Trong bối cảnh khủng hoảng khí hậu toàn cầu và yêu cầu cấp thiết về phát triển bền vững, chuyển đổi sang nền kinh tế xanh đã trở thành mục tiêu hàng đầu của các quốc gia trên thế giới. Đây không chỉ là một thách thức về mô hình kinh tế và giải pháp môi trường mà còn đòi hỏi xây dựng một khung pháp lý vững chắc, linh hoạt, nhằm hướng tới mục tiêu giảm phát thải ròng về 0.
Hội thảo quốc tế được tổ chức tại Trường Đại học học Kinh tế - Luật, ĐHQG-HCM ngày 03/12/2024
Chia sẻ tại Hội thảo quốc tế với chủ đề “Khung pháp lý chuyển đổi nền kinh tế xanh” do Trường Đại học Kinh tế - Luật, ĐHQG-HCM (UEL) phối hợp cùng Trường Đại học Paris I tổ chức, PGS.TS Lê Vũ Nam nói: Khung pháp lý này cần bao hàm các chính sách thúc đẩy năng lượng tái tạo, nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng, phát triển nông nghiệp bền vững, thực hiện các phương pháp công nghiệp xanh, và bảo vệ quyền lợi của cộng đồng dễ bị tổn thương.
Đồng thời, việc nghiên cứu và so sánh khung pháp lý giữa các quốc gia là chìa khóa để nhận diện và khắc phục những bất cập, chia sẻ kinh nghiệm và thực hành tốt hơn.
Phó Hiệu trưởng UEL phát biểu tại Hội thảo
GS. Romain Boffa - Trường Đại học Paris Est Créteil cũng cho rằng cần thiết phải cân bằng giữa quyền sở hữu và trách nhiệm bảo vệ môi trường. Sự kết hợp giữa pháp luật, cơ chế thị trường và ý thức xã hội sẽ là chìa khóa để phát triển bền vững và bảo vệ hệ sinh thái cho các thế hệ tương lai.
Tại hội thảo, các nhà nghiên cứu, nhà khoa học đến từ các trường đại học của Việt Nam và các giáo sư đến từ nhiều trường đại học có uy tín tại Pháp đã cùng thảo luận nhiều chủ đề khác như Quyền sở hữu và bảo vệ môi trường; Các chế định bảo vệ môi trường trong pháp luật Việt Nam; Thúc đẩy trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp thông qua pháp luật về môi trường; Trách nhiệm dân sự do gây ô nhiễm môi trường; Hoàn thiện khung pháp lý để ứng phó với khủng hoảng khí hậu toàn cầu;…
Để giảm thiểu các vấn đề về ô nhiễm, hướng đến nền kinh tế xanh, theo TS Trịnh Thục Hiền - Phó Trưởng khoa, Khoa Luật kinh tế, UEL - trên thế giới gần đây đang có xu hướng quy định về CSR (corporate social responsibility - trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp), chủ yếu thông qua các biện pháp buộc các công ty phải thiết lập và duy trì hệ thống thẩm định. Tuy nhiên các quy định này chủ yếu tập trung vào các yếu tố môi trường cụ thể, thay vì cung cấp đánh giá toàn diện và thường xuyên về tác động môi trường chung của hoạt động kinh doanh.
TS Trịnh Thục Hiền trình bày tham luận "Pháp luật môi trường Việt Nam thúc đẩy trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp như thế nào?"
“Việt Nam nên thiết lập nghĩa vụ thẩm định môi trường bắt buộc để đưa khái niệm CSR vào pháp luật, thúc đẩy tính minh bạch và trách nhiệm giải trình trong CSR” - TS Trịnh Thục Hiền đề xuất.
Hội thảo quốc tế “Khung pháp lý chuyển đổi nền kinh tế xanh” gồm 02 phiên làm việc: buổi sáng do PGS.TS Võ Trí Hảo - Chuyên gia Viện Pháp luật quốc tế và So sánh; GS Charles-Édouard Bucher - Đại học Nantes chủ trì với 05 bài tham luận. Buổi chiều do PGS.TS Nguyễn Ngọc Điện - Cố vấn Cao cấp Viện Pháp luật quốc tế và So sánh; GS Phillipe Chauviré - Đại học Sorbonne Paris Nord chủ trì với 05 bài tham luận.
Việc tổ chức thành công Hội thảo sẽ góp phần phát triển hơn nữa mối quan hệ hợp tác giữa Trường Đại học Kinh tế - Luật, ĐHQG-HCM và Trường Đại học Paris I (Pháp). Theo đánh giá của QS World University, Trường Đại học Paris I đứng đầu trong hệ thống các Trường Đại học Châu Âu và thuộc top 20 trường hàng đầu thế giới về ngành luật. Hai đơn vị đã có mối quan hệ hợp tác nhiều năm và hiện nay, đang liên kết đào tạo chương trình Thạc sĩ Luật dân sự Paris 1.
Tin và hình ảnh: Phòng Truyền thông, Viện Pháp luật quốc tế và So sánh