UEL mở chương trình đào tạo từ xa và 3 chuyên ngành mới từ năm 2025

Hội đồng Khoa học và Đào tạo Trường Đại học Kinh tế - Luật, ĐHQG-HCM (UEL) đã thông qua Đề án đào tạo từ xa và chủ trương mở chuyên ngành Công nghệ - Tài chính trình độ thạc sĩ, chuyên ngành Luật dân sự (chương trình dạy và học bằng tiếng Anh) trình độ cử nhân và chuyên ngành Logistics & quản lý chuỗi cung ứng trình độ cử nhân.


Kỳ họp lần thứ ba Hội đồng Khoa học và Đào tạo nhiệm kỳ IV diễn ra tại Trường Đại học Kinh tế - Luật và kết nối trực tuyến với các thành viên đang công tác tại nước ngoài


Đào tạo từ xa ngành Kế toán và ngành Thương mại điện tử


Trong bối cảnh phát triển của công nghệ thông tin và sự thay đổi mạnh mẽ trong nhu cầu tiếp cận tri thức của người học, đào tạo từ xa trở thành xu hướng quan trọng và cấp thiết trong giáo dục đại học hiện đại. Hiện Trường Đại học Kinh tế - Luật đã hoàn thiện Đề án đào tạo từ xa ngành Kế toán và ngành Thương mại điện tử.


Theo ThS Hoàng Thọ Phú - Trưởng phòng, Phòng Bảo đảm chất lượng nhà trường nói chung và 2 đơn vị phụ trách ngành Kế toán và Thương mại điện tử nói riêng đã sẵn sàng triển khai chương trình. Hiện Khoa Kế toán - Kiểm toán và Khoa Hệ thống thông tin đảm bảo các môn cốt lõi của ngành đều đã triển khai đào tạo Mooc - Massive Open Online Course; đội ngũ giảng viên đã được tham gia nhiều khóa học, tập huấn về đào tạo từ xa, khoa cũng có chương trình thí điểm để thầy cô thích ứng với chương trình này.


ThS Hoàng Thọ Phú trình bày đề án chương trình đào tạo từ xa, dự kiến mở trong năm 2025


“Để hoạt động dạy và học có chất lượng thì ngoài giáo trình chính, tất cả môn học trong chương trình đào tạo đều có tài liệu học tập từ xa, do thầy cô phụ trách biên soạn và thiết kế riêng. Các tài liệu này sẽ có sẵn trên hệ thống trực tuyến, để người học tiện truy cập và sử dụng” - ThS Thọ Phú nói.


Ngoài ra, theo đề án mỗi môn học trong chương trình đều sẽ có một nền tảng trực tuyến (forum) để người học tham gia thảo luận cùng nhau và cùng giảng viên. Đội ngũ hỗ trợ học tập sẽ đồng hành xuyên suốt để theo dõi, đốc thúc tiến độ học tập, giải đáp thắc mắc và hỗ trợ người học. Dự kiến, chương trình đào tạo từ xa sẽ học trực tuyến 100% và thi trực tiếp tại các trạm đào tạo ở địa phương.


Tại kỳ họp, Hội đồng Khoa học và Đào tạo của Trường đã thông qua Đề án này. Theo lộ trình, tổ Đề án sẽ hoàn thiện hồ sơ, trình ĐHQG-HCM phê duyệt và thực hiện các thủ tục khác để có thể mở chương trình trong năm 2025. 


Mở chuyên ngành mới: đúng quy định, đúng nhu cầu


Cũng tại Kỳ họp, PGS.TS Nguyễn Anh Phong - Trưởng Khoa, Khoa Tài chính - Ngân hàng đã trình bày chủ trương mở chuyên ngành Công nghệ - Tài chính trong chương trình đào tạo (CTĐT) ngành Tài chính - Ngân hàng trình độ thạc sĩ. PGS.TS Nguyễn Thị Hồng Nhung - Trưởng khoa, Khoa Luật nêu các thông tin và chủ trương mở chương trình dạy học tiếng Anh chuyên ngành Luật dân sự trình độ đại học. Chuyên ngành Logistics và quản lý chuỗi cung ứng trong CTĐT ngành Kinh doanh quốc tế trình độ đại học cũng được TS Hoàng Lâm Cường - Trưởng Khoa, Khoa Kinh tế đối ngoại trình bày.


Theo đó, cả 3 chuyên ngành/chương trình này đều được xây dựng dựa trên nhu cầu thực tiễn của xã hội, là những lĩnh vực “hot”, được đông đảo người học quan tâm lựa chọn. Đồng thời, các khoa cũng đã thực hiện đối sánh cấu trúc, nội dung chương trình; chuẩn đầu ra; quá trình vận hành… với các trường đại học uy tín trong và ngoài nước đã và đang triển khai những chuyên ngành này. 


Chủ tịch Hội đồng Trường chia sẻ ý kiến về các đề án chương trình/chuyên ngành mới


“Tôi đồng ý với các chủ trương mở mới 3 chuyên ngành này. Tất cả đều có tính cấp thiết và xã hội đang cần. Song nhà trường cần quan tâm, cập nhật thường xuyên về các quy định của Bộ Giáo dục & Đào tạo để quá trình vận hành CTĐT và hoạt động của Trường đúng quy định nhưng vẫn đảm bảo sự vận động, phát triển và nhu cầu nhân lực của xã hội” - PGS.TS Lê Tuấn Lộc - Chủ tịch Hội đồng Trường chia sẻ.


Riêng về chuyên ngành Luật dân sự dạy và học bằng tiếng Anh và chương trình đào tạo từ xa, PGS.TS Tuấn Lộc lưu ý Trường cần chuẩn bị sẵn sàng, kỹ lưỡng về tài liệu học tập: giáo trình Luật bằng tiếng Anh sẽ có những đặc thù cần quan tâm; học liệu số và nền tảng, hạ tầng trực tuyến cũng cần đáp ứng tốt.


Kỳ họp lần thứ ba của Hội đồng Khoa học và Đào tạo nhiệm kỳ IV (2022 - 2027) đã bỏ phiếu và thông qua quyết nghị về việc mở chương trình đào tạo từ xa và 3 chuyên ngành mới với sự đồng thuận cao. 

 

Một số hình ảnh khác tại Kỳ họp:

 

TS Nguyễn Vĩnh Khương - Phó Trưởng phòng phụ trách, Phòng SĐH & KHCN báo cáo về hoạt động khoa học công nghệ


TS Nguyễn Hoàng Dũng - Phó Trưởng phòng phụ trách, Phòng Đào tạo báo cáo về hoạt động đào tạo 

 

Hiệu trưởng Hoàng Công Gia Khánh điều phối phần thảo luận, lấy ý kiến tại kỳ họp


GS.TS Nguyễn Thị Cành - Chủ tịch Hội đồng liên ngành Kinh tế - Luật - Quản lý ĐHQG-HCM, thành viên Hội đồng Khoa học và Đào tạo Trường chia sẻ nhiều ý kiến hữu ích trong quá trình đào tạo và vận hành các chương trình/chuyên ngành đào tạo mới

 

Tin và hình ảnh: Phòng Truyền thông