Sơ kết hoạt động 6 tháng đầu năm 2024: UEL đạt hoặc tiệm cận đến các chỉ tiêu cốt lõi trong cả năm

Với các chỉ tiêu như tỷ lệ giảng viên có trình độ Tiến sĩ, chức danh Giáo sư/Phó giáo sư, đạt chứng chỉ ngoại ngữ IELTS từ 6.5 trở lên... trong 6 tháng đầu năm, Trường Đại học Kinh tế - Luật, ĐHQG-HCM (UEL) đã đạt từ 91 - 96,6% so với mục tiêu cả năm 2024.

 

Đây là những kết quả được nêu ra tại Hội nghị sơ kết hoạt động 6 tháng đầu năm 2024 của UEL, diễn ra trong 2 ngày 11 - 12/7. Theo đó, trong 8 chỉ tiêu cốt lõi của Trường năm nay, tính đến ngày 30/6 hiện có hơn một nửa đã đạt hoặc tiệm cận đến mục tiêu năm như chất lượng giảng viên, chất lượng chương trình đào tạo (CTĐT) hoàn tất đánh giá, tỷ lệ lan tỏa công bố quốc tế thuộc danh mục WoS/Scopus,…

 

Đặc biệt, về tỷ lệ giảng viên có trình độ Tiến sĩ/tổng số giảng viên khoa, khoa Toán Kinh tế đã đạt 73,33% (so với 75% chỉ tiêu giao kết) và khoa Kinh tế đạt 56,52% (so với 58,33% chỉ tiêu giao kết). Ba khoa: Tài chính - Ngân hàng, Kế toán - Kiểm toán và Luật kinh tế đã vượt chỉ tiêu giao kết về tỷ lệ giảng viên có chứng chỉ IELTS từ 6.5 trở lên…

 

“So với cùng kỳ năm trước và cả năm 2023, trong 6 tháng đầu năm 2024, các chỉ tiêu cốt lõi của Trường cơ bản đã đạt. Về công tác phát triển đội ngũ, chất lượng các khoa đào tạo, đơn vị quản lý có sự thay đổi và những tín hiệu tích cực. Đồng hành với các đơn vị hoàn thành chỉ tiêu giao kết, Trường đã và đang thực hiện nhiều giải pháp như chính sách thu hút nhân tài theo chương trình VNU350, bổ nhiệm viên chức quản lý để hoàn thành cơ cấu đơn vị, thực hiện dự thảo đề án chi trả thu nhập mới, hoàn thiện dự thảo cơ chế khen thưởng…” - ThS Võ Văn Trọng - Trưởng phòng Phòng Hành chính, báo cáo tại Hội nghị.

 

 

Riêng việc thực hiện các nhiệm vụ chung của ĐHQG-HCM, nửa đầu năm 2024, Trường Đại học Kinh tế - Luật hoàn thành cơ bản các khía cạnh về quản trị đại học, khoa học công nghệ và đào tạo như:

 

  • Thành lập Viện Quốc tế UEL (là tổ chức khoa học và công nghệ công lập, có tư cách pháp nhân, có con dấu và tài khoản riêng, trực thuộc Trường);
  • Thực hiện 5 nhiệm vụ đặt hàng của ĐHQG-HCM, đăng ký 17 đề tài cấp ĐHQG-HCM thực hiện năm 2025;
  • Tổ chức thành công Hội thảo khoa học quốc tế UEL - SEB;
  • Xây dựng đề án CTĐT ngành Tài chính - Ngân hàng (dạy và học bằng tiếng Anh);
  • Xây dựng kế hoạch triển khai chương trình Co-op “Công nghệ tài chính” và “Hệ thống thông tin quản lý”;
  • Xây dựng và phát triển CTĐT liên trường chương trình “Kinh doanh thương mại Hàn Quốc”, “Kinh tế đất đai”; thủ tục hồ sơ mới CTĐT thạc sĩ ngành Thương mại điện tử, chuyên ngành Phân tích dữ liệu trong CTĐT ngành Toán kinh tế.


Song song với những chỉ tiêu đã đạt, nhiệm vụ đã hoàn thành, các hoạt động tại UEL vẫn còn một số hạn chế, như hoạt động chuyển đổi số. Báo cáo Hội nghị sơ kết chỉ ra: một số nhân sự chưa sử dụng thành thạo và tương tác thường xuyên trên văn phòng điện tử (VPĐT) - kênh tương tác công việc, truyền thông nội bộ chính thức của Trường; quy trình chuyển đổi số trong hoạt động của các đơn vị chưa đồng bộ, chưa có sự quan tâm đúng mức...

 

Chia sẻ về vấn đề này, PGS.TS Hoàng Công Gia Khánh - Hiệu trưởng nhà trường nói: “Chuyển đổi số phụ thuộc lớn vào tư duy và nhận thức của người thực hiện, đặc biệt là vai trò của người lãnh đạo. Không phải công nghệ mà chiến lược sẽ dẫn dắt chuyển đổi số và khó khăn lớn nhất của quá trình này là thay đổi thói quen, thách thức lớn nhất là thay đổi nhận thức. Hiện UEL đang từng bước hướng đến mô hình đại học số, đòi hỏi tất cả giảng viên, viên chức và người lao động cùng nghiêm túc thực hiện mục tiêu này”.

 

Mục tiêu trọng tâm trong 6 tháng cuối năm 2024:
  1. Quản trị nguồn nhân lực hiệu quả thông qua việc thu hút giảng viên trình độ tiến sĩ, kiến tạo lộ trình phát triển nhân sự UEL, đổi mới cơ chế đãi ngộ dành cho nhân sự.
  2. Triển khai việc đào tạo đại học 3 học kỳ chính từ năm học 2024 - 2025 và triển khai hiệu quả các đề án đào tạo liên ngành, liên trường với các trường thành viên trong ĐHQG-HCM.
  3. Thực hiện các giải pháp đổi mới mô hình, gia tăng ứng dụng công nghệ để kiến tạo môi trường dạy và học trên nền tảng số, chuyển đổi số công tác quản lý đào tạo.
  4. Nâng cao năng lực nghiên cứu khoa học cho viên chức, người lao động và người học; tăng cường và đột phá về công bố quốc tế và chương trình mentor, mentee.
  5. Đa dạng hoá nội dung hợp tác quốc tế, thu hút hợp tác quốc tế.
  6. Triển khai Kế hoạch tổ chức các hoạt động chào mừng 25 năm Ngày truyền thống Trường (06/11/2000 – 06/11/2024).
  7. Hoàn thiện đề án phân phối thu nhập theo hướng tích cực, động viên, khuyến khích viên chức - người lao động cống hiến, gia tăng nguồn thu cho trường.
  8. Tiếp tục triển khai đầu tư và xây dựng hạ tầng, công nghệ đảm bảo nền tảng vận hành của trường đại học xanh và tự chủ trong kỷ nguyên số.


Một số hình ảnh khác:

 


Tại hội nghị, Trường Đại học Kinh tế - Luật công bố và trao quyết định bổ nhiệm nhân sự: ThS Bùi Hoàng Mol - Phó Trưởng phòng, Phòng Hợp tác phát triển và ThS Hồ Thị Liên - Phó Trưởng phòng, Phòng Quản trị tài sản

 


Đại biểu tham dự Hội nghị chia thành 4 tổ để thảo luận các giải pháp thực hiện các nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2024

 

TS Trần Thanh Long - Trưởng phòng Phòng Quản trị tài sản trình bày về quy trình mua sắm, đấu thầu và những lưu ý quan trọng khi thực hiện

 

Các dự thảo về mô hình hoạt động của cộng đồng Cựu người học - UEL Alumni được ThS Cù Xuân Tiến - Trưởng phòng Phòng Tuyển sinh và Công tác sinh viên trình bày

 

PGS.TS Đoàn Thị Phương Diệp - Trưởng phòng Phòng Thanh tra - Pháp chế thông tin đến Hội nghị các vấn đề về tuyển dụng, sử dụng, quản lý và đánh giá, xếp loại viên chức theo Nghị định 48/2023 và NĐ 85/2023

 

Các dự thảo về việc chi trả thu nhập khi điều chỉnh mức lương cơ sở từ 1/7 và dự kiến chính sách thu nhập mới cho viên chức, người lao động của UEL do ThS Ngô Lê Mạnh Hiếu - Phó Trưởng phòng Phòng Nhân sự trình bày, thu hút sự trao đổi tại Hội nghị.

 

Tin và hình ảnh: Phòng Truyền thông