Công ước của Liên hợp quốc về Luật biển năm 1982 (UNCLOS) được thông qua năm 1982, có hiệu lực từ năm 1994 và được cộng đồng quốc tế xem là “Hiến pháp về biển và đại dương” để “giải quyết mọi vấn đề liên quan đến luật biển” và “thiết lập một trật tự pháp lý trên biển”.
Song, trước sự thay đổi không ngừng của khoa học công nghệ, nhu cầu khai thác, sử dụng tài nguyên biển, biến đổi khí hậu, địa chính trị quốc tế… UNCLOS 1982 cần tiếp tục hoàn thiện để phát huy giá trị pháp lý quốc tế phổ quát của nó trong hiện tại và tương lai.
Toàn cảnh Hội thảo
Ngày 15/11/2024, Trường Đại học Kinh tế - Luật, ĐHQG-HCM (UEL) phối hợp với báo Pháp Luật TP.HCM đồng tổ chức hội thảo khoa học quốc gia “30 năm Công ước Liên hợp quốc về Luật biển có hiệu lực: Từ cam kết đến hành động của Việt Nam”.
UNCLOS 1982 không phải là “văn bản chết”
Theo PGS.TS. Ngô Hữu Phước - Phó Trưởng khoa phụ trách khoa Luật Kinh tế, Trường Đại học Kinh tế - Luật, UNCLOS đã xây dựng một trật tự pháp lý quốc tế thống nhất, toàn diện về biển và đại dương.
Lần đầu tiên trong lịch sử pháp lý quốc tế, biển và đại dương được phân thành ba khu vực với ba chế độ pháp lý khác nhau, gồm: không gian biển là lãnh thổ quốc gia (nội thủy, vùng nước quần đảo và lãnh hải); không gian biển thuộc quyền chủ quyền và quyền tài phán quốc gia (vùng tiếp giáp lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa) và không gian biển chung của nhân loại (biển quốc tế) và đáy đại dương (la zone).
PGS.TS. Ngô Hữu Phước trình bày tham luận "Giá trị pháp lý và thách thức hoàn thiện Công ước Liên hợp quốc về Luật biển năm 1982"
“Đây chính là thành quả pháp lý quốc tế lớn nhất sau hàng nghìn năm quản trị, khai thác, sử dụng biển và đại dương mà cộng đồng quốc tế mới xác lập được" - PGS.TS. Ngô Hữu Phước khẳng định giá trị của UNCLOS.
Sau 30 năm có hiệu lực, Công ước của Liên hợp quốc về Luật biển năm 1982 chứng minh vai trò và ý nghĩa phổ quát, toàn diện đối với các vấn đề về biển và đại dương trên toàn cầu. Tuy nhiên, UNCLOS không phải là văn bản chết - có giá trị pháp lý vĩnh cửu và bất biến.
PGS.TS Phước nói: “UNCLOS cần được tiếp tục bổ sung, phát triển để thực sự là một “điều ước quốc tế sống” nhằm giải quyết các thách thức mới của nhân loại mà luật pháp quốc tế cần phải điều chỉnh đó là thách thức do biến đổi khí hậu; thách thức về an ninh hàng hải do sự phát triển vượt bậc của khoa học công nghệ và thách thức về bảo vệ quyền con người trên biển.
Phát biểu khai mạc Hội thảo UNCLOS 1982, PGS.TS Hoàng Công Gia Khánh - Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế - Luật cũng cho rằng: Bên cạnh những thành tựu to lớn, UNCLOS cũng đối mặt với nhiều thách thức trong thời đại mới. Vì vậy, Công ước cũng cần phải thay đổi để tiếp tục hoàn thiện nhằm phát huy giá trị pháp lý quốc tế phổ quát của nó trong hiện tại và tương lai.
Hiệu trưởng Hoàng Công Gia Khánh phát biểu khai mạc Hội thảo
Hội thảo khoa học này với sự tham gia của các nhà khoa học, nhà nghiên cứu sẽ luận bàn sâu sắc giá trị pháp lý, thành tựu và thách thức của UNCLOS 1982 trong thế kỷ XXI; quá trình cam kết và thực thi UNCLOS 1982 và pháp luật về biển của Việt Nam. Từ đó, Ban tổ chức sẽ tổng hợp gửi kiến nghị các giải pháp cho Chính phủ, các bộ, ngành, cơ quan hữu quan trong việc truyền bá, phổ biến, thực hiện có hiệu quả UNCLOS 1982 và pháp luật về biển của Việt Nam.
Hơn 200 đại biểu, nhà khoa học tham dự Hội thảo UNCLOS 1982
Hội thảo có sự tham dự của đại diện các đơn vị như Bộ Tư lệnh Vùng 3 Cảnh sát biển Việt Nam, Bộ Tư lệnh Vùng 2 Hải quân, Bộ đội Biên phòng TP.HCM, Hội Thủy Sản Việt Nam, Viện Nghiên cứu Khoa học Biển và Hải đảo, Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam, Sở Ngoại vụ TP.HCM, Ban Tuyên giáo Thành uỷ TP.HCM,...
Hội thảo khoa học quốc gia “30 năm Công ước Liên hợp quốc về Luật biển có hiệu lực: Từ cam kết đến hành động của Việt Nam” được tổ chức tại Trường Đại học Kinh tế - Luật, thu hút hơn 200 đại biểu, nhà khoa học, nghiên cứu sinh và sinh viên tham dự.
Đặc biệt là sự tham dự và đóng góp tham luận của các nhà nghiên cứu, nhà khoa học như:
- Đại sứ, GS.TS Nguyễn Hồng Thao - Thành viên Ủy ban Luật quốc tế của Liên Hợp Quốc với tham luận “UNCLOS và Việt Nam - quốc gia ba phần biển một phần đất”.
- PGS.TS Vũ Thanh Ca - Nguyên Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế và Khoa học công nghệ, Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam với tham luận “Thực hiện UNCLOS 1982 thông qua quản lý tổng hợp tài nguyên, môi trường biển và hải đảo ở Việt Nam”.
- GS.TS Nguyễn Bá Diến - Chủ tịch Viện Nghiên cứu Khoa học Biển và Hải đảo với tham luận “Giá trị pháp lý, vai trò của UNCLOS trong phân định biển và giải quyết tranh chấp”.
- Ông Nguyễn Thái Bình, Phó Tổng biên tập báo Pháp Luật TP.HCM với tham luận “Báo chí giải pháp nhìn từ truyền thông UNCLOS 1982”.
- …
Hội thảo diễn ra với 3 phiên: 01 phiên toàn thể và 02 phiên chuyên môn gồm: (01) UNCLOS 1982 Hiến pháp về biển và đại dương của cộng đồng quốc tế; (02) 30 năm từ cam kết đến thực thi UNCLOS 1982 của Việt Nam.
Một số hình ảnh khác tại Hội thảo:
Ông Mai Ngọc Phước, Tổng Biên tập Báo Pháp luật TP.HCM phát biểu đề dẫn Hội thảo
Trong phiên chuyên đề "UNCLOS 1982 - Hiến pháp về biển và đại dương của cộng đồng quốc tế", PGS.TS. Ngô Hữu Phước - Phó Trưởng khoa phụ trách khoa Luật Kinh tế, Trường Đại học Kinh tế - Luật; GS.TS. Nguyễn Bá Diến - Chủ tịch Viện Nghiên cứu Khoa học Biển và Hải đảo; PGS.TS. Trần Thăng Long - Trưởng khoa Khoa Ngoại ngữ pháp lý, Trường Đại học Luật TP.HCM làm chủ tọa, điều phối thảo luận.
GS.TS Nguyễn Bá Diến trình bày tham luận "Giá trị pháp lý, vai trò của UNCLOS trong phân định biển và giải quyết tranh chấp"
Ông Nguyễn Thái Bình - Phó Tổng biên tập báo Pháp Luật TP.HCM trình bày tham luận "Báo chí giải pháp nhìn từ truyền thông UNCLOS 1982"
Phiên 02 "30 năm từ cam kết đến thực thi UNCLOS 1982 của Việt Nam" do PGS.TS. Lê Vũ Nam - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế - Luật, GS.TS Nguyễn Hồng Thao - Thành viên Ủy ban Luật quốc tế của Liên Hợp Quốc, TS. Nguyễn Toàn Thắng - Trưởng phòng Đảm bảo chất lượng đào tạo và khảo thí, Trường Đại học Luật Hà Nội chủ tọa và điều phối thảo luận.
Nhiều nghiên cứu sinh, sinh viên của Trường Đại học Kinh tế - Luật tham gia và trao đổi sôi nổi tại Hội thảo
Tin và hình ảnh: Phòng Truyền thông