Fintech (công nghệ tài chính) đang phát triển tương đối nhanh, ngày càng tăng về sản phẩm, dịch vụ và cải thiện về chất lượng. Ngày 23/10/2024, Trường Đại học Kinh tế - Luật, ĐHQG-HCM (UEL) phối hợp với Viện Kinh tế Việt Nam - Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam tổ chức Tọa đàm khoa học “Phát triển Fintech trong bối cảnh mới: Kinh nghiệm quốc tế, thực trạng trong nước và giải pháp chính sách” để thảo luận sâu hơn về các vấn đề này.
Tăng trưởng nhanh về số lượng và thu hút đầu tư lớn
Trong phần chia sẻ về sự phát triển thị trường Fintech tại Việt Nam, TS Lê Xuân Sang - Phó Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam,Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam cho biết từ năm 2013 - 2023, số lượng các công ty Fintech đã tăng khoảng 4,5 lần, từ 42 công ty vào cuối năm 2013 lên 187 công ty vào năm 2023.
Không chỉ tăng trưởng về số lượng, trong vòng 10 năm, các công ty khởi nghiệp Fintech thanh toán tại Việt Nam cũng thu hút khoảng 1,04 tỷ USD, các dịch vụ tài chính cũng nhận được đầu tư 495 triệu USD.
TS Lê Xuân Sang - Phó Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam,Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam chia sẻ tại Tọa đàm
“Những số liệu và thực trạng này cho thấy sự năng động và triển vọng phát triển của ngành Fintech trong nước. Song xét cụ thể từng năm và so với các nước Asean thì thị trường Fintech Việt Nam vẫn còn những bất cập và hạn chế. Số lượng và quy mô của các công ty Fintech còn nhỏ, đa số đang ở giai đoạn sơ khai và gặp nhiều khó khăn trong việc mở rộng phạm vi hoạt động, nhất là tới các vùng nông thôn, vùng sâu vùng xa, nơi có hạ tầng công nghệ thông tin chưa phát triển” - TS Xuân Sang nhận định.
Nói riêng về ngân hàng số - một phần của Fintech, PGS.TS Trần Hùng Sơn - Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển Công nghệ ngân hàng ĐHQG-HCM cũng nêu về những khó khăn của ngân hàng số khi phát triển trên thị trường. Các yếu tố về khung pháp lý đối với các công ty Fintech trong việc đảm bảo giấy phép ngân hàng số là một rào cản lớn.
PGS.TS Trần Hùng Sơn trình bày về Khuôn khổ pháp lý đối với ngân hàng số: kinh nghiệm quốc tế và hàm ý chính sách cho Việt Nam
Phát triển Fintech trong bối cảnh mới: Cần những giải pháp gì?
Với thực trạng hiện tại, các khách mời là những người nghiên cứu về Fintech đến từ Trường Đại học Kinh tế - Luật, từ Viện Kinh tế Việt Nam và các đơn vị cùng lĩnh vực, đã thảo luận và đề xuất một số giải pháp phát triển thị trường Fintech.
Theo PGS.TS Nguyễn Anh Phong, cần nhìn nhận đầy đủ và có sự phối hợp, cùng phát triển của cả 6 nhóm đối tượng trong hệ sinh thái Fintech, bao gồm Chính phủ, các tổ chức tài chính truyền thống, khách hàng tài chính, nhà phân phối công nghệ, các công ty khởi nghiệp Fintech, nhà cung cấp dịch vụ tài chính.
“Đặc biệt, để thị trường công nghệ tài chính thực sự phát triển, việc xây dựng cơ chế thử nghiệm có kiểm soát (sandbox) dành cộng đồng khởi nghiệp Fintech là rất cần thiết. Đây sẽ là một trung tâm, một không gian làm việc chung, nơi các công ty khởi nghiệp có thể làm việc, tổ chức các sự kiện liên quan đến Fintech và là nơi các nhà đầu tư, các công ty đã thành danh có thể đến và tham gia với các công ty khởi nghiệp; từ đó thúc đẩy và củng cố hệ thống các doanh nghiệp Fintech tại Việt Nam nói chung và tại TPHCM nói riêng” - PGS.TS Anh Phong nhấn mạnh.
PGS.TS Nguyễn Anh Phong nêu Thực tiễn và giải pháp phát triển Fintech tại TP. HCM
Các giải pháp khác từ phía chính phủ trong việc điều chỉnh chính sách, hoàn thiện khung pháp lý về công nghệ tài chính; thu hút FDI trên thị trường chứng khoán và tạo điều kiện để các công ty Fintech niêm yết trên sàn; hoặc thúc đẩy hợp tác quốc tế để đảm bảo sự giám sát và thực thi pháp lý nhất quán giữa các quốc gia khi triển khai ngân hàng số,… cũng được các khách mời tham gia tọa đàm đề xuất và trao đổi.
Tin và hình ảnh: Phòng Truyền thông