Nhằm tạo diễn đàn để các nhà khoa học trong nước và quốc tế bàn luận về các vấn đề pháp lý, kinh tế, thương mại, khai thác, quản lý và bảo vệ tài nguyên thuỷ sản biển cũng như kinh nghiệm của các quốc gia trong khu vực và thế giới trong việc tháo gỡ “thẻ vàng” do EU áp đặt. Trường Đại học Kinh tế - Luật, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh (ĐHQG-HCM) phối hợp với Trường Đại học Liège-Vương quốc Bỉ đồng tổ chức Hội thảo khoa học quốc tế “Khung pháp lý quốc tế và Việt Nam về khai thác thuỷ sản bền vững, có trách nhiệm” .
Hội thảo có sự tham gia của hơn 200 đại biểu, chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý có uy tín trong các lĩnh vực pháp luật, kinh tế, chính trị và quan hệ quốc tế đến từ Việt Nam, Cộng hòa Ireland và Vương quốc Bỉ.
Về phía Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có bà Nguyễn Thị Trang Nhung, Phó Vụ trưởng, Vụ Khoa học Công nghệ và Hợp tác Quốc tế, Tổng cục Thuỷ sản, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
Về phía địa phương có ông Ngô Tất Thắng, PGD Sở NN&PTNT Quảng Ninh; Quảng Trọng Thao, PGD Sở NN&PTNT tỉnh kiên Giang; Phạm Thị Na, PGD Sở NN&PTNT tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu.
Về phía Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thuỷ sản - VASEP có ông Nguyễn Hoài Nam, Phó tổng thư ký Hiệp hội.
Về phía các đơn vị đồng tổ chức hội thảo: PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng, Nguyên Bí thư Đảng uỷ, Nguyên Hiệu trưởng nhà Trường; GS.TS Philip Vincent, Trường Đại học Liege, Vương Quốc Bỉ; PGS. TS Lê Vũ Nam, Phó Bí thư Đảng uỷ, Phó Hiệu trưởng, Trưởng Ban tổ chức.
Hơn 200 đại biểu, chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý có uy tín trong các lĩnh vực pháp luật, kinh tế, chính trị và quan hệ quốc tế đến từ Việt Nam, Cộng hòa Ireland và Vương quốc Bỉ cùng tham gia hội thảo
Khai mạc hội thảo PGS.TS Lê Vũ Nam cho biết: Hội thảo thực sự là diễn đàn để các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý, kinh doanh, nghiên cứu, giảng dạy của Việt Nam và quốc tế bàn luận về khung pháp luật quốc tế và Việt Nam đối với khai thác thuỷ sản bền vững, có trách nhiệm và biện pháp chế tài đối với hành vi đánh bắt cá bất hợp pháp, không có báo cáo, không theo quy định; khuyến nghị giải pháp tháo gỡ thẻ vàng cho ngành thuỷ sản Việt Nam.
PGS.TS Lê Vũ Nam Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế - Luật, Trưởng Ban Tổ chức Hội thảo phát biểu khai mạc
Phát biểu tại hội thảo, Ông Nicolas Dervaux, đại diện Chính phủ Vùng Wallonie và Chính phủ Cộng đồng người Bỉ nói tiếng Pháp (Wallonie-Bruxelles) tại Việt Nam cho rằng hội thao hôm nay sẽ hỗ trợ củng cố hệ thống pháp lý của Việt Nam trong khai thác thủy sản bền vững. Hoạt động này sẽ góp phần thay đổi suy nghĩ và hành vi của ngư dân Việt Nam về những thực tiễn đánh bắt hải sản đúng đắn phù hợp với luật pháp.
Ông Nicolas Dervaux, Đại diện Chính phủ Vùng Wallonie và Chính phủ Cộng đồng người Bỉ nói tiếng Pháp (Wallonie-Bruxelles) tại Việt Nam, đơn vị tài trợ chính cho Hội thảo phát biểu qua Video
Trên cơ sở UNCLOS, Liên hợp quốc và Tổ chức Nông lương thực thế giới – FAO đã xây dựng và cụ thể hóa các nguyên tắc quản lý nghề cá bền vững, có trách nhiệm với các công cụ pháp lý ràng buộc và tự nguyện gồm: Hiệp định thúc đẩy tuân thủ các biện pháp quốc tế về bảo tồn và quản lý thực hiện bởi tàu cá tại vùng biển quốc tế năm 1993; Hiệp định Thực thi các quy định UNCLOS về bảo tồn và quản lý đàn cá lưỡng cư và di cư xa năm 1995; Bộ quy tắc ứng xử của FAO về nghề cá có trách nhiệm năm 1995; Kế hoạch hành động quốc tế ngăn chặn, giảm thiểu và loại trừ đánh bắt cá bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định - IPOA-IUU năm 2001; Hiệp định về các biện pháp của quốc gia có cảng trong việc ngăn ngừa, chấm dứt và loại bỏ IUU năm 2009 và nhiều Hướng dẫn quan trọng khác của FAO nhằm xây dựng nghề cá quốc tế bền vững, có trách nhiệm, góp phần hạn chế, ngăn ngừa và loại bỏ IUU.
Là khu vực tiên phong trong việc xây dựng và thực thi các biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn, kiểm soát và loại bỏ hành vi đánh bắt cá bất hợp pháp, không có báo cáo và không theo quy định (Illegal Unreported and Unregulated fishing -IUU), EU đã ban hành Chiến lược phòng chống IUU nhằm hoàn thiện Chính sách nghề cá chung của EU trong việc kiểm soát các sản phẩm có nguồn gốc từ IUU thâm nhập vào thị trường EU. Trên cơ sở Chiến lược về phòng chống IUU và Chính sách nghề cá chung, ngày 29/9/2008, Ủy ban Châu Âu đã ban hành Quy định số 1005/2008 nhằm thực hiện Chiến lược của EU về phòng chống IUU thông qua việc áp đặt các biện pháp thương mại đối với tàu cá và các quốc gia ủng hộ IUU có hiệu lực từ ngày 01/01/2010. Với Quy định này, EU đã chính thức thiết lập một hệ thống trên toàn EU nhằm ngăn chặn và loại bỏ việc nhập khẩu các sản phẩm hải sản được bị khai thác IUU vào thị trường EU. Tính đến nay, EU đã cảnh báo thẻ vàng và phạt thẻ đỏ đối với 26 quốc gia và vùng lãnh thổ trong đó có Việt Nam. Sau khi bị EU cảnh báo thẻ vàng vào ngày 23/10/2017, Việt Nam đã nhanh chóng, nghiêm túc thực hiện tổng thể các biện pháp từ ban hành đến thực thi pháp luật về quản lý, khai thác, bảo tồn nguồn lợi thuỷ sản phù hợp với các khuyến nghị của EU nhằm tháo gỡ thẻ vàng. Đồng thời, quyết tâm xây dựng ngành thuỷ sản Việt Nam có trách nhiệm, phát triển hiện đại, bền vững phù hợp với pháp luật quốc tế.
Chương trình Hội thảo diễn ra bao gồm 04 phiên với 08 tham luận được trình bày bao gồm:
Phiên 1: Luật quốc tế và pháp luật Việt Nam về khai thác thuỷ sản
Tham luận 1: Tổng quan pháp luật quốc tế về khai thác thuỷ sản trên biển - GS.TS Nguyễn Bá Diến, Chủ tịch Hội đồng Viện nghiên cứu khoa học biển và Hải đảo, Liên hiệp các Hội khoa học kỹ thuật Việt Nam
Tham luận 2: Đánh bắt cá bất hợp pháp, không có báo cáo, không theo định: Nguyên nhân, tác động tiêu cực và một số khuyến nghị cho Việt Nam và các quốc gia trong khu vực Biển Đông – PGS.TS Ngô Hữu Phước, Trường ĐH Kinh tế - Luật.
GS.TS Nguyễn Bá Diến, Chủ tịch Hội đồng Viện nghiên cứu khoa học biển và Hải đảo, Liên hiệp các Hội khoa học kỹ thuật Việt Nam và PGS.TS Ngô Hữu Phước, giảng viên khoa Luật Kinh tế, Trường ĐH Kinh tế - Luật trình bày hai tham luận mở đầu cho Hội thảo trong phiên 1.
Phiên 2: Mô hình quản lý nghề cá của một số quốc gia-kinh nghiệm cho Việt Nam
Tham luận 1: Mô hình hợp tác nghề cá khu vực và thế giới - TS. Nguyễn Toàn Thắng, Viện Trưởng Viện Luật So sánh, Trường ĐH Luật Hà Nội
Tham luận 2: Mô hình quản lý nghề cá của Ireland - Kinh nghiệm cho Việt Nam - TS. Laurie Nicola O’Keeffe
Phiên 3 các biện pháp chế tài đối với hành vi đánh bắt cá bất hợp pháp, không có báo cáo, không theo quy định.
Tham luận 1: Khung chế tài đối với hành vi IUU theo pháp luật của EU - GS Phillipe Vincent
Tham luận 2: Khung pháp lý cho hợp tác của ASEAN chống lại IUU - Vai trò, thách thức và giải pháp - PGS.TS. Trần Thăng Long, Trường Đại học Luật TP.Hồ Chí Minh.
Phiên 4: Khuyến nghị giải pháp tháo gỡ thẻ vàng của eu cho ngành thuỷ sản Việt Nam
Tham luận 1: Tháo gỡ thẻ vàng của EC cho nghề cá Việt Nam: nguyên nhân và giải pháp khắc phục tình trạng khai thác bất hợp pháp vùng biển nước ngoài - TS.Tô Văn Phương, Trưởng phòng Đào tạo, trường Đại học Nha Trang
Tham luận 2: Chương trình giám sát nhập khẩu thuỷ sản của Hoa Kỳ dưới góc so sánh và một số khuyến nghị cho Việt Nam - TS.Vũ Kim Hạnh Dung, Trường Đại học Kinh tế-Luật, Đại học Quốc gia TP.HCM
TS.Vũ Kim Hạnh Dung, Trường Đại học Kinh tế-Luật trình bày tham luận Chương trình giám sát nhập khẩu thuỷ sản của Hoa Kỳ dưới
góc so sánh và một số khuyến nghị cho Việt Nam
Bà Nguyễn Thị Trang Nhung, Phó Vụ trưởng, Vụ Khoa học
Công nghệ và Hợp tác Quốc tế, Tổng cục Thuỷ sản, Bộ Nông nghiệp và Phát triển
nông thôn trao đổi tại Hội thảo
Hội thảo khoa học quốc tế “Khung pháp lý quốc tế và Việt Nam về khai thác thuỷ sản bền vững và có trách nhiệm" diễn ra trong hai buổi sáng và chiều ngày 15/7/2022 đã làm sáng rõ khung pháp luật quốc tế, pháp luật Việt Nam và giải pháp góp phần tháo gỡ thẻ vàng của EU đối với thuỷ sản Việt Nam nhằm xây dựng ngành Thuỷ sản Việt Nam phát triển bền vững, có trách nhiệm phù hợp với pháp luật quốc tế.Trên cơ sở kết quả hội thảo, Ban tổ chức sẽ tập hợp và kiến nghị với Chính phủ và các cơ quan chức năng một số biện pháp hiệu quả nhằm góp phần tháo gỡ “thẻ vàng” cho ngành thuỷ sản Việt.
Một số hình ảnh tại Hội thảo:
Thực hiện: CCA
Thông tin trên báo chí:
1. Báo Lao động
2. Báo Bình Thuận
3. Báo Sài Gòn Giải phóng
4. Báo Pháp luật TP. Hồ Chí Minh