Góc nhìn khác về vụ vớt 'cây gỗ lạ': Xử phạt người đào vớt gỗ có thỏa đáng?

(PLO) - Việc xác định hành vi vi phạm để xử phạt hành chính đối với ông Nam - người phát hiện và đào vớt "cây gỗ lạ" - liệu có thoả đáng và đảm bảo chặt chẽ theo Luật Xử lý vi phạm hành chính?

 

Như PLO đã đưa tin, cơ quan chức năng huyện Sa Thầy, tỉnh Kon Tum đã đấu giá thành công “cây gỗ lạ được trục vớt trong lòng đất” tại xã Sa Sơn, huyện Sa Thầy sau bốn lần đấu giá bất thành. Khối lượng gỗ đấu giá 4,289 m3, loại gỗ phay nhóm VI, với sáu tấm bìa gỗ đã mục nát có giá khởi điểm và trúng là hơn 20 triệu đồng.

 

Sau vụ việc này nhiều tình tiết pháp lý, câu hỏi được đặt ra như Công an huyện xử phạt ông Nam về hành vi chiếm giữ tài sản của người khác có đúng không? Người trục vớt, đào gỗ lên từ lòng đất có được hưởng lợi và chi phí đào gỗ lên có được bồi hoàn?

 

Xử phạt hành vi chiếm giữ tài sản của người khác liệu có đúng?

 

Theo quy định tại Bộ luật dân sự năm 2015 thì việc ông Nam phát hiện và tiến hành múc cây gỗ nằm sâu dưới bùn lên được xác định là tài sản bị chôn, giấu, bị vùi lấp, chìm đắm được tìm thấy theo Điều 229.

 

cây gỗ lạ

Hơn 4m3 gỗ đã được bán đấu giá với giá là 20 triệu đồng. Ảnh: LÊ KIẾN

 

Cần khẳng định, đối với tài sản bị chôn, giấu, bị vùi lấp, chìm đắm được tìm thấy thì không đương nhiên thuộc quyền sở hữu của người tìm thấy. Do đó, ông Nam phải thông báo hoặc trả lại ngay cho chủ sở hữu. Trường hợp ông Nam không biết ai là chủ sở hữu thì phải thông báo hoặc giao nộp cho UBND cấp xã hoặc công an cấp xã nơi gần nhất hoặc cơ quan nhà nước có thẩm quyền khác theo quy định của pháp luật.

 

Tại thời điểm múc cây gỗ lên, ông Nam chắc chắn không biết chủ sở hữu của cây gỗ này. Do đó, ông đã đến UBND xã Sa Sơn trình báo sự việc và xin phép được đào cây gỗ trên để về làm đồ gia dụng. Thực tế, UBND xã Sa Sơn đã đến hiện trường xác minh, lập biên bản, xác định nơi phát hiện cây gỗ trên không phải đất rừng và cây gỗ này không xác định được thời gian, khối lượng cũng như nguồn gốc. Trong biên bản mà UBND xã Sa Sơn lập có ghi rõ ông Nam không được phép buôn bán, trao đổi thương mại.

 

Ngày 8-4, sau khi đào xong, ông Nam có gọi điện thông báo cho UBND xã Sa Sơn nhưng hơn một tháng sau không thấy cơ quan chức năng đến xử lý, nghĩ rằng số gỗ không có giá trị nên ông Nam đã vận chuyển về xưởng gỗ để cưa xẻ làm đồ gia dụng. Như vậy, có thể thấy, việc ông Nam đào cây gỗ lên không phải là vi phạm pháp luật. Việc ông tạm giữ cây gỗ này cũng không phải vi phạm pháp luật bởi ông đã trình báo sự việc với UBND xã Sa Sơn nhưng UBND xã chưa có phương án xử lý. Vấn đề lấn cấn ở đây là hành vi tự ý cưa xẻ cây gỗ trên để làm đồ gia dụng.

 

Hành vi tự ý cưa xẻ cây gỗ để làm đồ gia dụng rõ ràng không đúng theo quy định pháp luật bởi ông Nam chưa xác lập quyền sở hữu đối với tài sản này - tức không phải là chủ sở hữu của cây gỗ.

 

Tuy nhiên, cây gỗ này cũng không đương nhiên thuộc sở hữu toàn dân bởi muốn xác định đó là tài sản thuộc sở hữu toàn dân thì phải là di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia được quy định trong Luật di sản văn hóa. Cây gỗ không phải là di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia nên không đương nhiên thuộc về sở hữu toàn dân. Đối với những tài sản khác thì chỉ thuộc về sở hữu toàn dân sau khi trừ chi phí tìm kiếm, bảo quản và xác định phần giá trị mà người tìm thấy được hưởng.

 

Theo Điều 10 Nghị định 29/2018 thì để xác lập quyền sở hữu toàn dân đối với tài sản bị chôn, giấu, bị vùi lấp, chìm đắm, Sở Tài chính phải lập một bộ hồ sơ trình Chủ tịch UBND cấp tỉnh hoặc người có thẩm quyền được HĐND cấp tỉnh phân cấp quyết định xác lập quyền sở hữu toàn dân. Như vậy, muốn xác định cây gỗ thuộc sở hữu toàn dân thì bắt buộc phải có hồ sơ trình của Sở Tài chính và có quyết định xác lập quyền sở hữu toàn dân của Chủ tịch UBND cấp tỉnh hoặc người có thẩm quyền được HĐND cấp tỉnh phân cấp. Trường hợp thiếu những thủ tục hành chính quan trọng này thì cây gỗ không đương nhiên thuộc sở hữu toàn dân.

 

Trong trường hợp trên, cây gỗ chưa được xác định giá trị nên chắc chắn chưa trừ đi chi phí tìm kiếm, bảo quản và chắc chắn cũng chưa xác định phần giá trị mà người tìm thấy được hưởng. Vì những khiếm khuyết về mặt thủ tục đã nêu mà tại thời điểm này, không thể xem đây là tài sản thuộc sở hữu toàn dân. Từ đây, có thể thấy, cây gỗ này không thuộc tài sản của người khác hay của nhà nước. Do đó, việc Trưởng công an huyện Sa Thầy xử phạt ông Nam về hành vi “chiếm giữ tài sản của người khác” theo điểm đ, khoản 2, điều 15, Nghị định 144/2021/NĐ-CP là không xác đáng.

 

Cần lưu ý “người khác” được nhắc đến trong quy định pháp luật trên chính là chủ sở hữu hợp pháp của tài sản bị chiếm giữ. Do tại thời điểm bị xử phạt, cây gỗ không xác định được là tài sản hợp pháp của bất kỳ chủ thể nào nên không thể xử phạt ông Nam theo điều khoản trên. Ngoài ra, như đã nói, hành vi tạm thời quản lý tài sản trên của ông Nam cũng không phải là hành vi trái pháp luật, do đó, cũng không thỏa mãn dấu hiệu của hành vi trái pháp luật là “chiếm giữ”. Sự đáng trách duy nhất đối với ông Nam là hành vi tự ý cưa xẻ gỗ làm đồ gia dụng không đúng quy định pháp luật. Đối với hành vi này, ông Nam có thể bị xử phạt theo quy định của Điều 23 Nghị định số 35/2019 (được sửa đổi bởi Nghị định số 07/2022) về “chế biến lâm sản không có hồ sơ hợp pháp”.

 

Do đó, nếu muốn xử phạt thì người có thẩm quyền phải xử phạt theo Điều 23 Nghị định số 35/2019 (được sửa đổi bởi Nghị định số 07/2022) chứ không phải xử phạt theo điểm đ, khoản 2, điều 15, Nghị định 144/2021/NĐ-CP.

 

Ngoài việc không xác định chính xác về hành vi vi phạm, Quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với ông Nam còn có điểm sai khá nghiêm trọng. Theo Điều 15 Nghị định 144/2021/NĐ-CP thì đối với hành vi “chiếm giữ tài sản của người khác”, pháp luật quy định áp dụng hình thức xử phạt chính là phạt tiền là từ 3-5 triệu đồng, đồng thời người vi phạm còn bị áp dụng hình thức xử phạt bổ sung là “tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính” và bị áp dụng hai biện pháp khắc phục hậu quả là “buộc trả lại tài sản do chiếm giữ trái phép” và “buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm”.

 

Nếu cho rằng ông Nam có hành vi “chiếm giữ tài sản của người khác” thì người có thẩm quyền phải áp dụng tất cả các hình thức xử phạt và biện pháp khắc phục vừa nêu. Tuy nhiên, Quyết định xử phạt số 19/QĐ-XPHC ngày 8-7/2022 của Trưởng công an huyện Sa Thầy đã không áp dụng hình thức xử phạt bổ sung “tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính” và biện pháp “buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm”.

 

go-truc-vot-duoi-long-dat-o-sa-thay-35-4920.jpeg

"Cây gỗ lạ' thời điểm mới trục vớt lên. Ảnh: QN

 

Việc không áp dụng đầy đủ hình thức xử phạt và biện pháp khắc phục hậu quả là hành vi bị nghiêm cấm theo Điều 12 Luật Xử lý vi phạm hành chính. Trong trường hợp này, Trưởng công an huyện Sa Thầy cũng không thể sửa đổi hay đính chính Quyết định xử phạt số 19/QĐ-XPHC theo hướng bổ sung thêm hình thức xử phạt “tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính” và biện pháp “buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm” bởi việc áp dụng biện pháp “buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm” không thuộc thẩm quyền xử phạt của Trưởng công an huyện Sa Thầy.

 

Ông Nam có được thưởng hay không?

 

Theo điểm c, khoản 6, Điều 30 Nghị định 29/2018/NĐ-CP thì: “Trường hợp tổ chức, cá nhân phát hiện hoặc tìm thấy tài sản bị chôn, giấu, bị vùi lấp, chìm đắm mà không thông báo, không giao nộp cho cơ quan, người có thẩm quyền theo quy định thì không được thưởng, không được thưởng theo giá trị tài sản tìm thấy và bị xử lý hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật”.

 

Như đã trình bày, sau khi đào cây gỗ, ông Nam có gọi điện thông báo cho UBND xã Sa Sơn nhưng không thấy cơ quan chức năng đến xử lý. Ông Nam cho rằng số gỗ không có giá trị nên ông Nam đã vận chuyển về xưởng gỗ để cưa xẻ làm đồ gia dụng. Việc ông Nam tạm giữ cây gỗ này cũng không phải vi phạm pháp luật bởi ông đã trình báo sự việc với UBND xã Sa Sơn nhưng UBND xã chưa có phương án xử lý. Căn cứ vào các tình tiết khách quan của vụ việc thì hành vi của ông Nam không thỏa dấu hiệu “không thông báo, không giao nộp cho cơ quan, người có thẩm quyền theo quy định”.

 

Vấn đề cần quan tâm ở đây là hành vi ông Nam tự ý cưa xẻ cây gỗ trên để làm đồ gia dụng. Sau khi hành vi bị phát hiện và đình chỉ, ông Nam cũng đã giao nộp lại cho nhà nước. Do đó, nếu chính xác ra là phải xử phạt ông Nam về hành vi “chế biến lâm sản không có hồ sơ hợp pháp”.

 

Tuy nhiên, việc xử phạt này không vô hiệu hóa quyền được nhận thưởng của ông từ việc phát hiện hoặc tìm thấy cây gỗ này. Bởi như đã nói, ông Nam không có dấu hiệu “không thông báo, không giao nộp cho cơ quan, người có thẩm quyền theo quy định”.

 

Do ngay từ đầu cơ quan nhà nước đã xác định vi phạm không chính xác khi xử phạt ông Nam về hành vi “chiếm giữ tài sản của người khác” nên cho rằng ông Nam không được thưởng theo giá trị tài sản tìm thấy. Tuy nhiên, nhận định như vậy có phần không chính xác.

 

Ông Nam có nhận lại được chi phí tìm kiếm, bảo quản không?

 

Điều 30 Nghị định 29/2018/NĐ-CP quy định: Tổ chức, cá nhân trong quá trình sinh hoạt, sản xuất mà ngẫu nhiên tìm thấy tài sản bị chôn, giấu, bị vùi lấp, chìm đắm, không phải là di tích lịch sử - văn hóa, bảo vật quốc gia, di vật, cổ vật, tài sản thuộc lĩnh vực quốc phòng, an ninh quốc gia thì được hưởng toàn bộ hoặc một phần giá trị của tài sản được tìm thấy.

 

Cụ thể, nếu tài sản có giá trị nhỏ hơn hoặc bằng 10 lần mức lương cơ sở do Nhà nước quy định (tại thời điểm tìm thấy và giao nộp tài sản) sau khi trừ các Khoản chi phí hợp lý có liên quan (chi phí tìm chủ sở hữu, chi phí vận chuyển, bảo quản và xác định giá trị tài sản) thì tài sản thuộc về tổ chức, cá nhân phát hiện tài sản. Nếu tài sản có giá trị lớn hơn 10 lần mức lương cơ sở do Nhà nước quy định (tại thời điểm tìm thấy và giao nộp tài sản) thì sau khi trừ chi phí hợp lý có liên quan, tổ chức, cá nhân tìm thấy tài sản được hưởng giá trị bằng 10lần mức lương cơ sở do Nhà nước quy định và 50% giá trị của phần vượt quá mười lần mức lương cơ sở do Nhà nước quy định, Phần giá trị còn lại thuộc về Nhà nước.

 

Tại thời điểm phát hiện cây gỗ, giá trị của số gỗ (định giá ban đầu hơn 68 triệu đồng) lớn hơn 10 lần mức lương cơ sở do Nhà nước quy định là 14,9 triệu đồng nên không thuộc sở hữu của người tìm thấy mà thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước đại diện chủ sở hữu. Về nguyên tắc, tài sản được xác lập quyền sở hữu là tài sản sau khi trừ chi phí tìm kiếm, bảo quản.

 

Do đó, ông Nam có thể nhận được chi phí hợp lý cho việc tìm kiếm, bảo quản. Tuy nhiên, số tiền bán được cây gỗ này chỉ 20 triệu, trong khi chi phí đầu tư ban đầu cho việc trục vớt quá lớn (lên đến 90 triệu) nên rất khó có cơ sở để ông Nam nhận lại được số tiền là 90 triệu.

 

TS CAO VŨ MINH, Trường ĐH Kinh tế-Luật, ĐHQG TP.HCM

Nguồn tin: Báo Pháp luật