Sửa đổi Bộ luật Tố tụng dân sự 2015: tòa án có nên thu thập chứng cứ?

Thẩm quyền của tòa án và nghĩa vụ, trách nhiệm của đương sự trong tố tụng dân sự là vấn đề được nêu ra và thảo luận sôi nổi tại Hội thảo khoa học “Hướng đến hoàn thiện Bộ luật Tố tụng dân sự 2015” (BLTTDS 2015) do Chi hội Luật gia Trường ĐH Kinh tế - Luật (UEL) phối hợp cùng khoa Luật tổ chức vào sáng 12/6/2024 tại Trường.

 

Ban chủ tọa và điều phối Hội thảo gồm PGS.TS Nguyễn Ngọc Điện - Cố vấn cao cấp Viện Pháp luật Quốc tế và So sánh; Luật gia Ung Thị Xuân Hương - Phó Chủ tịch Hội Luật gia TP.HCM; PGS.TS. Nguyễn Thị Hồng Nhung - Trưởng khoa Luật, UEL


Đương sự nên tự bảo vệ quyền và lợi ích của mình


Theo đó, trong phần tham luận “Bàn về thẩm quyền thu thập chứng cứ của tòa án trong tố tụng dân sự”, Luật gia (LG) Huỳnh Thị Nam Hải - ThS, giảng viên khoa Luật, UEL bày tỏ sự tán thành với đề xuất bãi bỏ thẩm quyền thu thập chứng cứ của Toà án trong lĩnh vực Tố tụng dân sự. 

LG. Nam Hải nói: “Thẩm phán nên và chỉ nên giữ vị trí trung lập để đảm bảo sự công bằng trong xét xử. Nếu tòa án thu thập chứng cứ và xét xử dựa trên những chứng cứ đó thì có thể dẫn đến việc không đảm bảo tính khách quan và công bằng, ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người dân. Thêm nữa, một trong những nguyên tắc cơ bản trong tố tụng dân sự là quyền quyết định và tự định đoạt của đương sự, vì vậy, đương sự có quyền yêu cầu tòa án giải quyết các vụ việc dân sự để bảo vệ cho quyền và lợi ích của mình”. 

 

 

Luật gia Nam Hải trình bày tham luận


LG. Ung Thị Xuân Hương - Phó Chủ tịch Hội Luật gia TP.HCM ủng hộ quan điểm này, tuy nhiên LG nhấn mạnh: Để trách nhiệm của đương sự phát huy hiệu quả thì bộ luật cần phải hoàn thiện và quy định rõ hơn về trách nhiệm của các bên có liên quan và chế tài xử phạt hợp lý đối với hành vi vi phạm.


Quyền lực từ toà án và trách nhiệm của hệ thống 

 

Từ thực tế công việc, Luật sư (LS) Đỗ Văn Khánh - Công ty Luật TNHH K&C Century cho rằng trong các vụ việc dân sự, tiếng nói của toà án luôn có quyền lực và sức mạnh hơn bất kỳ ai (đương sự - người dân, luật sư...). Mặc dù trong BLTTDS 2015 có quy định về mức xử phạt hành chính từ 100.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với cá nhân (gấp 2 lần đối với tổ chức) nếu không thực hiện yêu cầu về việc cung cấp tài liệu, chứng cứ mà người đó đang quản lý, lưu giữ, song quy định này vẫn chưa hiệu quả. Hầu hết các vụ án dân sự hiện nay bị hoãn hoặc kéo dài đều vì thiếu sự hợp tác về việc cung cấp chứng cứ.

“Phải có quy định cụ thể hoặc giải pháp hỗ trợ, đủ chế tài tác động để các cá nhân, tổ chức thực hiện trách nhiệm và chịu trách nhiệm về việc cung cấp chứng cứ, trước khi thông qua dự thảo về việc toà án không có nghĩa vụ thu thập chứng cứ trong tố tụng dân sự” - LS Khánh nói.


Luật sư Khánh chia sẻ, trao đổi trong Hội thảo

 

Ngay Kỳ họp thứ 6 Quốc hội khoá XV, dự thảo về thẩm quyền thu thập chứng cứ của toà án đã được các đại biểu Quốc hội, luật sư và luật gia thảo luận và đưa ra những ý kiến trái chiều. “Dù luật quy định toà án hay đương sự - người dân thực hiện trách nhiệm thu thập chứng cứ thì vẫn chưa đi đến tận cùng vấn đề, chưa giải quyết tận gốc” - PGS.TS Nguyễn Ngọc Điện, Cố vấn cao cấp Viện Pháp luật Quốc tế và So sánh UEL nhận định.


Theo PGS.TS Ngọc Điện, điều chúng ta cần làm là sửa đổi về cách ứng xử của hệ thống phục vụ công, để dù cho người dân hay toà án yêu cầu thì họ đều hỗ trợ. Hiện một số cơ quan, tổ chức có suy nghĩ “giữ” thông tin vì lợi ích của nhà nước và xã hội, không muốn cung cấp cho người dân. Hoặc người dân, đặc biệt là các đối tượng yếu thế chưa hiểu rõ luật, chưa biết cách tiếp cận các cơ quan có thẩm quyền để tìm chứng cứ. 


“Vì vậy, thay vì đề xuất sửa đổi Bộ luật Tố tụng dân sự thì điều quan trọng hơn là cần có những quy tắc, quy định điều chỉnh hành vi, cách ứng xử của hệ thống dịch vụ công để họ chủ động hỗ trợ quá trình thu thập chứng cứ” - PGS.TS Ngọc Điện kết luận.

 

  

Đại diện BTC tặng quà cảm ơn các diễn giả có bài tham luận


Hội thảo khoa học “Hướng đến hoàn thiện BLTTDS 2015” thu hút hơn 100 luật gia, luật sư, thẩm phán, kiểm sát viên, giảng viên, sinh viên và các nghiên cứu sinh trong và ngoài Trường tham dự. Ngoài tham luận của LG Nam Hải, hội thảo còn 3 tham luận khác, bao gồm:


  • “Kiến nghị sửa đổi Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 về đại diện” do Thẩm phán Nguyễn Huy Hoàng - Phó chánh án Tòa án nhân dân Huyện Khánh Sơn, tỉnh Khánh Hòa trình bày;
  • “Hoàn thiện pháp luật về khởi kiện vụ án dân sự trong trường hợp chủ thể các quyền dân sự là nhóm dễ bị tổn thương hoặc trường hợp liên quan đến lợi ích công nhưng không có người đứng ra khởi kiện” do Kiểm sát viên Nguyễn Nam Hưng - Viện Kiểm sát nhân dân TP.HCM trình bày;
  • “Đình chỉ giải quyết vụ án dân sự do đương sự không nộp tiền tạm ứng chi phí tố tụng” - LS Trà Thị Thu Thảo - Công ty Luật TNHH Sure Law trình bày;


Nhìn chung, 4 bài tham luận tập trung đánh giá thực trạng và đề xuất các giải pháp để hoàn thiện, cải cách pháp luật về tố tụng dân sự 2015 trong bối cảnh hiện nay. Ngoài ra, Hội thảo còn thu hút hơn 30 bài viết tham gia, Ban tổ chức sẽ biên tập và xuất bản có mã số ISBN. Những ý kiến, đề xuất của các đại biểu, khách mời tham dự cũng sẽ đóng góp tích cực vào quá trình hình thành nên cơ sở lý luận cũng như thực tiễn cho việc xây dựng chính sách, pháp luật tại Việt Nam.


Một số hình ảnh khác tại Hội thảo:

 

 PGS.TS Lê Vũ Nam - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế - Luật phát biểu khai mạc Hội thảo

 

PGS.TS Lê Vũ Nam tặng quà cảm ơn Ban chủ tọa và điều phối Hội thảo

 

Đại diện BTC tặng quà cảm ơn nhà tài trợ Hội thảo

 

Hội thảo thu hút hơn 100 luật gia, luật sư, thẩm phán, kiểm sát viên, giảng viên, sinh viên và các nghiên cứu sinh trong và ngoài Trường tham dự

 

BTC và các khách mời, người tham dự chụp ảnh lưu niệm sau Hội thảo

 

Tin và hình ảnh: Phòng Truyền thông