Giảng dạy tiếng Anh pháp lý: “Quan trọng là dạy cách giao tiếp”

Theo TS Marian Dent - Chuyên gia Anh ngữ Cao cấp Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ, giảng dạy tiếng Anh pháp lý không chỉ là câu chuyện của ngôn ngữ, của tiếng Anh mà là cách truyền cảm hứng đến người học để họ sử dụng tiếng Anh như một công cụ giao tiếp hiệu quả, phục vụ tốt nhất cho quá trình hành nghề luật.


Thảo luận bàn tròn về "Tầm quan trọng và tương lai của việc giảng dạy Tiếng Anh pháp lý tại Việt Nam"

Trong 2 ngày 13 - 14/6/2024, Trường Đại học Kinh tế - Luật (UEL) phối hợp cùng Văn phòng tiếng Anh Khu vực - Đại sứ quán Hợp chủng quốc Hoa Kỳ (RELO) tổ chức Hội thảo quốc tế với chủ đề “Giảng dạy tiếng Anh pháp lý tại Việt Nam trong bối cảnh hội nhập” (Legal English Education in Vietnam in Global Integration Context). 


Hội thảo thu hút sự tham gia của hơn 120 đại biểu trong nước và quốc tế, trong đó, có các diễn giả là chuyên gia Anh ngữ cao cấp từ Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ cùng các chuyên gia giảng dạy tiếng Anh của Hoa Kỳ trong lĩnh vực pháp lý. 


Với phần tham luận “Preparing Law Students’ English Language Skills for Practices” (Trang bị tiếng Anh để sinh viên luật sẵn sàng cho công việc), TS Marian Dent đã thực hiện khảo sát tại các công ty luật ở Việt Nam cũng như các công ty luật đa quốc gia và chỉ ra rằng 100% người được khảo sát cho biết họ dùng tiếng Anh pháp lý trong văn viết (written skills) như một phần thiết yếu của công việc. 


TS Marian Dent trình bày tham luận về cách trang bị tiếng Anh pháp lý cho sinh viên luật


Tuy nhiên, từ kinh nghiệm làm việc và giảng dạy tiếng Anh pháp lý, TS Marian Dent nói: Trong bối cảnh hội nhập hiện nay, những người đang làm trong lĩnh vực pháp lý, tư vấn luật không chỉ làm việc với người Việt Nam mà còn có những khách hàng là người nước ngoài và thực hiện tranh tụng tại tòa án quốc tế. Vì vậy, bên cạnh kỹ năng viết để soạn thảo hợp đồng, văn bản pháp lý thì quan trọng hơn, cần có kỹ năng giao tiếp, đàm phán và tranh luận bằng tiếng Anh pháp lý. Việc giảng dạy cũng nên xoay quanh hai khía cạnh: dạy cách viết theo từng bước với lập luận logic, rõ ràng, ngắn gọn và hỗ trợ kỹ năng mềm về cách giao tiếp đối với từng đối tượng khách hàng, cách chuẩn bị bài chia sẻ với cộng đồng học thuật...


Với thực tế tại UEL và quá trình dạy tiếng Anh pháp lý ở Việt Nam, TS Lê Nguyễn Gia Thiện - Phó Trưởng Khoa Luật, UEL chia sẻ về những cơ hội và thách thức trong việc giảng dạy tại Việt Nam. “Hiện Việt Nam chỉ có những khoá học tiếng Anh pháp lý ngắn hạn, cung cấp cho học viên những kiến thức, từ vựng hoặc thuật ngữ cơ bản trong ngành, chưa đủ thời gian và dung lượng để đảm bảo cả việc dạy lý thuyết và hỗ trợ các kỹ năng giao tiếp hoặc giải quyết các tình huống thực tiễn” - TS Thiện cho biết.


Cùng đề cập đến những khó khăn, PGS.TS Trần Thăng Long - Trưởng Khoa Ngoại Ngữ Pháp lý, Trường Đại học Luật TP.HCM nói: Hiện chúng ta chưa có những video thực tế trong quá trình xét xử tại toà bằng tiếng Anh để minh hoạ và giải thích cho sinh viên về thuật ngữ chuyên ngành trong từng bối cảnh. Mặt khác, vấn đề lớn nhất đang nằm ngay tên gọi tiếng Anh pháp lý. Đây là ngôn ngữ đặc biệt, kết hợp giữa tiếng Anh và kiến thức chuyên ngành luật, mà hệ thống pháp luật lại thường xuyên sửa đổi, bổ sung, đòi hỏi người học, người làm liên tục cập nhật kiến thức. Hiểu và dùng đúng đã khó, giảng dạy tiếng Anh pháp lý lại càng khó hơn.


PGS.TS Thăng Long chia sẻ khó khăn khi giảng dạy tiếng Anh pháp lý trong phiên thảo bàn tròn thảo luận


Trong khuôn khổ 2 ngày của Hội thảo với 1 phiên toàn thể, 4 phiên chuyên đề và 4 chuyên đề tập huấn, UEL cung cấp cho người tham gia những nền tảng cơ bản về chương trình, phương pháp, công cụ giảng dạy tiếng Anh pháp lý hiệu quả, nhằm tháo gỡ những khó khăn hiện tại.

 

“Chúng tôi tin rằng, tiếng Anh pháp lý không chỉ là công cụ giao tiếp mà còn là cầu nối quan trọng giúp sinh viên và các chuyên gia pháp lý Việt Nam tiếp cận và áp dụng các chuẩn mực pháp lý quốc tế. Thông qua hội thảo này, UEL hy vọng sẽ tạo ra một diễn đàn mở, nơi các ý tưởng mới, các kinh nghiệm thực tiễn và các nghiên cứu học thuật có thể được chia sẻ và phát triển nhiều hơn” - PGS.TS Lê Vũ Nam - Phó Hiệu trưởng nhà Trường nhắn nhủ.


Phó Hiệu trưởng UEL - Lê Vũ Nam - kỳ vọng về sự ảnh hưởng tích cực sau Hội thảo


Giáo viên tiếng Anh hay chuyên gia pháp lý sẽ dạy tiếng Anh pháp lý?

Đây cũng là vấn đề thu hút nhiều sự tranh luận tại Hội thảo quốc tế “Giảng dạy tiếng Anh pháp lý tại Việt Nam trong bối cảnh hội nhập”. Theo các diễn giả, dạy tiếng Anh pháp lý cho sinh viên đang học chuyên ngành luật hoàn toàn khác với dạy kiến thức luật bằng tiếng Anh.

Tuy nhiên, trên thực tế các giảng viên dạy luật hoặc giáo viên tiếng Anh đều đang kiêm nhiệm. Riêng tại UEL, trong 2 khoa Luật và khoa Luật kinh tế có hơn 30 giảng viên có thể sử dụng tiếng Anh trong giảng dạy. Song giáo trình, tài liệu cũng như cách đánh giá về tiếng Anh pháp lý chưa hoàn thiện hoặc thiếu, gây nhiều thách thức. Hoặc với giáo viên tiếng Anh, thế mạnh của họ là ngôn ngữ, kiến thức về pháp lý và luật vẫn còn nhiều hạn chế.

Thực hiện các khảo sát và nghiên cứu khoa học, ThS Nguyễn Hải Anh - Phụ trách Bộ môn Tiếng Anh pháp lý, Khoa Ngoại ngữ Pháp lý, Trường Đại học Luật Hà Nội đề xuất thúc đẩy sự hợp tác giữa các chuyên gia pháp lý và giáo viên tiếng Anh trong việc đào tạo tiếng Anh pháp lý nhằm cải thiện việc giảng dạy thông qua tích hợp kiến thức chuyên môn và kỹ năng ngôn ngữ.

TS Marian Dent dẫn thực tế tại Nga, nước này vừa có sự phối hợp vừa phân chia cụ thể cho cả giáo viên tiếng Anh và chuyên gia pháp lý trong việc giảng dạy. Chẳng hạn, với các chương trình luật đòi hỏi hàm lượng kiến thức cao, các luật sư hoặc thạc sĩ, tiến sĩ có chuyên môn, thành thạo tiếng Anh sẽ giảng dạy. Ngược lại, với những nội dung như soạn thảo hợp đồng, thương thảo, giao tiếp cơ bản thì giáo viên tiếng Anh có thể dạy.


Một số hình ảnh khác:


PGS.TS Lê Vũ Nam - Phó Hiệu trưởng tặng hoa và quà cảm ơn Ông Ryan McKean - Đại diện Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Việt Nam

 

Trao thư cảm ơn cho chuyên gia điều phối các phiên trong Hội thảo



Tin và hình ảnh: Phòng Truyền thông