Với vai trò là cơ sở đào tạo kinh tế, kinh doanh và luật uy tín, ngày 11/4/2025, Trường Đại học Kinh tế - Luật, ĐHQG-HCM (UEL) tổ chức Tọa đàm “Chính sách thuế đối ứng của Hoa Kỳ và tác động đến Việt Nam”, thể hiện sự quan tâm của Trường đối với các vấn đề xã hội và luôn mong muốn đưa thực tiễn vào giảng dạy, nghiên cứu.
Ngày 02/4/2025, Tổng thống Mỹ Donald Trump ký sắc lệnh hành pháp công bố chính sách thuế quan mới, trong đó áp mức thuế đối ứng 46% lên hàng hóa nhập khẩu từ Việt Nam, có hiệu lực từ ngày 09/4/2025. Song đến ngày 09/4, Tổng thống Trump đã thông báo tạm dừng kế hoạch áp thuế đối ứng trong 90 ngày đối với tất cả các đối tác thương mại không trả đũa Hoa Kỳ, trong đó có Việt Nam.
Trao đổi tại Tọa đàm, ThS.LS. Nguyễn Tiến Hòa - Luật sư cao cấp, Công ty Luật TNHH ASL ví những ngày tháng 4 vừa qua như “một show diễn với nhiều biến động, bi hài lẫn lộn”. Chính sách thuế đối ứng của Mỹ cũng được ví như trận “cuồng phong” có sức tàn phá khủng khiếp đối với thương mại toàn cầu.

Tọa đàm thu hút sự quan tâm, tham gia của nhiều chuyên gia, đại diện cơ quan quản lý nhà nước, doanh nghiệp, sinh viên, học viên cao học và nghiên cứu sinh của UEL
Tính toán đơn giản, tác động phức tạp
Theo phân tích của TS Vũ Kim Hạnh Dung - Trưởng bộ môn Luật Thương mại quốc tế, Khoa Luật Kinh tế, UEL - mức thuế 46% được tính dựa trên tỷ lệ thặng dư thương mại của Việt Nam với Mỹ (123,5/136,6 tỷ USD ~ 90,34%) rồi chia đôi, sau đó làm tròn. Về lý thuyết, đây là cách tính “tương hỗ giảm nửa”, được Tổng thống Trump mô tả là “kind reciprocal” - sự tử tế. Nhưng trên thực tế, đây là cách tiếp cận dễ gây tổn hại cho bên bị áp thuế.
“Thuế đối ứng là một loại thuế thuộc nhóm biện pháp phòng vệ thương mại của Hoa Kỳ, chỉ mới được áp dụng trong thời gian gần đây. Đối với Việt Nam, thuế đối ứng được áp dụng nhằm hướng đến các vấn đề lẩn tránh xuất xứ và gian lận xuất xứ” - Ông Trần Ngọc Bình - Trưởng phòng Quản lý Xuất nhập khẩu, Khu vực TP. Hồ Chí Minh, Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương cho biết.
Cũng theo ông Bình, với vấn đề chống gian lận xuất xứ, Việt Nam có thể dễ dàng giải quyết bằng cách tăng cường kiểm tra, siết chặt nguyên liệu đầu vào. Song vấn đề lẩn tránh xuất xứ đòi hỏi cách xử lý khéo léo hơn, tránh ảnh hưởng đến mối quan hệ với các nước khác. Vì vậy, nước ta cần tăng cường thực thi quyết định về việc chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại và gian lận xuất xuất, đặc biệt sớm ban hành văn bản quy phạm pháp luật (nghị định) với những quy định cụ thể về sản phẩm sản xuất tại Việt Nam.

Ông Trần Ngọc Bình trình bày tham luận về các quy tắc xuất xứ hàng hóa trong form B và một số lưu ý khi xuất khẩu vào thị trường Hoa Kỳ trong tình hình hiện nay
Doanh nghiệp Việt cần minh bạch và giảm phụ thuộc vào Hoa Kỳ
Hoa Kỳ hiện là đối tác thương mại lớn thứ hai và là thị trường xuất khẩu quan trọng của Việt Nam. Tính riêng trong năm 2024, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Hoa Kỳ đạt gần 120 tỷ USD, chiếm khoảng 30% tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước. Vì vậy, chính sách áp thuế đối ứng của Hoa Kỳ trước mắt sẽ tác động trực tiếp và rõ rệt nhất đến xuất khẩu, tập trung vào các ngành như dệt may, gỗ và sản phẩm từ gỗ, thép và kim loại, thủy sản, điện tử và linh kiện, chế biến thực phẩm.
“90 ngày tạm hoãn áp thuế là cơ hội để Việt Nam chủ động đàm phán và kiểm chứng lại chuỗi cung ứng cũng như thích ứng và tìm kiếm các thị phần mới” - ThS.LS Hòa chia sẻ.
Đồng thời, LS Hòa cũng gợi ý trong 90 ngày này, doanh nghiệp cần đánh giá lại cấu trúc chi phí dự kiến cho hoạt động xuất khẩu sang thị trường Hoa Kỳ, chủ động đàm phán lại các điều khoản hợp đồng với đối tác và tối ưu hóa quy trình sản xuất nhằm giảm thiểu tác động trực tiếp từ việc áp thuế cao. Bên cạnh đó, doanh nghiệp nên theo dõi sát sao các chính sách hỗ trợ từ chính phủ, chủ động giảm sự phụ thuộc vào thị trường Hoa Kỳ và giảm gia công, gia tăng giá trị hàng hoá.

ThS.LS. Nguyễn Tiến Hòa phân tích về tác động của chính sách thuế đối ứng Hoa Kỳ đến Việt Nam, khuyến nghị chính sách cho chính phủ và giải pháp ứng phó dành cho doanh nghiệp
“Một trong những điểm mấu chốt để doanh nghiệp Việt Nam tránh bị áp thuế là tuân thủ nghiêm ngặt quy tắc xuất xứ hàng hóa, đặc biệt là trong hồ sơ khai báo theo mẫu Form B - mẫu phổ biến khi xuất khẩu sang Hoa Kỳ trong bối cảnh Việt Nam - Hoa Kỳ chưa có FTA (Hiệp định thương mại tự do). Các doanh nghiệp cần chú trọng đến chuyển đổi mã số hàng hóa (CTC), áp dụng đúng công thức tính giá trị nội địa (LVC) và minh bạch hóa các công đoạn sản xuất. Ngoài ra, cần đặc biệt lưu ý khi sử dụng hóa đơn thương mại từ bên thứ ba hoặc xuất khẩu hàng hóa gia công” - ông Bình khuyến cáo thêm.
Tọa đàm “Chính sách thuế đối ứng của Hoa Kỳ và tác động đến Việt Nam” không chỉ là diễn đàn để các chuyên gia cùng trao đổi thảo luận mà còn là cơ hội để sinh viên, học viên cao học, nghiên cứu sinh của Trường tiếp cận thêm nhiều góc nhìn mới, ứng dụng thực tiễn vào quá trình học tập.

PGS.TS Ngô Hữu Phước chủ trì tổ chức tọa đàm
"Tọa đàm đã mang đến nhiều góc nhìn sắc sảo với hơn 20 ý kiến trao đổi, thảo luận và cơ bản giải quyết được những vấn đề nóng như bức tranh toàn cảnh về thuế đối ứng của Hoa Kỳ và ảnh hưởng, tác động đối với Việt Nam, các doanh nghiệp cần làm gì để ứng phó… Những chia sẻ của chuyên gia đã mang đến cho người học và cả giảng viên của Trường những góc nhìn khoa học, thực tiễn. Đặc biệt, nội dung của tọa đàm cũng như các vấn đề đang diễn ra càng minh chứng rõ hơn về sức hút và vai trò của ngành Luật và Luật Kinh tế trên thị trường lao động” - PGS.TS Ngô Hữu Phước - Phó Trưởng khoa phụ trách Khoa Luật Kinh tế chia sẻ tổng kết tọa đàm.
Một số hình ảnh khác tại Tọa đàm:

Ban tổ chức tọa đàm trao thư cảm ơn sự tham gia chia sẻ của các diễn giả

TS.LS. Danny Duy - Global Attorney, Partner D Law Group đang làm việc tại Hoa Kỳ, chia sẻ tổng quan về chính sách thuế đối ứng

Tọa đàm diễn ra thành công với các ý kiến, chia sẻ sắc sảo vừa thể hiện tính khoa và giá trị thực tiễn về vấn đề thuế được đông đảo dư luận quan tâm
Tin và hình ảnh: Phòng Truyền thông