Bộ Công an đề xuất xử phạt tối đa 30 triệu đồng với hành vi cưỡng ép vợ, chồng quan hệ tình dục trái ý muốn. Liệu việc xử phạt này có khả thi?
Luật Phòng chống bạo lực gia đình năm 2022 quy định một trong 16 hành vi bạo lực gia đình là "cưỡng ép thực hiện hành vi quan hệ tình dục trái ý muốn của vợ hoặc chồng". Do đó, tại dự thảo nghị định sửa đổi bổ sung một số điều của Nghị định số 144/2021, Bộ Công an đề xuất xử phạt 20 - 30 triệu đồng đối với hành vi "cưỡng ép hoặc dùng thủ đoạn khác để quan hệ tình dục trái ý muốn của vợ hoặc chồng". Ngoài phạt tiền, người vi phạm còn buộc phải công khai xin lỗi khi người bị bạo lực gia đình có yêu cầu.
Khó khăn trong xác định và chứng minh hành vi
Luật sư (LS) Nguyễn Văn Hậu, Phó chủ nhiệm Đoàn LS TP.HCM, nói rất đồng tình với đề xuất của Bộ Công an, vì sẽ góp phần bảo vệ quyền con người và quyền công dân. Lâu nay, nhiều người vẫn có suy nghĩ đã là vợ chồng thì "muốn sao cũng được". Tuy nhiên theo quy định pháp luật, bất kể ai cũng đều có quyền bất khả xâm phạm về thân thể và đời sống riêng tư, kể cả trong mối quan hệ hôn nhân. "Nếu vợ hoặc chồng không đồng ý mà vẫn cưỡng bức quan hệ tình dục, như vậy là vi phạm", LS Hậu phân tích.
Ảnh minh họa
Lợi ích của việc xây dựng chế tài là không cần bàn cãi, khi hướng đến ngăn chặn, xử lý kịp thời hành vi bạo lực gia đình nói chung và bạo lực tình dục nói riêng. Nhưng việc xử phạt liệu có dễ dàng, nhất là đặt trong mối quan hệ nội bộ gia đình với nhiều khía cạnh điều chỉnh bởi quy phạm đạo đức, rất khó giải quyết triệt để nếu chỉ đơn thuần áp dụng pháp luật.
Báo cáo kết quả thực hiện các mục tiêu quốc gia về bình đẳng giới năm 2023 cho thấy có hơn 3.100 hộ đã xảy ra bạo lực gia đình với hơn 3.200 vụ. Bạo lực thân thể xảy ra nhiều nhất với 1.520 vụ, tiếp đến là bạo lực tinh thần 1.400, bạo lực kinh tế 230 vụ và bạo lực tình dục 110 vụ. Trong số gần 3.200 nạn nhân của bạo lực gia đình, 2.600 trường hợp là nữ, 556 trường hợp là nam. Gần 3.000 người có hành vi bạo lực gia đình đã bị góp ý, phê bình, xử phạt hành chính và 129 người bị xử lý hình sự.
Đáng lo ngại là nhiều người bị bạo lực có tâm lý cam chịu, sợ bị kỳ thị nên không đi báo cáo. Họ chỉ tìm đến sự hỗ trợ của cơ quan chức năng khi vụ việc nghiêm trọng, bạo lực xảy ra trong thời gian dài hoặc có thể dẫn đến chấm dứt hôn nhân. Thực trạng này gây khó khăn cho việc thống kê số liệu cũng như triển khai các giải pháp can thiệp và ứng phó với bạo lực.
LS Hà Công Tâm, Đoàn LS TP.Hà Nội, nhận định ngoài sự e ngại đến từ chính người bị bạo hành, việc xác định và chứng minh hành vi ép buộc quan hệ tình dục giữa vợ chồng cũng rất khó vì thường xảy ra trong không gian riêng tư. Nếu cứng nhắc áp dụng xử phạt, vô hình trung gây nên khó khăn trong thực hiện và có thể xảy ra tình trạng phạt không đúng người hoặc làm tổn thương những mối quan hệ không đáng bị xử lý. Chưa kể, mức phạt tiền đề xuất là khá cao, liệu có xảy ra tình huống lợi dụng luật để gây áp lực, tạo ra các vụ tố cáo sai lệch khi ly hôn hoặc tranh chấp tài sản, hoặc lạm dụng không đáng có?
Ở chiều ngược lại, LS Nguyễn Văn Hậu cho rằng trước tiên phải xây dựng cho được quy định pháp luật để làm cơ sở xử lý, nếu không hành vi vi phạm sẽ mãi bị "bỏ lơ". Hơn nữa, việc quy định chế tài đối với hành vi bạo lực tình dục còn giúp nâng cao ý thức chấp hành quy định pháp luật của người dân.
Chồng hoặc vợ vi phạm, lấy tiền ai để nộp phạt?
Thạc sĩ Lưu Đức Quang, giảng viên Trường ĐH Kinh tế - Luật (Đại học Quốc gia TP.HCM), bày tỏ băn khoăn đối với biện pháp xử phạt bằng tiền như đề xuất của Bộ Công an.
Ông Quang dẫn quy định tại luật Hôn nhân và gia đình, tài sản hình thành trong thời kỳ hôn nhân đều là tài sản chung của vợ chồng, trừ trường hợp hai bên có tài sản riêng được pháp luật bảo hộ. Đặt giả thiết chồng bị xử phạt vì cưỡng ép vợ quan hệ tình dục trái ý muốn, người chồng lại không có tài sản riêng, vậy việc xử phạt sẽ thực hiện ra sao, tác động như thế nào?
Theo thạc sĩ Quang, với văn hóa của nhiều gia đình khi tài sản chung của vợ chồng thường gộp chung để quản lý, sẽ rất khó xử trong trường hợp trên. "Chồng vi phạm và bị phạt tiền, tiền phạt lại lấy từ quỹ chung của gia đình, như thế có thể hiểu là người vợ vừa bị bạo lực tình dục, nay lại phải chia sẻ trách nhiệm nộp phạt không?", ông Quang đặt câu hỏi.
Ông Quang nói thêm, mục đích của áp dụng biện pháp xử phạt là để trừng phạt, răn đe và giáo dục đối với người vi phạm. Nhưng nếu xảy ra câu chuyện chồng vi phạm rồi lấy tiền của cả hai vợ chồng ra nộp phạt như đã nêu, mục đích của biện pháp xử phạt rõ ràng là không đạt, vì không thể cá thể hóa trách nhiệm pháp lý đối với chủ thể vi phạm. Chưa kể, nếu cứng nhắc áp dụng phạt tiền trong mối quan hệ hôn nhân có thể làm tăng thêm mâu thuẫn, rạn nứt trong các gia đình, tạo áp lực cả về tài chính và tinh thần, từ đó vô hình trung làm gia tăng các vụ ly hôn.
Từ bất cập đã nêu, thạc sĩ Quang kiến nghị không nên áp dụng biện pháp xử phạt tiền đối với hành vi bạo lực tình dục nói riêng và bạo lực gia đình nói chung. Cơ quan chức năng có thể nghiên cứu áp dụng biện pháp bắt buộc lao động công ích. "Biện pháp này sẽ rất hiệu quả, vừa trừng phạt và cảm hóa người vi phạm, và quan trọng nhất là tách bạch được trách nhiệm, ai vi phạm thì người đó phải gánh chịu hậu quả pháp lý bất lợi đối với mình", ông Quang cho hay.
Trong khi đó, LS Nguyễn Văn Hậu lại cho rằng chế tài xử phạt bằng tiền nhằm xử lý kịp thời cá nhân có hành vi vi phạm, không liên quan đến tài sản chung của vợ, chồng. Nếu chồng hoặc vợ có hành vi bạo lực tình dục và bị xử phạt, họ buộc phải có trách nhiệm nộp phạt theo quy định; còn nguồn tiền từ đâu thì người vi phạm phải tự giải quyết, hoặc tùy thỏa thuận giữa hai vợ chồng, hoặc một cách khác, "không thể lấy lý do đó là tài sản chung nên không thể nộp phạt".
TUYẾN PHAN
Nguồn tin: Báo Thanh niên