Nhiều lao động phổ thông chưa muốn quay lại TP HCM

Vẫn còn tỷ lệ đáng kể lao động rời TP HCM về quê chưa muốn quay lại làm việc nhưng chuyên gia dự báo tình hình có thể sớm thay đổi.

Đầu tháng 10, hay tin TP HCM đã gỡ giãn cách, chị Hoàng Lan, từ quê Bắc Ninh trở lại thành phố. Chị có một xe bán thực phẩm lưu động từ 5h30 sáng đến 11h hàng ngày trước một chung cư ở quận 8. Sau ca này, chị sẽ chạy xe bán tại một số địa điểm khác cho đến khi hết hàng.

Trước đợt giãn cách, chị cùng chồng đi lấy hàng ở chợ đầu mối từ 1h sáng để bán. Hiện chồng chị vẫn còn ở quê vì chăm người thân bệnh. Hai đứa con nhỏ đều ở tuổi mẫu giáo cũng ở quê với ông bà. "Vô đây mới kiếm đủ tiền nuôi hai đứa nhỏ. Sài Gòn có mối sẵn rồi, thu nhập tốt hơn ở quê nên vào được thì tôi vào ngay", chị nói thêm.

Nhưng không như chị Lan, một số lao động khác chưa có ý định quay lại. Anh Hữu Tùng, sinh năm 1985, quê Hưng Yên nói vẫn ở quê "cho đến khi thấy dịch ổn định rồi tính tiếp". Tùng là công nhân cơ khí. Trước dịch, anh có thu nhập 6,5-7 triệu đồng mỗi tháng chưa tăng ca. Tính cả tăng ca thì 8-8,5 triệu đồng.

"Công việc vừa rồi không ổn định, lúc có lúc không. Tiền thuê nhà, tiền sinh hoạt lại tăng nên phải về. Đợt giãn cách kéo dài nên cũng không đi làm được. Nếu lên có việc đều và sống được mới dám", anh Tùng nói.

Khảo sát vào tháng 10 do trang chuyên đăng tin tuyển dụng lao động phổ thông Việc Làm Tốt vừa công bố cho biết, trong 2.030 người được hỏi thì có 234 người chia sẻ đã mất việc và rời TP HCM về quê, tức chiếm hơn 10%.

Trong nhóm đã về quê, 58% mong muốn quay trở lại thành phố làm việc sau khi tình hình ổn định, vì thu nhập và điều kiện làm việc tốt hơn. Tuy nhiên, có 48% không muốn quay lại hoặc không chắc chắn quay lại vì muốn trải nghiệm các cơ hội việc làm ở địa phương hay làm nghề tự do.

Báo cáo cho rằng, đây là dịp để người lao động đánh giá lại cơ hội việc làm ở quê nhà để ở gần gia đình và người thân. Nhiều người sẽ thử kinh doanh tự do hoặc làm cho các khu công nghiệp mới thành lập những năm gần đây.

Trước đó, theo số liệu của Tổng cục Thống kê công bố giữa tháng trước, trong giai đoạn từ tháng 7 đến 15/9, có khoảng 1,3 triệu lao động tại các thành phố lớn về quê tránh dịch.

Một gia đình chờ ở chốt kiểm soát trên quốc lộ 1A, huyện Bình Chánh (TP HCM) để về quê ở các tỉnh miền Tây, ngày 1/10. Ảnh: Quỳnh Trần

Ở TP HCM, nhu cầu nhân lực ở lao động chưa qua đào tạo thường tập trung ở các nhóm nghề: dệt may - giày da; cơ khí; lương thực - thực phẩm; kinh doanh - thương mại; dịch vụ phục vụ cá nhân, bảo vệ; hành chính - văn phòng; kinh doanh quản lý tài sản - bất động sản; dịch vụ vận tải – kho bãi.

Một lực lượng không nhỏ lao động phổ thông từ các địa phương khác đến đây để làm việc tự do, thời vụ, tự kinh doanh mà khó thống kê đủ. Theo TS. Phạm Thị Thanh Xuân, Trường đại học Kinh tế - Luật TP HCM, nhóm lao động phổ thông, lao động phi chính thức chính là nhóm rời đi nhiều nhất trong cao điểm đầu tháng 10 vừa qua.

"Đây là lực lượng lao động vốn không ổn định, trước cả khi có Covid-19", bà Xuân nhận định. Bởi họ là nhóm có tính gắn kết với đơn vị sử dụng lao động không cao, sự đầu tư tạo dựng cho nghề nghiệp không quá lớn. Phần lớn nhóm lao động này đến TP HCM nhằm giải quyết mục tiêu ngắn hạn như có công việc để có thu nhập đủ sống và dư một phần tích lũy.

Dù một tỷ lệ còn tương đối cao lao động chưa muốn quay lại TP HCM, khả năng giải quyết việc làm của thành phố đã cải thiện nhanh chóng.

Số liệu của Cục Thống kê TP HCM cho biết, vào tháng 10, nơi đây giải quyết được việc làm cho gần 26.000 lượt lao động; và tạo ra hơn 14.100 việc làm mới. Sang tháng 11, có đến gần 47.700 lượt lao động được giải quyết việc làm. Số việc làm mới tạo ra là hơn 19.600 chỗ.

Trung tâm dự báo nhu cầu nhân lực và thông tin thị trường lao động TP HCM (Falmi) cũng đánh giá, những tháng cuối năm là thời điểm quan trọng để các doanh nghiệp tận dụng hoàn thành đơn hàng phục vụ nhu cầu trong nước và xuất khẩu. Nhu cầu mua sắm, tiêu dùng trong dịp Tết Nguyên Đán cũng góp phần giúp nhu cầu nhân lực quý IV có nhiều chuyển biến tích cực.

Vì vậy, Falmi dự báo thành phố cần khoảng 43.654-56.869 chỗ làm mới. Trong đó, nhu cầu tuyển dụng ở lao động chưa qua đào tạo chiếm 12,81%, tức có khoảng 5.600-7.200 chỗ làm cho người không đòi hỏi trình độ.

Trên sàn Việc Làm Tốt, số việc làm đăng tuyển tháng qua đã tăng 3 lần. Giải thích cho sự phục hồi này, bà Trần Minh Ngọc - Giám đốc Việc Làm Tốt cho rằng, đại dịch không làm ảnh hưởng đến tăng trưởng dài hạn của nền kinh tế vì tổng thể năng lực kinh tế còn nguyên vẹn.

Diễn biến nhu cầu tuyển lao động phổ thông (màu vàng) và lượt tìm việc (màu xanh) trên Việc Làm Tốt

"Vượt qua tác động của Covid-19, mức độ đầu tư FDI tại Việt Nam vẫn tăng trưởng tích cực, hệ thống cơ sở hạ tầng, máy móc thiết bị và lực lượng lao động không bị ảnh hưởng. Ngay sau khi hết giãn cách, các doanh nghiệp nhanh chóng phục hồi sản xuất", bà Ngọc nói.

Do vậy, nhu cầu tuyển dụng lao động phổ thông hồi phục nhanh. Với việc một số người chưa muốn quay lại TP HCM làm việc, mức độ cạnh tranh của các nhà tuyển dụng càng thêm phần gia tăng. Thậm chí, để nhanh chóng quay lại guồng sản xuất, nhà tuyển dụng sẵn sàng đưa ra mức lương cao hơn để thu hút ứng viên. Trên Việc Làm Tốt, mức lương trung bình của các công việc đăng tuyển đã cao hơn 7-10% so với tháng trước dịch.

Tâm lý không muốn quay lại TP HCM được dự báo có giảm dần. Theo phân tích của Việc Làm Tốt, sự phát triển về công nghiệp và dịch vụ vẫn tập trung nhiều ở một số thành phố lớn. Lượng công việc có sẵn ở nhiều địa phương đã tăng nhưng vẫn khó đáp ứng được hết lượng lao động gia tăng đột biến do hồi hương.

"Với khả năng không tìm được việc ở quê nhà, nhu cầu quay trở lại của người lao động dự đoán tăng ngay sau Tết sau khi họ nghỉ ngơi một thời gian và thử việc tại địa phương", nhóm phân tích nhận định. Thực tế, tháng qua, lượng truy cập tìm việc tăng 10 lần so với thời gian áp dụng giãn cách. Điều này chứng tỏ lao động phổ thông đang rất tích cực thăm dò các cơ hội mới.

Diễn biến nhu cầu tìm việc (màu xanh) và tuyển dụng (màu vàng) các việc làm lao động phổ thông phổ biến. Nguồn: Việc Làm Tốt

Long, sinh năm 1997, quê ở Cần Thơ, vừa trở lại TP HCM được 2 tuần. Long đang làm thợ cắt tóc ở một tiệm trên đường Dạ Nam, quận 8. Tiệm hiện chỉ mới có 50% thợ quay lại.

"Trước tôi cũng là thợ cắt tóc ở quê nhưng lên TP HCM cắt để có thu nhập tốt hơn và cập nhật được nhiều kiểu mới. Khách quen ở trên này nhiều nên cứ chờ tiêm đủ 2 mũi là tôi lên liền, không quan trọng vaccine gì", Long kể. Đến nay, anh đã có 4 năm gắn bó với TP HCM.

TS. Phạm Thị Thanh Xuân nhận định, khả năng cao nhóm lao động phổ thông như Long sẽ quay lại, dù không ồ ạt như lúc họ rời TP HCM.

Lý do là dịch sẽ còn tràn về các tỉnh. Dần dần, tỷ lệ F0 ở các địa phương sẽ tăng, còn ở HCM và các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai đi vào ổn định. Người lao động ban đầu về quê tránh dịch nhưng nay các địa phương đều cùng sống chung với dịch, họ sẽ thay đổi ý định.

Không chỉ vậy, TP HCM, Bình Dương, Đồng Nai có tính năng động vượt trội so với các tỉnh. Tốc độ phản ứng của chính sách với thực tế cao. Vì vậy, các biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp giữ chân và thu hút người lao động đang được triển khai rất nhanh. Trong khi đó, các tỉnh khác chưa kịp xây dựng phương án giữ chân nhân lực.

Chưa kể, hiểu biết về virus của cộng đồng, theo chuyên gia này, đã được cải thiện đáng kể. Người lao động nói riêng và người dân nói chung đã đủ kiến thức để tự biết cách tự bảo vệ, phòng tránh phơi nhiễm. Vì vậy, họ sẽ có xu hướng chấp nhận rủi ro và quay trở lại thành phố tìm việc.

Ngoài ra, khi TP HCM mở cửa, hoạt động thường nhật được khôi phục, cơ hội công việc tự do, tự kinh doanh cũng sẽ xuất hiện, tạo sức hấp dẫn cho người lao động. Cùng với đó, chính sách nhà ở giá hợp lý cho người lao động đang được ráo riết triển khai, cũng có thể là điểm hấp dẫn trong tương lai.

  Link bài viết, xem TẠI ĐÂY

  Nguồn: Báo điện tử VnExpress