Tiếp tục đeo đuổi để công nhận nền kinh tế thị trường

(ĐTTCO) - ĐTTC có cuộc trao đổi với PGS.TS Đỗ Phú Trần Tình, Viện trưởng Viện Phát triển chính sách Đại học Quốc gia TPHCM (thuộc Trường ĐH Kinh tế - Luật).

 

Liên minh Tôm miền Nam và Hiệp hội Chế biến tôm Mỹ, là những tổ chức đã lên tiếng mạnh mẽ nhất chống lại việc công nhận Việt Nam là nền KTTT.

Liên minh Tôm miền Nam và Hiệp hội Chế biến tôm Mỹ, là những tổ chức đã lên tiếng mạnh mẽ nhất chống lại việc công nhận Việt Nam là nền KTTT.

 

PHÓNG VIÊN: - Thưa ông, ông đánh giá thế nào về quyết định chưa công nhận nền KTTT của Bộ Thương mại Mỹ khi Việt Nam cũng chuẩn bị kỹ hồ sơ để được công nhận?

PGS.TS ĐỖ PHÚ TRẦN TÌNH: - Theo tôi, có nhiều lý do dẫn đến kết quả trên, trong đó lý do quan trọng là một số nhóm lợi ích tại Mỹ đã bày tỏ sự phản đối mạnh mẽ, chủ yếu đến từ các nghị sĩ Quốc hội Mỹ, cả ở Thượng viện và Hạ viện, cùng với các hiệp hội ngành nghề có lợi ích trực tiếp bị ảnh hưởng. Điều này được thể hiện qua hai điều.

Thứ nhất, nhằm bảo vệ lợi ích trực tiếp ngành nghề của Mỹ bởi sự cạnh tranh từ giá cả và mức độ chuyển đổi đồng tiền của Việt Nam. Điển hình như Liên minh Tôm miền Nam và Hiệp hội Chế biến tôm Mỹ, là những tổ chức đã lên tiếng mạnh mẽ nhất, do có lợi ích trực tiếp bị ảnh hưởng bởi mức giá đến từ doanh nghiệp (DN) tại Việt Nam; hay Liên minh Các nhà sản xuất và công nhân thép cũng tích cực vận động chống lại việc công nhận Việt Nam là nền KTTT, để gây áp lực lên ngành thép của mỗi quốc gia.

Không khó để nhận ra rằng, tôm và thép là hai mặt hàng các DN Việt Nam thường xuyên phải đối mặt với các vụ kiện chống bán phá giá tại thị trường Mỹ.

 

p4-do-phu-tran-tinh-5247-6392.jpg

 

Thứ hai, liên quan chiến tranh thương mại Mỹ - Trung thời gian qua. Tính đến cuối năm 2023, Trung Quốc đã đầu tư 4.032 dự án với tổng số vốn trên 26 tỷ USD, đứng top 6 trong số 144 quốc gia và vùng lãnh thổ có vốn đầu tư trực tiếp từ nước ngoài (FDI) tại Việt Nam. Ngành thép là một minh chứng điển hình cho tình trạng này.

Theo số liệu từ Hiệp hội Thép Việt Nam, trong năm 2023, kim ngạch xuất khẩu thép của Việt Nam sang Mỹ đã tăng 15% so với năm 2022, đạt 1,2 tỷ USD. Đáng chú ý trong số này, có khoảng 30% là từ các DN có vốn đầu tư Trung Quốc. Điều này làm dấy lên lo ngại về việc các công ty Trung Quốc có thể đang lợi dụng Việt Nam như một "cửa sau" để tiếp cận thị trường Mỹ.

- Theo ông điều này sẽ tác động như thế nào đến kinh tế Việt Nam, xuất khẩu của Việt Nam, nhất là khi chúng ta đang đối mặt với 63 vụ việc liên quan đến tranh chấp thương mại?

- Nếu Mỹ công nhận Việt Nam là nền KTTT, sẽ mang lại nhiều lợi ích như là tăng trưởng xuất khẩu hàng hóa, tăng cường thu hút vốn FDI, hỗ trợ thúc đẩy sự tham gia sâu rộng vào chuỗi giá trị toàn cầu, tạo cơ hội cho DN Việt Nam tăng cường cạnh tranh quốc tế, thúc đẩy cải thiện năng suất lao động, tạo nhiều động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế giúp thoát bẫy thu nhập trung bình…

Bởi lẽ, Mỹ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam, chiếm 30% tổng kim ngạch với 97 tỷ USD trong năm 2023. Việc được công nhận sẽ giảm nguy cơ bị áp thuế chống bán phá giá và tạo sân chơi công bằng hơn cho hàng hóa Việt Nam tại thị trường Mỹ.

Nhưng nếu Mỹ không công nhận Việt Nam là nền KTTT, sẽ gây ra nhiều hệ lụy xấu. Bộ Công Thương Việt Nam cũng đã đề cập đến nội dung này. Cụ thể là khi xác định giá trị thông thường để tính biên độ phá giá, Mỹ sẽ sử dụng giá trị của một nước thứ ba được coi là có nền KTTT (nước thay thế) để tính toán chi phí sản xuất của các DN tại Việt Nam, thay vì sử dụng dữ liệu do các DN Việt Nam cung cấp. Điều này khiến biên độ phá giá bị đẩy lên rất cao, và không phản ánh thực trạng sản xuất của các DN Việt Nam.

Bên cạnh đó, việc coi Việt Nam là nền kinh tế phi thị trường, sẽ cho phép Mỹ áp dụng thuế suất toàn quốc - là mức thuế dành cho các DN không hợp tác hoặc không chứng minh được họ không chịu sự kiểm soát của Chính phủ. Thuế suất toàn quốc thường được Mỹ tính toán dựa trên dữ liệu sẵn có, nên thường bị đẩy lên rất cao, và được duy trì trong tất cả các đợt rà soát, gây cản trở cho việc xem xét dỡ bỏ lệnh áp thuế.

Điển hình là Ủy ban Thương mại Quốc tế Mỹ (ITC), đã giữ nguyên mức thuế chống bán phá giá cao nhất 25,76%, đối với tôm nước ấm đông lạnh của Việt Nam nhập khẩu vào thị trường này trong năm 2024. Trong khi đó, đối với Thái Lan - quốc gia được Mỹ công nhận là nền KTTT, mức thuế này chỉ là 5,34%.

Theo số liệu của Cục Phòng vệ thương mại, đến nay hàng xuất khẩu của Việt Nam đã phải đối mặt với 252 vụ việc điều tra phòng vệ thương mại từ 24 quốc gia và vùng lãnh thổ. Trong đó, Mỹ là quốc gia khởi xướng điều tra phòng vệ thương mại nhiều nhất với Việt Nam, với 64 vụ việc, chiếm khoảng 25,4% tổng số vụ hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam bị nước ngoài điều tra.

Tính riêng 7 tháng đầu năm 2024, hàng hóa Việt Nam bị tiến hành 5 vụ điều tra phòng vệ thương mại tại Mỹ, chiếm 50% tổng số vụ việc phát sinh đối với Việt Nam trong 7 tháng.

Do vậy, việc không công nhận Việt Nam là quốc gia có nền KTTT, sẽ ảnh hưởng nhiều đến việc ứng phó với các vụ việc phòng vệ thương mại tại Mỹ nói riêng và hoạt động xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường này nói chung. Hơn nữa, việc không được công nhận là nền KTTT, cũng ảnh hưởng đến hình ảnh và vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế.

Nó có thể tạo ra những nghi ngờ về mức độ phát triển và tính minh bạch của nền kinh tế Việt Nam, từ đó gây khó khăn trong việc đàm phán và ký kết các hiệp định thương mại tự do với các đối tác khác.

- Vậy tới đây khi hoàn thiện hồ sơ tiếp theo, Việt Nam cần chú ý đến nội dung nào và cần cải thiện những vấn đề gì để được Mỹ công nhận là nền KTTT?

- Giải pháp tổng thể và dài hạn, Việt Nam cần tiếp tục cải cách mạnh mẽ nền kinh tế, tạo lập đồng bộ các yếu tố thị trường, tăng cường và nâng cao tính minh bạch trong quản lý nhà nước, cải thiện môi trường kinh doanh. Bảo vệ quyền sở hữu tài sản hợp pháp và quyền tự do kinh doanh, thực thi hợp đồng của người dân, DN theo quy định của pháp luật, tăng cường bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ.

Những nỗ lực này không chỉ giúp Việt Nam tiến gần hơn đến việc được công nhận là nền KTTT, mà còn nâng cao năng lực cạnh tranh tổng thể của nền kinh tế trong bối cảnh hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng.

Về các giải pháp cụ thể, ngắn hạn, Việt Nam cần chủ động tăng cường đối thoại với Mỹ để giải quyết các vấn đề kinh tế, thương mại, xã hội còn tồn tại để có sự thấu hiểu. Đồng thời cần có thái độ cầu thị tiếp thu các ý kiến đóng góp của Mỹ để hoàn thiện khung khổ các chính sách, pháp luật hiện hành, tạo môi trường kinh doanh thông thoáng và điều kiện thuận lợi cho hoạt động của DN, người dân, đáp ứng được lợi ích hài hòa của cả hai nước.

Chính phủ Việt Nam cần lập Tổ công tác trực thuộc sự chỉ đạo trực tiếp của Thủ tướng, nhằm tập hợp các cơ quan, ban ngành trung ương có liên quan đến các tiêu chí để Mỹ công nhận là nền KTTT.

Tổ này sẽ nghiên cứu, phân tích các lập luận trong Báo cáo đánh giá nền kinh tế Việt Nam của Bộ Thương mại Mỹ, trên cơ sở đó có những đề xuất điều chỉnh các chính sách, pháp luật liên quan và bổ sung, hoàn thiện lập luận, minh chứng để gửi hồ sơ yêu cầu Bộ Thương mại Mỹ xem xét lại quy chế KTTT cho Việt Nam.

- Xin cảm ơn ông.

 

Nguồn tin: Báo Sài Gòn giải phóng online