Quyền riêng tư ngày càng khó giữ

(KTSG) - Trong thời đại công nghệ thông tin phát triển mạnh mẽ như hiện nay, các hành vi xâm phạm quyền riêng tư và dữ liệu cá nhân trên mạng xã hội ngày càng nhiều. Việc dễ dàng tiếp cận Internet cộng với sự phổ cập thiết bị công nghệ với đầy đủ các chức năng quay phim, chụp hình, ghi âm... giá rẻ, đã tạo “điều kiện tốt” cho việc theo dõi, can thiệp vào cuộc sống của người khác mà không có sự đồng ý của họ.

Chiếc ô “sự thật”

Phạm vi của “Quyền được bảo vệ sự riêng tư” đang ngày càng trở nên khó xác định trong thời đại số khi đặt trong bối cảnh với các quyền tự do khác như tự do báo chí, tiếp cận thông tin, tự do ngôn luận.

Mạng xã hội đang giúp người dân thực hành quyền dân chủ, biểu lộ thái độ của họ trước các vấn đề xã hội.

 


Nhưng ngược lại, nhiều cá nhân đã lợi dụng mạng xã hội, ngang nhiên vi phạm quyền riêng tư của người khác như tiết lộ bí mật đời tư, tiết lộ thông tin giao dịch ngân hàng của người khác, đưa thông tin xúc phạm uy tín danh dự, nhân phẩm, xâm nhập điện thoại của người khác lấy clip nhạy cảm đưa lên mạng xã hội, thu thập và có thể bán dữ liệu cá nhân cho các tổ chức, cá nhân có nhu cầu(1)... nhưng chưa bị xử lý nhiều.

Quyền riêng tư ở nước ta đã và đang thay đổi rất nhanh. Hiến pháp 2013 quy định “mọi người có quyền bất khả xâm phạm về đời sống riêng tư”, “không ai được bóc mở, kiểm soát, thu giữ trái luật thư tín, điện thoại, điện tín và các hình thức trao đổi thông tin riêng tư của người khác”, sau đó được quy định trong điều 38 Bộ luật Dân sự 2015 “đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình là bất khả xâm phạm và được pháp luật bảo vệ”, và “đời sống riêng tư” có phạm vi điều chỉnh rộng hơn “bí mật đời tư”.

Tuy quy định rõ ràng như vậy, nhưng quyền riêng tư chịu ảnh hưởng của văn hóa đặc trưng làng xã, nơi mà dân cư sống rất gần nhau, va chạm nhau nhiều thứ nên ít có sự riêng tư.

Mặt khác, nó chịu ảnh hưởng của văn hóa từ thời tập trung bao cấp, tất cả đều là của chung, tất cả đều hợp tác, kinh tế tập thể, nhiều chủ thể có quyền can thiệp vào nhiều vấn đề của đời sống xã hội, kể cả một số chuyện cá nhân. Nên, rất nhiều trường hợp vi phạm nhưng còn mơ hồ về quy định của pháp luật, nghĩ mình đang đem “sự thật” đến cho mọi người, nghĩ mình hack thông tin người khác do họ là người xấu thì không vi phạm gì.

Nhiều người đón nhận hồ hởi, share nhiệt tình và cho rằng “họ chừa mình ra”. Hoặc không ít người thực sự tỏ rõ quyền uy, khi không vừa ý là viết status, livestream bôi nhọ, lôi kéo bạn bè và cộng đồng vào “tẩy chay” bất chấp vi phạm pháp luật.

Với những người bị xúc phạm, vu khống, hậu quả cực kỳ xấu, có trường hợp tìm đến cái chết (Ngày 11-3-2018, nữ sinh H.T.L học sinh lớp 11, Nghệ An, được cho là tự tử dưới ao trong nhà, để lại bức thư với nội dung “con xin lỗi bố mẹ” khiến dư luận xôn xao. Nguyên nhân dẫn đến cái chết đau lòng của H.T.L được cho là vì clip ghi lại cảnh L. và một bạn trai trong lớp hôn nhau bị lan truyền trên mạng xã hội).

Và, ngay cả một người không may nhiễm Covid-19, thông tin cá nhân và các mối quan hệ của họ bị tung tin thất thiệt, nhiều trường hợp đã bị cộng đồng mạng săn lùng như “tội đồ” với nhiều suy diễn bình luận, công kích, thậm chí bị bịa chuyện để xuyên tạc gây ảnh hưởng nghiêm trọng quyền và lợi ích hợp pháp của họ.

 

Pháp luật xử phạt thế nào?

 

Ở nước ta, khi có hành vi xâm phạm quyền riêng tư của cá nhân trên mạng xã hội, chế tài thể hiện như sau:

Xử lý hình sự: Người vi phạm sẽ có thể bị áp dụng các tội phạm sau: tội làm nhục người khác (điều 155); tội vu khống (điều 156); tội xâm phạm bí mật hoặc an toàn thư tín, điện thoại, điện tín hoặc hình thức trao đổi thông tin riêng tư khác của người khác (điều 159, tuy nhiên điều luật này quy định đã bị xử lý kỷ luật hoặc xử phạt hành chính mà tiếp tục vi phạm mới xử lý hình sự); tội đưa hoặc sử dụng trái phép thông tin mạng máy tính, mạng viễn thông (điều 288)...

Xử phạt hành chính: Nghị định 15/2020/NĐ-CP quy định: (1) phạt tiền từ 5-10 triệu đồng đối với cá nhân có hành vi lợi dụng mạng xã hội để thực hiện một trong các hành vi sau: cung cấp, chia sẻ thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức, danh dự, nhân phẩm của cá nhân; cung cấp, chia sẻ thông tin cổ súy các hủ tục, mê tín, dị đoan, dâm ô, đồi trụy, không phù hợp với thuần phong, mỹ tục của dân tộc; cung cấp, chia sẻ đường dẫn đến thông tin trên mạng có nội dung bị cấm... (2) phạt tiền từ 10-15 triệu đồng đối với hành vi tiết lộ bí mật đời tư của cá nhân và bí mật khác mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự. Ngoài ra còn áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả là buộc gỡ bỏ thông tin sai sự thật hoặc gây nhầm lẫn hoặc thông tin vi phạm pháp luật.

Đối với doanh nghiệp thiết lập mạng xã hội, sẽ bị phạt tiền từ 50-70 triệu đồng khi thực hiện các hành vi vi phạm trên mạng xã hội như chủ động lưu trữ, truyền đưa thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật, vu khống, xuyên tạc, xúc phạm uy tín của tổ chức và danh dự, nhân phẩm của cá nhân.

Ngoài ra, người vi phạm có thể chịu trách nhiệm dân sự: bồi thường thiệt hại theo quy định của Bộ luật Dân sự khi nạn nhân khởi kiện yêu cầu.

 Rất nhiều trường hợp vi phạm nhưng còn mơ hồ về quy định của pháp luật, nghĩ mình đang đem “sự thật” đến cho mọi người, nghĩ mình hack thông tin người khác do họ là người xấu thì không vi phạm gì. Nhiều người đón nhận hồ hởi, share nhiệt tình và cho rằng “họ chừa mình ra”.


Tự bảo vệ mình và ý thức tôn trọng người khác

Việc đầu tiên, là cần hạn chế đưa các thông tin riêng tư lên mạng xã hội. Nhiều người tự nguyện và hồn nhiên đưa rất nhiều thông tin lên mạng xã hội, như khoe hình ảnh, thành tích học tập của con cái; khoe tài sản... Đồng thời, cũng phải biết tôn trọng quyền riêng tư của người khác, vì khi mình tôn trọng quyền của người khác thì mới hy vọng người khác tôn trọng các quyền của mình. Ví dụ như không đưa thông tin, hình ảnh của người khác lên tài khoản mạng xã hội của mình mà không có sự đồng ý của họ; đến nhà người khác không nên chụp hình, livestream không gian sống của gia đình họ mà chưa được phép, kiểm tra thông tin trước khi share các thông tin xâm phạm quyền riêng tư...

Khi bị xâm phạm, cần lưu lại chứng cứ chứng minh/lập vi bằng hành vi vi phạm, sau đó gửi đơn đến thanh tra sở thông tin truyền thông yêu cầu xử phạt người vi phạm; hoặc gửi văn bản đến cơ quan công an đề nghị điều tra xử lý. Nếu bị ảnh hưởng nghiêm trọng, khởi kiện theo thủ tục dân sự tại tòa án yêu cầu bồi thường thiệt hại như tổn thất tinh thần, tổn thất kinh tế...

Khó khăn ở tốc độ xử lý

Một vấn đề pháp lý cần đặc biệt quan tâm hiện nay là bảo vệ quyền riêng tư của công dân trên môi trường số, dù việc xây dựng khung pháp lý điều chỉnh vấn đề này vẫn tiếp tục là “bài toán khó”. Nhiều trường hợp, vừa ban hành văn bản điều chỉnh, thì công nghệ đã phát triển vượt tầm kiểm soát của quy định. Tác giả cuốn sách Lược sử tương lai, Yuval Noah Harari(2) đã lo lắng khi cho rằng “Internet, mạng xã hội là một vùng đất tự do và vô luật làm xói mòn chủ quyền quốc gia, phớt lờ các biên giới, phá hủy quyền riêng tư và đem lại mối đe dọa an ninh toàn cầu có thể nói là đáng sợ nhất”.

Về cơ bản, khung pháp lý xử lý hành vi vi phạm quyền riêng tư ở nước ta không thiếu, nhưng để thực thi các quy định này, cần rất nhiều vấn đề về kỹ thuật, thời gian, và trách nhiệm của cơ quan có thẩm quyền, vì nhiều trường hợp khi xử phạt xong thì hậu quả gây ra đã thật sự quá nghiêm trọng rồi. Nhưng chúng ta phải thừa nhận việc xử lý vi phạm về quyền riêng tư không dễ trong bối cảnh các vi phạm trên mạng xã hội từ các tài khoản ẩn danh hoặc đăng ký từ các quốc gia khác.

Vì vậy, nếu các tài khoản đăng ký ở Việt Nam, các cơ quan có thẩm quyền nên xử lý một cách quyết liệt, nhanh chóng tạo thành những hồi chuông cảnh tỉnh cho người vi phạm, tạo thành “trend” về “nỗi sợ” và sự uy nghiêm của pháp luật để cảnh báo liên tục những người đã, đang, sẽ có hành vi xâm phạm quyền riêng tư.

Trong những trường hợp tài khoản đăng ký ở quốc gia khác, các cơ quan có thẩm quyền cần nhanh chóng hỗ trợ cho người bị vi phạm để hạn chế hậu quả xảy ra, như đề nghị các công ty truyền thông gỡ bỏ các thông tin xâm phạm quyền riêng tư, hoặc có những thông điệp truyền thông về hành vi vi phạm để tạo thành văn hóa tôn trọng quyền riêng tư.

   Link bài viết: https://bit.ly/3gybA2O

   Nguồn: Thời báo Kinh tế Sài Gòn