Kỷ niệm 145 năm ngày sinh Luật sư Phan Văn Trường

Luật sư Phan Văn Trường là một học giả uyên bác, tinh thông văn hóa kim cổ đông tây, và là một trí thức yêu nước, tiến bộ. Ông đã dành trọn cả cuộc đời cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, bảo vệ công lý. Đặc biệt, ông được biết đến là tổ nghề luật sư ở Việt Nam và cũng là Tiến sĩ luật đầu tiên của Việt Nam.

 

 

  Phan Văn Trường sinh ngày 25/9/1876 tại xã Đông Ngạc, Từ Liêm, Hà Nội. Từ nhỏ, ông đã thể hiện sự thông minh và cần cù, ham học hỏi của bản thân. Vì thông thạo chữ Hán, chữ Quốc ngữ và tiếng Pháp nên sau khi tốt nghiệp trường thông ngôn ở Hà Nội, ông đảm nhận vị trí thông ngôn viên tại Văn phòng Phủ Thống đốc xứ Bắc kỳ.

 

Cuối năm 1908, Phan Văn Trường sang Pháp. Nhờ bản tính siêng học, chăm chỉ, ông vừa làm giáo viên phụ giảng tiếng Việt tại Trường Ngôn ngữ và Văn Minh Đông phương (Ecole des Langues Orientales) vừa học hai ngành học là Luật và Văn Khoa tại Đại học Sorbonne, Paris. Chỉ sau vài năm, Phan Văn Trường trở thành cử nhân hai ngành cùng lúc. Năm 1912, ông tham gia đoàn luật sư Paris và hành nghề ở Toà Thượng Thẩm. Cùng thời gian đó, “ Hội Đồng bào thân ái” – hội người Việt đầu tiên trên thế giới cũng được thành lập bởi Phan Văn Trường và Phan Chu Trinh. Phan Văn Trường hoàn thành luận văn tiến sĩ luật loại xuất sắc vào năm 1918. Phan Văn Trường chính thức trở thành tiến sĩ luật, luật sư đầu tiên của Việt Nam.

 

Tại Hội nghị Hoà Bình ở Versailles, ông cùng các nhà yêu nước như Nguyễn Tất Thành, Phan Chu Trinh, Nguyễn Thế Truyền viết “Bản yêu sách của nhân dân An Nam” dưới bút hiệu là Nguyễn Ái Quốc. Phan Văn Trường chính là người gửi bản công bố bằng tiếng Pháp trên các báo ở Paris- khiến cho Chính phủ Pháp lúc bấy giờ phải bối rối.  

 

Cuối năm 1923, Phan Văn Trường chính thức về nước để tiếp tục đấu tranh cho độc lập của dân tộc bằng sự kết hợp giữa pháp luật và báo chí. Một trong các thành tựu của ông như xuất bản báo “Chuông rè” (La Cloche Fêlee) và “Nước Nam” (L’Annam) – cùng với Nguyễn An Ninh; đăng một số bài viết trên các tờ báo “Người cùng khổ”(của Hội Liên hiệp Thuộc địa), “ Nhân đạo” (của Đảng Cộng sản Pháp), “ Diễn đàn thông tin quốc tế” (của Quốc tế cộng sản)… Đặc biệt, ông là người đầu tiên đăng “Tuyên ngôn Đảng Cộng sản của Karl Marx và Friedrich Engels” lên báo,…

 

Ngày 21/7/1927, sau khi bị bắt và khám nhà với tội danh “ kích động dân bản xứ nổi loạn”, ông đã được tại ngoại do không tìm được bằng chứng buộc tội nhưng sau đó, ông không tham gia chủ nhiệm báo mà tham gia Đoàn Luật sư Nam Kỳ. 

 

Không chỉ có một đời hoạt động cách mạng và pháp luật hăng hái, Luật sư Phan Văn Trường cũng có những đóng góp to lớn cho văn hoá như đề xướng việc dùng chữ Quốc ngữ là văn tự cho người Việt. Dù đã ra đi, nhưng tấm gương về lòng yêu nước, kiên trì, dũng cảm và ham học của ông luôn là niềm tự hào để thế hệ sau noi theo. 

 

Câu nói nổi bật của Luật sư Phan Văn Trường: “Pháp luật hay dở, tốt xấu, là bởi tại quốc dân mà ra cả. Hễ quốc dân khôn, biết rằng dân là quốc gia, quốc gia là dân, nghĩa là quyền quốc gia là quyền cả dân, thời pháp luật tất phải hợp ý quốc dân”.

 

Là nhân vật tiêu biểu, danh nhân trong lĩnh vực luật và thể theo nguyện vọng của giảng viên, sinh viên của Trường Đại học Kinh tế - Luật, tượng của Ông đã được trang trọng đặt tại Vườn tượng danh nhân trong khuôn viên Trường

 

  Thực hiện: Khoa Luật tổng hợp

Nguồn tham khảo:
Thanh Hoa (TTXVN), Luật sư Phan Văn Trường- tấm gương sáng về trí tuệ và nhân cách, xem TẠI ĐÂY, truy cập ngày 15/9/2021.
Anh Tú- Mai Thảo, Nhớ về ông – Luật sư Phan Văn Trường, xem TẠI ĐÂY