Nghị quyết 98 vừa là thời cơ, vừa là thách thức của TP. Hồ Chí Minh

Nghị quyết 98/2023/QH15 được Quốc hội thông qua ngày 24/6/2023, về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM (Nghị quyết 98). Đến nay, sau hơn một năm triển khai thực hiện, Nghị quyết đã tạo cơ sở pháp lý để phát huy các tiềm năng của thành phố, song vẫn còn nhiều vướng mắc.

 


Chiều 22/11/2024, Trường Đại học Kinh tế - Luật, ĐHQG-HCM phối hợp cùng Hội đồng Hiệu trưởng khối ngành Chính trị - Pháp luật và Hội đồng Nhân dân TP.Thủ Đức tổ chức Hội thảo khoa học “Cơ chế và chính sách đặc thù phát triển về đầu tư cho TP.HCM nhìn từ Nghị quyết 98/2023/QH15”.

Thời cơ và thách thức đan xen

 

“Nghị quyết 98 vừa là thời cơ vừa là thách thức đan xen đối với TP.HCM nói chung, TP.Thủ Đức nói riêng. Do đó quá trình triển khai phải theo tinh thần đổi mới, sáng tạo, nhưng vẫn đảm bảo hành lang pháp lý hiện hành, với quyết tâm cao nhất là có thể xây dựng nền tảng nhận thức trong hệ thống chính trị và nhân dân thực sự khoa học, gắn với định hướng Nghị quyết 31 của Bộ Chính trị về phương hướng nhiệm vụ phát triển TP.HCM đến năm 2030, tầm nhìn 2045” - Ông Kiều Ngọc Vũ - Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng nhân dân TP.Thủ Đức chia sẻ.

 

Ông Kiều Ngọc Vũ phát biểu đề dẫn Hội thảo


Dưới góc độ nghiên cứu, TS Cao Thị Thuỳ Như - Giảng viên Khoa Luật, Trường Đại học Kinh tế - Luật trình bày về việc “Hợp tác công tư trong lĩnh vực thể thao theo tinh thần Nghị quyết 98 - Nhìn từ kinh nghiệm triển khai dự án sân vận động tổ chim ở Trung Quốc”. Theo đó, thể thao là lĩnh vực không được đầu tư bằng phương thức đối tác công tư theo Luật đầu tư theo phương thức đối tác công tư năm 2020, nhưng được phép triển khai ở TP.HCM theo cơ chế đặc thù của Nghị quyết 98. 

 

TP.HCM cũng đã ban hành danh mục dự án kêu gọi đầu tư về các dự án thể thao xuất phát từ nhu cầu của thành phố. Dù vậy, việc triển khai những dự án này trên thực tế (từ khâu chuẩn bị dự án, lựa chọn nhà đầu tư, ký kết và thực hiện hợp đồng dự án) là một quá trình dài và phức tạp. “Nếu không có một sản phẩm dự kiến tốt (thể hiện trong Báo cáo nghiên cứu khả thi), dự án có thể sẽ không thu hút được nhà đầu tư hoặc sẽ trở thành gánh nặng cho các bên liên quan trong giai đoạn thực hiện hợp đồng dự án” - TS Thùy Như cho biết.

 

TS Cao Thị Thuỳ Như trình bày tham luận về hợp tác công tư trong lĩnh vực thể thao theo tinh thần Nghị quyết 98

 

Nhiều vướng mắc về khung pháp lý khi triển khai

 

Với việc phát triển đô thị theo định hướng giao thông công cộng (Transit Oriented Development - TOD) thực hiện theo Nghị quyết 98, TS Châu Phụng Chi - Phó Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường Quận 1, TP.HCM cũng chia sẻ nhiều khó khăn, vướng mắc. 


Theo nghị quyết, TP.HCM sẽ thí điểm mô hình phát triển đô thị theo định hướng TOD. Thành phố đã thông qua danh mục 07 vị trí phát triển dọc tuyến Metro số 1, Metro số 2, tuyến Vành đai 3. Theo đó, những khu đất quanh nhà ga metro sẽ tăng hệ số sử dụng đất, tăng mật độ dân số để thu hút và phục vụ người dân cư trú. Tuy nhiên, qua một năm, TP. HCM vẫn chưa thể có TOD đường sắt đô thị hay TOD đường Vành đai 3. 


“Dù Nghị quyết 98 cho phép thí điểm, nhưng cũng cần một nền tảng pháp lý cụ thể hơn để làm cơ sở pháp lý thực hiện. Sự thành công của cơ chế đặc thù phụ thuộc nhiều vào việc ban hành các quy định hướng dẫn chi tiết dưới luật/nghị quyết của Quốc hội, nhất là trong đấu giá quyền sử dụng đất công; xây dựng chiến lược, kế hoạch quản lý, sử dụng đất; quy chế bảo đảm công bằng, công khai, minh bạch, trách nhiệm giải trình trong thu hồi, đền bù giải phóng mặt bằng, đấu giá quyền sử dụng đất…” - TS Phụng Chi trình bày trong tham luận.

 

TS Phụng Chi nêu những vướng mắc thành phố gặp phải khi triển khai phát triển đô thị theo định hướng giao thông công cộng

 

Các ý kiến khác thảo luận tại Hội thảo cũng đề cập đến những vướng mắc về khung pháp lý. Nghị quyết 98 “cho” TP.HCM nói chung, TP.Thủ Đức nói riêng thẩm quyền để thực hiện các cơ chế, chính sách đặc thù nhằm thúc đẩy việc đầu tư ngành, nghề ưu tiên thu hút nhà đầu tư chiến lược, quản lý khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo, tổ chức bộ máy của chính quyền TP.HCM và TP.Thủ Đức. 

 

Tuy nhiên theo các đại biểu tham dự và ý kiến kết luận của PGS.TS Lê Vũ Nam - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế - Luật thì Nghị quyết 98 “chỉ mới trao thẩm quyền nhưng chưa có hướng dẫn rõ ràng về việc thực hiện thẩm quyền”.

 

“Đã là cơ chế, chính sách đặc thù thì Nghị quyết 98 phải có điểm vượt trội, bứt phá hơn so với những quy định chung. Với những vướng mắc, khó khăn trong quá trình triển khai, TP.Thủ Đức và các cơ quan, tổ chức có liên quan nên rà soát lại những nội dung ưu tiên, tạo thành bản kiến nghị gửi đến các bộ ngành có liên quan trong từng lĩnh vực để có câu trả lời cụ thể” - PGS.TS Vũ Nam đề xuất.

 

Ông Kiều Ngọc Vũ, PGS.TS Lê Vũ Nam và PGS.TS Nguyễn Thị Hồng Nhung - Trưởng khoa Luật, Trường Đại học Kinh tế - Luật chủ trì phần thảo luận của Hội thảo

 

PGS.TS Nguyễn Đình Tứ - Chánh Văn phòng ĐHQG-HCM cũng đề xuất TP.Thủ Đức có thể thành lập tổ công tác, cử các thành viên của Ủy ban nhân dân thành phố phối hợp cùng các chuyên gia về luật để từ thực tiễn làm việc và nghiên cứu kỹ về Nghị quyết 98 sẽ có hướng làm việc và đề xuất hợp lý hơn.

“Điều nào của Nghị quyết còn chưa rõ, còn vướng mắc trong triển khai thì kiến nghị cơ quan có thẩm quyền làm rõ. Điều nào đã rõ, có thể thực hiện thì mạnh dạn triển khai đúng tinh thần nghị quyết. Đặc biệt, các đơn vị cần chọn những nội dung ưu tiên và cấp thiết để tập trung kiến nghị, giải quyết” - PGS.TS Đình Tứ chia sẻ.

 

PGS.TS Nguyễn Đình Tứ đề xuất TP.Thủ Đức thành lập tổ công tác nghiên cứu và tìm hiểu kỹ hơn về Nghị quyết 98


Hội thảo còn có phần tham luận của TS Vũ Thế Hoài - Phó Trưởng Khoa Luật, Trường Đại học Sài Gòn về “Tác động của Nghị quyết 98/2023/QH15 đối với việc đầu tư phát triển nhà ở xã hội trên địa bàn TP.HCM”; và tham luận của ThS Lưu Văn Tấn - Giám đốc Trung tâm Phát triển hạ tầng kỹ thuật TP.Thủ Đức về “Phát triển đô thị gắn kết với định hướng phát triển giao thông công cộng (TOD) tại TP.Thủ Đức theo NQ98/2023/QH15”.

Sau Hội thảo, các vấn đề trao đổi và kiến nghị sẽ được Ban tổ chức tổng hợp thành văn bản gửi đến các cơ quan nhà nước có thẩm quyền, tạo cơ sở để tháo gỡ kịp thời những vướng mắc và có cơ chế chỉ đạo phù hợp. Mặt khác, nội dung của Hội thảo cũng được đúc kết trong Kỷ yếu với 24 bài tham luận tập trung vào 5 nhóm vấn đề chính, bao gồm: Tổng quan về đầu tư theo Nghị quyết 98/2023/QH15; Hình thức hợp tác công tư PPP; Đầu tư bất động sản và môi trường; Đầu tư về môi trường và năng lượng; và Đầu tư trong các lĩnh vực khác.

 

Hội thảo có sự tham dự của đại diện các cơ quan, đơn vị thuộc TP.Thủ Đức, các nhà nghiên cứu, nhà làm luật, giảng viên, nghiên cứu sinh của các trường đại học tại TP.HCM và đông đảo sinh viên Trường Đại học Kinh tế - Luật


Tin và hình ảnh: Phòng Truyền thông