(KTSG) – Những lùm xùm thông tin về việc hủy niêm yết đối với cổ phiếu HAG của Công ty cổ phần Hoàng Anh Gia Lai vẫn chưa có hồi kết. “Phải, trái, đúng, sai” tiếp tục là vấn đề gây tranh cãi. Suy cho cùng, thực trạng này bắt nguồn từ những thiếu sót, lỏng lẻo của khung pháp lý về hủy niêm yết tại Việt Nam cũng như cách thức vận hành thị trường thiếu chuyên nghiệp của những chủ thể có liên quan.

Quy định về điều kiện hủy niêm yết vẫn còn kẽ hở để các doanh nghiệp luồng lách đối phó
khi những vụ việc của cổ phiếu HAG được xem là vụ việc chưa có tiền lệ cũng vì lẽ đó. Ảnh: N.K
Khung pháp lý sơ sài
Hủy niêm yết là một trạng thái không hiếm gặp trên thị trường chứng khoán. Cơ chế hủy niêm yết có hai tác dụng rất lớn: (i) giúp đảm bảo chất lượng “hàng hóa” trên thị trường chứng khoán tập trung – đối với trường hợp hủy niêm yết bắt buộc; (ii) tạo ra một cơ chế để các công ty “rút lui” khỏi thị trường khi không còn phù hợp, không còn khả năng đáp ứng yêu cầu tuân thủ nghiêm ngặt các nghĩa vụ – đối với hủy niêm yết tự nguyện.
Tuy vậy, thực tế cho thấy, hầu hết các trường hợp hủy niêm yết cổ phiếu đều tác động tiêu cực đến giá cổ phiếu và gây thiệt hại không nhỏ đến quyền lợi của các nhà đầu tư, đặc biệt là các nhà đầu tư nhỏ lẻ. Chính vì vậy, một yêu cầu tất yếu đặt ra là phải có khung pháp lý chặt chẽ, phù hợp để vừa đảm bảo tác dụng của cơ chế hủy niêm yết, vừa bảo vệ quyền lợi nhà đầu tư.
Quy định về hủy niêm yết hiện nay được điều chỉnh trực tiếp bởi Nghị định 155/2020/NĐ-CP và Quy chế niêm yết chứng khoán của hai sở giao dịch (HOSE và HNX). Khung pháp lý chủ yếu chỉ mới dừng lại ở các quy định về điều kiện để tiến hành hủy niêm yết (bắt buộc lẫn tự nguyện), trong khi đó quy trình thực hiện và cơ chế bảo vệ nhà đầu tư đều đang ở trạng thái thái mơ hồ, thiếu sự minh thị
Cụ thể, quy định về điều kiện hủy niêm yết vẫn còn kẽ hở để các doanh nghiệp luồng lách đối phó. Tình trạng “xào nấu” báo cáo tài chính, che giấu, tạo dựng thông tin để “hô biến” số liệu nhằm tránh “án” hủy niêm yết không phải là hiện tượng hiếm gặp(1). Thậm chí những thủ thuật hợp pháp như hồi tố báo cáo tài chính trong tình huống đề cập ở trên cũng là điều mà nhà làm luật chưa dự trù. Vụ việc của cổ phiếu HAG được xem là vụ việc chưa có tiền lệ cũng vì lẽ đó.
Tuy nhiên, nếu không cố gắng lấp khoảng trống pháp lý này thì những vụ việc chưa có tiền lệ sẽ trở thành tiền lệ và tính kỷ luật, công bằng của thị trường chắc chắn sẽ tiếp tục bị tổn hại. Người viết đồng ý với ý kiến đề xuất rằng cần bổ sung việc hồi tố báo cáo tài chính như là một điều kiện hủy niêm yết bắt buộc. Theo đó, nếu doanh nghiệp hồi tố báo cáo tài chính quá hai năm hoặc quá 2 lần/10 năm thì hủy niêm yết bắt buộc(2).
Thiếu quy trình chuẩn mực
Quy trình thực hiện việc hủy niêm yết chưa thật sự được quan tâm và quy định minh thị trong quy định pháp luật cũng như quy chế của các sở giao dịch. Chính việc thiếu quy trình chuẩn mực và công khai dẫn đến những sự lúng túng, trì hoãn thậm chí tùy tiện trong cách thức xử lý của chủ thể vận hành thị trường.
Cách hành xử của HOSE trong vụ cổ phiếu HAG là một dẫn chứng rõ nét. Những lùm xùm đang xảy ra có thể sẽ không xuất hiện nếu như HOSE tiến hành ngay việc khởi động một quy trình xử lý chuẩn mực. Sự trì hoãn kéo dài đã kéo theo hàng loạt hệ lụy.
Rõ ràng, quy chế niêm yết chứng khoán của HOSE hoàn toàn thiếu vắng một quy trình xử lý hủy niêm yết bắt buộc chi tiết và cụ thể. Thiếu các mốc thời gian, thiếu thời hiệu xử lý, thiếu cơ chế công bố thông tin và thiếu cả cơ chế trao đổi đối thoại với công ty niêm yết cũng như nhà đầu tư. Tất cả quy trình này cần được thể hiện minh thị trong Quy chế niêm yết chứng khoán, vừa làm kim chỉ nam cho việc xử lý vừa làm cơ sở cho nhà đầu tư giám sát việc thực hiện quy trình.
Tham khảo kinh nghiệm của một số nước, điển hình như Ấn Độ, quy trình hủy niêm yết được quy định rất chi tiết và minh thị. Trong đó, quy trình được cụ thể hóa thành các mốc thời gian, sở giao dịch phải tuân thủ nghiêm ngặt các mốc thời gian đó, từ việc thông báo cho công chúng, cập nhật diễn biến xử lý đến việc công bố chính thức quyết định. Việc xem xét và đi đến quyết định cũng dựa trên nguyên tắc đối thoại, lắng nghe. Trước khi quyết định được thông qua, sở giao dịch sẽ tạo điều kiện để lắng nghe công ty niêm yết. Sau đó, một ban xem xét, xử lý sẽ được thành lập với thành phần tham dự đại diện cho nhiều bên có liên quan như đại diện sở giao dịch, đại diện cơ quan của chính phủ (quản lý thị trường), đại diện nhà đầu tư.
Ai bảo vệ nhà đầu tư?
Khung pháp lý về hủy niêm yết hiện nay thiếu vắng các quy định về bảo vệ cổ đông nhỏ lẻ. Đối với hủy niêm yết tự nguyện, một trong những điều kiện để thực hiện là phải có nghị quyết của đại hội đồng cổ đông với trên 50% số phiếu biểu quyết của các cổ đông không phải là cổ đông lớn thông qua. Như vậy, chỉ cần quá bán cổ đông không phải là cổ đông lớn đồng ý là có thể tiến hành hủy niêm yết và đồng nghĩa gần một nửa cổ đông nhỏ còn lại dù có phản đối cũng phải “ngậm ngùi” chấp nhận một quyết định đã rồi. Vậy quyền lợi của những cổ đông phản đối việc hủy niêm yết sẽ được giải quyết thế nào nếu quyết định này ảnh hưởng đến họ?
Người viết cho rằng, tỷ lệ thông qua nghị quyết về hủy niêm yết tự nguyện trong trường hợp này là quá thấp, không đảm bảo được quyền lợi của các nhà đầu tư nhỏ. Về tính chất, quyết định hủy niêm yết là một quyết định quan trọng, tác động trực tiếp đến quyền lợi cổ đông, tỷ lệ thông qua cần đảm bảo tối thiểu từ 65-75% số phiếu biểu quyết của các cổ đông nhỏ. Đồng thời, cần áp dụng đồng thời cơ chế bắt buộc mua lại cổ phiếu theo yêu cầu của những cổ đông phản đối việc hủy niêm yết tự nguyện.
Đối với trường hợp hủy niêm yết bắt buộc, các cổ đông nằm ở tâm thế bị động. Chính vì vậy, cơ chế cảnh báo, thông cáo thông tin kịp thời, đúng lúc là vô cùng cần thiết để nhà đầu tư có cơ sở cho quyết định của mình. Hơn ai hết, sở giao dịch phải là bên quản trị và cung cấp thông tin đầy đủ, kịp thời cho nhà đầu tư ngay khi khởi động quy trình xử lý. Không thể để tiếp diễn thực trạng tin đồn tràn ngập các diễn đàn và rồi tin đồn lại thành sự thật.
Bên cạnh đó, cơ chế khiếu nại, khiếu kiện đối với quyết định và hành vi của sở giao dịch cũng cần được quy định rõ ràng để làm cơ sở cho nhà đầu tư thực hiện quyền của mình.
Pháp luật chứng khoán của ta hiện nay còn quy định khá chung chung về quyền này của nhà đầu tư. Có quan điểm cho rằng, nếu cụ thể hóa quyền khiếu nại, khiếu kiện đòi bồi thường thiệt hại có thể sẽ gây rối loạn thị trường và gây bất ổn cho hoạt động của các cơ quan vận hành thị trường. Tuy nhiên, nếu nhìn ở góc độ tích cực khác, việc nhà đầu tư có động thái khiếu nại, khiếu kiện quyết định, hành vi của các cơ quan vận hành thị trường sẽ giúp hình thành một kênh giám sát đủ mạnh cho tính liêm chính và chuyên nghiệp của thị trường. Một thị trường chuyên nghiệp cần được vận hành nghiêm ngặt dựa trên pháp luật và ai cũng phải chịu trách nhiệm cho những hành vi sai phạm và thiệt hại mà người đó gây ra.
Theo lộ trình sắp tới, thị trường giao dịch chứng khoán sẽ có một cuộc sắp xếp, cải tổ lớn theo một mô hình chuyên nghiệp hơn. Hy vọng, đây cũng chính là cơ hội để cải tổ lại toàn bộ cơ chế hoạt động của thị trường, bao gồm việc chuyên nghiệp hóa cơ chế hủy niêm yết cổ phiếu.
(*) Trường Đại học Kinh tế Luật - Đại học Quốc gia TP.HCM
(1) Xem thêm: https://vneconomy.vn/bat-luc-voi-chuyen-an-khong-noi-co-tren-bao-cao-tai-chinh.htm
(2) Xem: https://cafef.vn/cu-hoi-to-lo-chua-tung-co-tien-le-trong-lich-su-chung-khoan-doi-ngu-hagl-rat-gioi-ve-tai-chinh-va-luat-co-quan-quan-ly-nen-sua-quy-dinh-doanh-nghiep-hoi-to-lo-qua-2-nam-huy-niem-yet-bat-buoc-luon-202202171348403.chn
Nguồn: Thời báo Kinh tế Sài Gòn