Kỷ niệm 231 năm ngày mất của Adam Smith, người đặt nền tảng cho lý thuyết kinh tế thị trường tự do

Adam Smith sinh ngày 16 tháng 6 năm 1723 (có tài liệu nói không rõ ngày sinh, chỉ có ngày rửa tội là ngày 5 tháng 6 năm 1723) tại thị trấn nhỏ Kirkcaldy ở Scotland.

Lúc nhỏ Ông theo học tại trường Burgh tại Kirkcaldy, một trong những trường trung học tốt nhất của Scotland tại thời điểm đó. Năm 14 tuổi A. Smith đã nhập học Đại học Glasgow và nghiên cứu triết học đạo đức chịu ảnh hưởng của Francis Hutcheson. Tại đây, ông đã phát triển niềm đam mê của ông về tự do, lý trí, và tự do ngôn luận. Tốt nghiệp năm 1740, Adam Smith nhận được một học bổng để tiếp tục theo học tại Đại học Oxford. Năm 1746, khi trở lại Glasgow, Adam Smith được nhận làm giảng sư tại Đại học Edinburgh với nhiệm vụ phụ trách các buổi thuyết trình công, đây là một hình thức giáo dục với tinh thần cải tiến được các nhà trí thức thời đó ưa chuộng. 

 

Năm 1751, ở tuổi 27 A. Smith đã được mời làm giáo sư logic học tại Đại học Glasgow và một năm sau, trở thành giáo sư môn triết học luân lý, một môn học bao gồm các ngành thần học tự nhiên, đạo đức học, luật học và kinh tế chính trị học. 

Năm 1764, Smith rời Glasgow để bắt đầu cuộc hành trình khắp lục địa châu  u với tư cách gia sư cho Henry, công tước tương lai xứ Buccleuch. Trong chuyến du hành, Smith gặp gỡ nhiều nhà trí thức hàng đầu Châu  u như Voltaire, Rousseau và Quesnay... Sau khi trở về Anh, A. Smith đã bỏ ra 12 năm để thu thập dữ liệu, quan sát hoạt động sản xuất trong các nhà máy, tranh luận với và trao đổi với bạn bè, giới chính trị và học giả tại Scotland, Anh và Pháp… để đến năm 1776, Ông hoàn thành và xuất bản cuốn sách nổi tiếng: “Nguồn gốc sự giàu có của các dân tộc” hay “Của cải của các dân tộc”, là kiệt tác của ông và tác phẩm hiện đại đầu tiên của kinh tế học, được xem như là bản Tuyên ngôn về nền kinh tế thị trường.

Năm 1783, ông là thành viên sáng lập Viện hàn lâm hoàng gia Edinburgh. Ông qua đời tại đây vào ngày 17 tháng 7 năm 1790.

Điểm xuất phát trong nghiên cứu của A.Smith là nhân tố “con người kinh tế”. Theo ông, xã hội là liên minh những quan hệ trao đổi và thiên hướng trao đổi là đặc tính vốn có của con người. Khi tiến hành trao đổi sản phẩm lao động cho nhau thì người ta bị chi phối bởi lợi ích cá nhân của mình, mỗi người chỉ biết và chạy theo tư lợi, chịu sự tác động của “bàn tay vô hình”. Với sự tác động này, con người kinh tế vừa chạy theo tư lợi vừa đồng thời thực hiện một nhiệm vụ không nằm trong dự kiến đó là đáp ứng lợi ích chung của xã hội. Theo ông trong nhiều trường hợp, người ta đáp ứng lợi ích chung của xã hội còn tốt hơn lợi ích riêng của cá nhân mặc dù điều đó không dự định trước. Ông viết: “Không phải vì lòng nhân từ của người bán thịt, người sản xuất la-ve (bia), hoặc người làm bánh mà ta mong có cho bữa ăn của ta; nhưng chỉ vì cái tư lợi của chính họ".

Theo A.Smith, “bàn tay vô hình” đó là sự hoạt động của các quy luật kinh tế khách quan. Ông quan niệm hệ thống các quy luật kinh tế khách quan là một “trật tự tự nhiên”. Để có sự hoạt động của trật tự tự nhiên này thì cần phải có những điều kiện nhất định. Đó là sự tồn tại và phát triển của sản xuất và trao đổi hàng hóa, cần phải có tự do sản xuất, tự do liên doanh, liên kết, mậu dịch tự do… Ông đề nghị nhà nước không nên can thiệp vào nền kinh tế, nhà nước chỉ có chức năng là bảo vệ quyền sở hữu tư bản; đấu tranh chống kẻ thù bên ngoài; chống phần tử tội phạm trong nước… Đôi khi nhà nước cũng có nhiệm vụ kinh tế, khi nhiệm vụ này vượt quá mức của một doanh nghiệp, như: xây dựng đường sá, đào sông, xây dựng các công trình lớn khác... Ông cho rằng “ quy luật kinh tế là vô địch, mặc dù chính sách kinh tế có thể kìm hãm hay thúc đẩy sự hoạt động của các quy luật kinh tế”.

Như vậy, Adam Smith đã đặt nền tảng cho lý thuyết kinh tế thị trường tự do. Các tư tưởng của Ông cho đến nay vẫn còn giá trị cao, có ảnh hưởng sâu rộng đến nhiều nhà kinh tế học, nhà tư tưởng, các chính trị gia và mang tính thời sự như mới ngày hôm qua.

Là nhân vật tiêu biểu, danh nhân trong lĩnh vực kinh tế và thể theo nguyện vọng của giảng viên, sinh viên của Trường Đại học Kinh tế - Luật, tượng của Ông đã được trang trọng đặt tại Vườn tượng danh nhân trong khuôn viên Trường. 

                                                                                 Tổng hợp và giới thiệu: PGS.TS Đỗ Phú Trần Tình
Tài liệu tham khảo:
Lịch sử các học thuyết kinh tế, Mai  Ngọc Cường, Nxb Chính trị Quốc gia
Lịch sử các học thuyết kinh tế, Robert B. EKELUND, Robert F. HEBERT, Nxb Thống kê
50 Nhà kinh tế tiêu biểu, Steven Pressman, Nxb Lao động