Liên quan đến nghiên cứu về ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) vào ngành luật tại Việt Nam, nhóm nghiên cứu của UEL đã xây dựng một bộ cơ sở dữ liệu ứng dụng AI vào việc xử lý dữ liệu văn bản, phân tích dữ liệu từ các bộ luật, rà soát thuật ngữ giữa các bộ luật, nhằm tìm ra sự bất thống nhất trong việc sử dụng các thuật ngữ này.
Tại tọa đàm “Tham vấn ý kiến chuyên gia về bộ cơ sở dữ liệu thuật ngữ chuyên ngành luật” do Trường Đại học Kinh tế - Luật, ĐHQG-HCM (UEL) tổ chức, PGS.TS Võ Trí Hảo - Chuyên gia cao cấp, Viện Pháp luật Quốc tế và So sánh (IICL-UEL) chia sẻ: Thực tiễn hiện nay có nhiều loại ngôn ngữ thông dụng như ngôn ngữ sử dụng thông thường, ngôn ngữ báo chí, ngôn ngữ của các chính trị gia, ngôn ngữ sử dụng trong văn bản quy phạm pháp luật, ngôn ngữ sử dụng trong khoa học pháp lý,.... dẫn đến sự chồng chéo, khó để vận dụng và tìm kiếm trong các văn bản quy phạm pháp luật.
Vì vậy, PGS.TS Võ Trí Hảo cho rằng cần có một công cụ để tổng hợp, trích xuất các thuật ngữ pháp lý nhằm tránh xung đột khi sử dụng. Bộ cơ sở dữ liệu (CSDL) ứng dụng AI được giới thiệu trong tọa đàm này là công cụ sơ khởi để thực hiện trích xuất các thuật ngữ định nghĩa trong văn bản pháp luật khi tra cứu và nhóm nghiên cứu mong nhận được những góp ý, đề xuất để hoàn thiện.

TS Đào Gia Phúc – Viện trưởng IICL-UEL phát biểu khai mạc tọa đàm

PGS.TS Võ Trí Hảo giới thiệu về Đề án
Nhóm nghiên cứu đã tiến hành thu thập bộ văn bản luật từ 256 Bộ luật hiện hành và 35.940 Thông tư, Nghị quyết, Quyết định, Nghị định, thông qua các bước kỹ thuật, kiểm tra để đưa ra bộ CSDL gồm 4.910 thuật ngữ, 2.400 thuật ngữ được truy xuất ngược thành công, 700 thuật ngữ được giữ lại và đảm bảo đạt tiêu chuẩn chất lượng.

TS Lê Hoành Sử - Trưởng khoa Hệ thống thông tin UEL trình bày về “Ứng dụng AI trong xây dựng bộ CSDL về thuật ngữ chuyên ngành luật ở Việt Nam”

TS Nguyễn Thị Thúy Hạnh – Khoa Hệ thống thông tin UEL trình bày về “Tổng quan ứng dụng AI trong đào tạo luật và một số đề xuất”
Tham dự tọa đàm, TS Dương Văn Thịnh - Giám đốc quốc gia Cemtes International (Singapore) cho rằng có rất nhiều loại dữ liệu được sinh ra về cả độ lớn và độ đa dạng. Do đó, đề án cần đảm bảo có nguồn CSDL lớn và ngôn ngữ tương thích với CSDL lớn đi kèm nguồn lực mạnh để thực hiện. Theo TS. Thịnh thì quan trọng nhất vẫn là nguồn dữ liệu, nhóm nghiên cứu cần đặc biệt lưu ý việc lựa chọn nguồn.

TS Dương Văn Thịnh cho rằng nguồn dữ liệu là quan trọng nhất
Luật sư Phạm Xuân Sang - Chủ tịch Trung tâm Trọng tài Thương nhân Việt Nam đánh giá cao tính ứng dụng của đề án. Tuy nhiên, luật sư Sang đề xuất phân loại thuật ngữ trong bộ CSDL về các lĩnh vực pháp luật riêng nhằm thuận tiện cho việc tra cứu cũng như cân nhắc về hiệu lực của các thuật ngữ này tương ứng với hiệu lực của các văn bản quy phạm pháp luật.

Luật sư Phạm Xuân Sang đánh giá cao tính ứng dụng của đề án
Đồng tình với ý kiến của luật sư Sang, PGS.TS Ngô Hữu Phước - Phó Trưởng khoa phụ trách, khoa Luật Kinh tế UEL cho rằng cần sắp xếp, phân loại thuật ngữ theo từng lĩnh vực pháp luật. “Trong bối cảnh hiện nay, luật không thể tách rời khỏi công nghệ, khoa Luật Kinh tế cũng đang xây dựng chuyên ngành đào tạo ‘Luật và công nghệ mới’, từng bước ứng dụng AI vào đào tạo lĩnh vực luật” – ông Phước chia sẻ thêm.

PGS.TS Ngô Hữu Phước góp ý nhiều vấn đề liên quan đến ứng dụng AI vào nghiên cứu, đào tạo luật
Nhóm nghiên cứu ghi nhận các ý kiến tại tọa đàm để chỉnh sửa và ban hành các phiên bản mới của bộ CSDL, đảm bảo trải nghiệm tốt nhất cho người dùng. Bên cạnh đó, từ các sản phẩm nghiên cứu khác của đề án, nhóm nghiên cứu sẽ có các báo cáo, đề xuất về chính sách gửi các cơ quan có thẩm quyền.

Ban tổ chức cùng các đại biểu, nhà khoa học tham dự chụp hình lưu niệm
Trên cơ sở ứng dụng trí tuệ nhân tạo vào ngành luật tại Việt Nam hiện nay, UEL được ĐHQG-HCM giao nhiệm vụ thực hiện đề án khoa học và công nghệ: “Xây dựng cơ sở dữ liệu về việc sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI) trong lĩnh vực pháp luật và ứng dụng AI trong đào tạo các ngành luật”, do PGS.TS Võ Trí Hảo làm chủ nhiệm.
Một trong các mục tiêu của đề án là tạo dữ liệu đầu vào và dùng AI phân tích, tìm ra các thuật ngữ có rủi ro chồng chéo trong hệ thống pháp luật Việt Nam, từ đó đưa ra khuyến nghị cách hạn chế các hậu quả pháp lý phát sinh từ các thuật ngữ pháp lý có nguy cơ xung đột hoặc thiếu rõ ràng này.
Tin và hình ảnh: Phòng Truyền thông