UEL xuất sắc thực hiện Đề án "Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025"

Nhóm nghiên cứu Trường Đại học Kinh tế - Luật đã bảo vệ thành công nhiệm vụ đề tài “Nghiên cứu, đề xuất hoàn thiện cơ chế đặc thù hỗ trợ khởi nghiệp thí điểm tại các địa phương có nhu cầu và tiềm lực phát triển hoạt động khởi nghiệp sáng tạo” do PGS.TSKH Phạm Đức Chính chủ nhiệm đạt loại xuất sắc.

 

Buổi bảo về đề tài 

 

Được biết đề tài thuộc Đề án: “Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025”, theo Quyết định 844/QĐ-TTg ngày 18/5/2016 của Thủ tướng Chính phủ với nhiệm vụ hoàn thành 47 Báo cáo Chuyên đề khoa học nghiên cứu cơ sở lý thuyết, cơ chế chính sách hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, và khả năng vận dụng phù hợp với thực tiễn đặc thù của từng địa phương có tiềm lực, tiềm năng phát triển khởi nghiệp ở Việt Nam, là các thành phố: Hà Nội, Hồ Chí Minh, Đà Nẵng và Cần Thơ.

 

PGS.TSKH Phạm Đức Chính bảo vệ đề tài trước hội đồng

 

Đề tài được thực hiện trong giai đoạn 2019 - 2022 và đạt được những kết quả hết sức ấn tượng như:

 

Thứ nhất, xác định được rõ cơ sở khoa học của khởi nghiệp đổi mới sáng tạo và sự cần thiết phải xây dựng Hệ sinh thái khởi nghiệp quốc gia để hỗ trợ đổi mới sáng tạo trên bình diện chung và cụ thể đặc thù địa phương có tiềm lực, tiềm năng phát triển ở Việt Nam;


Thứ hai, tìm hiểu kinh nghiệm hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo ở các quốc gia tiên tiến và những địa phương tiêu biểu trên thế giới có đặc điểm tương đồng để vận dụng cho các thành phố là: Hà Nội, Hồ Chí Minh, Đà Nẵng và Cần Thơ;


Thứ ba, đánh giá đầy đủ thực trạng và đề xuất các giải pháp về hiện trạng cơ chế hỗ trợ tài chính; cơ sở vật chất-kỹ thuật; thủ tục cấp phép sử dụng lao động nước ngoài; khai thác các nguồn lực của viện, trường phục vụ khởi nghiệp; thủ tục cấp phép thử nghiệm, công nhận, lưu hành, đăng ký bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ và quy định về kiểm tra, thử nghiệm sản phẩm mới đang vận hành tại 4 thành phố: Hà Nội, Hồ Chí Minh, Đà Nẵng và  Cần Thơ.


Thứ tư, đánh giá tác động của cơ chế đặc thù hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo đang áp dụng thí điểm từ kết quả khảo sát thực tế tại các thành phố lớn có tiềm lực, tiềm năng phát triển khởi nghiệp: Hà Nội, Hồ Chí Minh, Đà Nẵng và Cần Thơ, trên cơ sở đó đưa ra các khuyến nghị cho phát triển khởi nghiệp từng địa phương theo đặc thù vùng miền trong tương lai.

 

Thành viên nhóm đề tài chụp ảnh lưu niệm tại buổi bảo vệ

 

“Nghiên cứu, đề xuất hoàn thiện cơ chế đặc thù hỗ trợ khởi nghiệp thí điểm tại các địa phương có nhu cầu và tiềm lực phát triển hoạt động khởi nghiệp sáng tạo” là đề tài đầu tiên thuộc Đề án 844/QĐ-TTg bảo vệ thành công với kết quả rất khích lệ không chỉ cho nhóm nghiên cứu, mà còn ghi nhận sự hỗ trợ đầy trách nhiệm của Trường Đại học Kinh tế - Luật, ĐHQG-HCM trong việc đóng góp những đề xuất hữu ích đối với cộng đồng, doanh nghiệp, tư vấn và phản biện các chính sách vĩ mô của nhà nước cho sự phát triển của nền kinh tế Việt Nam trong hoạt động khởi nghiệp sáng tạo.

 

Trong khuôn khổ thực hiện đề tài, nhóm nghiên cứu cũng tổ chức thành công 6 Hội thảo khoa học quốc gia tại 4 thành phố: Hà Nội, Hồ Chí Minh, Đà Nẵng và Cần Thơ, nhằm công bố các kết quả nghiên cứu về kinh nghiệm hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo và phản hồi từ thực tiễn khi vận dụng các cơ chế hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo ở các địa phương. Bên cạnh đó, đề tài cũng đào tạo được 01 thạc sỹ và công bố 04 bài báo khoa học, trong đó có 01 bài báo thuộc nhóm xếp hạng Q2 và 03 bài thuộc danh mục tính điểm của Hội đồng chức danh giáo sư nhà nước quy định. Các sản phẩm thuộc đề tài đều có có hàm lượng khoa học rất cao, là cơ sở để các cơ quan quản lý nhà nước từ trung ương đến địa phương có thể kế thừa, vận dụng hiệu quả vào xây dựng cơ chế chính sách phù hợp vào thực tiễn hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trong bối cảnh kinh tế đất nước đang ngày càng phát triển và hội nhập sâu rộng vào kinh tế thế giới

 

Tin bài: Phòng Truyền thông

Hình ảnh: Nhóm đề tài cung cấp