Vụ đăng tin sai lệch về kit test Việt Á: Phải gỡ và đăng lại tin chính xác

(PLO)- Căn cứ Điều 22 Luật Tiếp cận thông tin, khi thông tin sai phải kịp thời đính chính, công khai thông tin đã được đính chính chứ không chỉ gỡ bỏ thông tin đó trên website.

Những ngày qua, website của Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) đã gỡ bỏ thông tin đăng từ ngày 26-4-2020 với nội dung "bộ kit xét nghiệm COVID-19 của Công ty Cổ phần Công nghệ Việt Á được Tổ chức Y tế thế giới (WHO) chấp thuận".

Trước đó, từ thông cáo báo chí và thông tin chính thức trên cổng thông tin điện tử của Bộ KH&CN, hàng loạt cơ quan báo chí đã dẫn lại thông tin không đúng này. Khi Bộ KH&CN gỡ tin, hàng loạt cơ quan báo chí cũng đã gỡ tin.

 

  

  Website của Bộ KH&CN đã xóa thông tin mang nội dung “bộ kit xét nghiệm COVID-19

của Công ty Việt Á được WHO chấp thuận”.

Vậy phải xử lý sao khi Bộ KH&CN đăng thông tin và gửi thông cáo báo chí không chính xác dẫn đến hàng loạt cơ quan báo chí cũng dẫn lại thông tin sai?

Theo khoản 3 Điều 4 Nghị đinh 43/2011 quy định về việc cung cấp thông tin và dịch vụ công trực tuyến trên trang thông tin điện tử hoặc cổng thông tin điện tử của cơ quan nhà nước) thì thông tin đăng tải trên cổng thông tin điện tử của cơ quan nhà nước là thông tin chính thống của cơ quan nhà nước trên môi trường mạng.

LS Phạm Tuấn Anh (Đoàn Luật sư TP.HCM) nêu nhận định: Vì vậy, đây không phải là đăng tin sai mà "Đăng tải nội dung phát ngôn và cung cấp thông tin trên Cổng thông tin điện tử, trang thông tin điện tử hoặc trang mạng xã hội chính thức của cơ quan hành chính nhà nước" theo khoản 2 Điều 4 Nghị định 09/2017 (quy định chi tiết việc phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí của các cơ quan hành chính nhà nước).

Theo LS Tuấn Anh, Điều 38 Luật Báo chí 2016 quy định trong phạm vi quyền hạn, nhiệm vụ của mình, các cơ quan, tổ chức, người có trách nhiệm có quyền và nghĩa vụ cung cấp thông tin cho báo chí và chịu trách nhiệm trước pháp luật về nội dung thông tin đã cung cấp. Việc cung cấp thông tin cho báo chí có thể bằng văn bản, trên trang thông tin điện tử tổng hợp, họp báo...

Vì vậy, các cơ quan nhà nước phải chịu trách nhiệm về nội dung thông tin đã cung cấp. Còn việc các cơ quan báo chí dẫn lại thông tin này là dẫn lại thông tin được cung cấp. Lúc này, các cơ quan báo chí chỉ phải chịu trách nhiệm khi đăng thông tin sai với nội dung được công bố, được thông tin. Còn nếu các cơ quan báo chí đã dẫn đúng lại nội dung được công bố, được thông tin thì không phải chịu trách nhiệm. 

Phân tích thêm, TS Thái Thị Tuyết Dung (Trường ĐH Kinh tế - Luật, ĐHQG TP.HCM) cho rằng theo Luật Tiếp cận thông tin thì đây là thông tin đăng công khai trên cổng thông tin điện tử của một cơ quan nhà nước. Các cơ quan khác cũng như người dân có quyền tiếp cận thông tin công khai này.


Tuy nhiên thông tin này lại không chính xác. Do đó, căn cứ Điều 22 Luật Tiếp cận thông tin (quy định về việc xử lý thông tin công khai không chính xác) thì "Trường hợp phát hiện thông tin do mình tạo ra và đã được công khai không chính xác thì cơ quan đó có trách nhiệm kịp thời đính chính, công khai thông tin đã được đính chính.

Trường hợp phát hiện thông tin do cơ quan khác tạo ra nhưng do mình công khai không chính xác thì cơ quan đã công khai thông tin có trách nhiệm kịp thời đính chính, công khai thông tin đã được đính chính giống hình thức đã công khai".

Vì vậy, Bộ KH&CN có trách nhiệm kịp thời đính chính, công khai thông tin đã được đính chính chứ không chỉ dừng lại ở việc gỡ bỏ thông tin đó trên website.

                         Trường hợp nào báo chí đăng sai nhưng không phải chịu trách nhiệm?

Khoản 1 Điều 9 Nghị định 09/2017 quy định: "Cơ quan báo chí, nhà báo, phóng viên có trách nhiệm đăng, phát, phản ánh trung thực, khách quan, đầy đủ nội dung phát ngôn và thông tin do người phát ngôn, người được ủy quyền phát ngôn cung cấp, đồng thời phải ghi rõ họ tên người phát ngôn hoặc người được ủy quyền phát ngôn, tên cơ quan hành chính nhà nước của người phát ngôn, người được ủy quyền phát ngôn. Trường hợp cơ quan báo chí đăng, phát đúng nội dung thông tin mà người phát ngôn, người được ủy quyền phát ngôn cung cấp thì không phải chịu trách nhiệm về nội dung thông tin đó".

Quy định này loại trừ trách nhiệm của các cơ quan báo chí khi đã đăng, phát đúng nội dung thông tin mà người phát ngôn đưa ra dù thông tin người phát ngôn đưa ra là không chính xác. Tuy không phải chịu trách nhiệm về nội dung thông tin đó nhưng trong trường hợp này, cơ quan báo chí phải đăng, phát ý kiến phản hồi của người phát ngôn, người được ủy quyền phát ngôn đối với các nội dung đăng tải không chính xác (theo khoản 2 Điều 9 Nghị định 09/2017).

                                                           TS THÁI THỊ TUYẾT DUNG, Trường Đại học Kinh tế - Luật, ĐHQG-HCM 

  Link bài viết, xem TẠI ĐÂY

  Nguồn: Báo Pháp luật TP.HCM