành chính.

Đến ngày 28-2, Thủ tướng đã ra công điện chấn chỉnh thực hiện quy định liên quan đến bỏ sổ hộ khẩu, sổ tạm trú giấy và các thủ tục liên quan tới cư trú.

 

* PGS.TS VÕ TRÍ HẢO:

Nhà nước có trách nhiệm liên thông dữ liệu

 

 

Có ba nguyên tắc chính, đầu tiên phải khẳng định toàn bộ cơ quan hành chính nhà nước như một pháp nhân duy nhất, pháp nhân công quyền.

Trong đó các cơ quan, ban ngành chỉ là bộ phận trực thuộc. Từ đó suy ra nguyên tắc thứ hai tất cả các giấy tờ mà các cơ quan nhà nước nắm giữ cũng được coi là thống nhất, duy nhất.

Nếu đã là duy nhất, các cơ quan có trách nhiệm tự liên hệ với nhau để trao đổi chứ không phải bắt người dân tự thân đi lấy.

Ví dụ như Chính phủ, UBND và Sở Tài nguyên và Môi trường cùng thuộc Nhà nước, đều là một pháp nhân duy nhất thì không thể nào ba cơ quan đó bắt người dân phải trình ba lần cùng một loại giấy tờ.

Trên nguyên tắc, tất cả giấy tờ liên quan tới công quyền thì chính quyền có trách nhiệm lưu trữ theo pháp luật về lưu trữ văn thư. Người dân chỉ việc xuất trình duy nhất ID của căn cước công dân hoặc chứng minh nhân dân khi thực hiện thủ tục.

Nguyên tắc thứ hai, kiểm soát về hiệu quả của nền kinh tế. Nếu như dữ liệu không liên thông, mỗi cơ quan đặt ra một thủ tục hành chính khác nhau chẳng khác gì hành dân.

Nguyên tắc thứ ba, khi ban hành bất cứ thủ tục hành chính nào, cơ quan ban hành phải có trách nhiệm ghi một câu khóa "Đối với những giấy tờ nêu trên thì công chức không được yêu cầu thêm giấy tờ nào khác, việc đòi hỏi thêm giấy tờ được suy đoán là hành vi tham nhũng".

Hiện nay, hầu như các cơ quan nhà nước lo sợ sẽ có tình trạng hồ sơ giả nhưng đó là nỗi sợ của Nhà nước thì Nhà nước phải tự giải quyết chứ không thể đẩy gánh nặng đó lên cho người dân. Nếu đã thống nhất toàn bộ cơ quan là bộ phận trực thuộc pháp nhân duy nhất là Nhà nước thì phải có trách nhiệm liên đới với nhau.

CẨM NƯƠNG

 

* TS CAO VŨ MINH (Đại học Kinh tế - Luật, Đại học Quốc gia TP.HCM):

Chế tài để thay đổi tư duy quản lý theo "thói quen"

 

 

Với phương thức quản lý mới thông qua căn cước công dân, các cơ quan, tổ chức (công chứng, thừa phát lại, điện nước...) cung cấp các thủ tục hành chính, dịch vụ đều phải thay đổi cách thức giải quyết các nhu cầu của người dân.

Đương nhiên các cơ quan, tổ chức phải được quyền tiếp cận các thông tin cá nhân vừa đủ (hạn chế so với cơ quan công an) để giải quyết thủ tục.

Muốn vậy, Nhà nước phải bảo đảm hoàn thiện thống nhất, đồng bộ các thủ tục giữa các ngành, lĩnh vực; bảo đảm tính kết nối, chia sẻ sử dụng dữ liệu để giải quyết.

Đồng thời, Nhà nước cũng cần có quy định kiểm tra, chế tài đối với các cơ quan, tổ chức không thay đổi, đáp ứng theo phương thức quản lý mới, làm khó cho người dân.

 

 

Nguồn: Báo Tuổi trẻ