25 lãnh đạo cao cấp từ các doanh nghiệp hàng đầu về công nghệ số dự Tọa đàm chương trình Co-op

Ngày 11/6/2024, 25 Chủ tịch, Tổng Giám đốc, Phó Tổng Giám đốc/Giám đốc các doanh nghiệp hàng đầu về công nghệ, công nghệ tài chính, ngân hàng số (IDG, ACB, Cemtes, Smart net, Inet Solution, Xelex, SBS, SSI, NamAbank, HDbank, NVC, Payoo, FPT software,…) đã cùng thảo luận về các hợp tác với Trường Đại học Kinh tế - Luật (UEL) để tổ chức đào tạo chương trình Co-operative Education (Co-op) ngành Công nghệ tài chính, Hệ thống thông tin quản lý.  

Đây là lần đầu tiên UEL triển khai chương trình đào tạo Co-op, dạy và học hợp tác giữa nhà trường và doanh nghiệp, thí điểm ở hai ngành Công nghệ tài chính (Fintech) và Hệ thống thông tin quản lý (MIS).   

Phát biểu khai mạc Tọa đàm, PGS.TS Hoàng Công Gia Khánh – Hiệu trưởng UEL cho biết mục tiêu của chương trình đào tạo Co-op là rút ngắn khoảng cách giữa đào tạo lý thuyết với thực tế vận hành tại doanh nghiệp. Trong năm đầu tiên triển khai chương trình đào tạo này, UEL dự kiến tuyển sinh 30 sinh viên/ngành. Theo lộ trình, Trường sẽ đánh giá hiệu quả cũng như nhìn nhận nhu cầu của thị trường để tăng quy mô đào tạo theo từng năm cho phù hợp. Hiệu trưởng kỳ vọng sinh viên từ năm 2, năm 3 có thể tham gia vào các công việc, dự án chuyên môn của doanh nghiệp và đến năm 4, sinh viên có thể làm việc như là một nhân viên của doanh nghiệp.  



PGS.TS Hoàng Công Gia Khánh – Hiệu trưởng phát biểu khai mạc Tọa đàm

Chương trình đào tạo Co-op của UEL sẽ được thiết kế đảm bảo thời gian cho sinh viên đi thực tập tại các doanh nghiệp bắt đầu ngay từ năm nhất. Theo quá trình làm việc thực tế của sinh viên, thời gian thực tập khoảng 3-4 tháng/năm học. Để đảm bảo khoảng thời gian dành cho sinh viên đi làm việc thực tế, nhà trường sẽ đẩy nhanh các tín chỉ lý thuyết, phía doanh nghiệp sẽ cùng hướng dẫn sinh viên các học phần liên quan đến kỹ năng nghề nghiệp, chuyên môn. 


Trao đổi tại Tọa đàm, PGS.TS Nguyễn Anh Phong – Trưởng khoa Tài chính – Ngân hàng, đơn vị đào tạo ngành Fintech cho tiết, chương trình Co-op mang lại lợi ích cho cả ba bên, trong đó, sinh viên là đối tượng được hưởng lợi nhiều nhất. Đào tạo Co-op giúp sinh viên phát triển cả về tư duy, kiến thức và kỹ năng. Tham gia công việc thực tiễn tại doanh nghiệp ngay từ năm nhất, sinh viên có cơ hội trải nghiệm với các công việc khác nhau, thực hành các kiến thức chuyên môn vào thực tiễn công việc, giúp sinh viên gia tăng thích nghi trong môi trường tổ chức và làm quen với văn hóa doanh nghiệp. Từ đó, sinh viên có thể đặt ra mục tiêu, vị trí làm việc và động lực học tập đúng đắn. 


Không chỉ sinh viên, doanh nghiệp cũng nhận được những lợi ích nhất định từ chương trình đào tạo Co-op. Cụ thể, doanh nghiệp được tiếp nhận sinh viên như một nhân viên tập sự, giải quyết yêu cầu công việc tại các vị trí mà doanh nghiệp cần thay vì phải tuyển dụng vị trí cố định. Doanh nghiệp cùng tham gia hướng dẫn, đánh giá từ kiến thức, kỹ năng, thái độ của sinh viên từ năm nhất, từ đó, giúp doanh nghiệp có điều kiện sàng lọc, tuyển dụng được nhân viên chính thức có chất lượng tốt, nắm bắt ngay công việc và hòa nhập tốt môi trường văn hóa của tổ chức. Bên cạnh đó, hình ảnh về mặt trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp cũng được gia tăng thông qua chương trình đào tạo Co-op.



PGS.TS Nguyễn Anh Phong – Trưởng khoa Tài chính – Ngân hàng giới thiệu về chương trình đào tạo Co-op ngành Fintech



TS Lê Hoành Sử - Trưởng khoa Hệ thống thông tin giới thiệu về chương trình đào tạo Co-op ngành MIS


Đa số các doanh nghiệp tham dự Tọa đàm đều cho rằng nhà trường nên điều chỉnh chương trình đào tạo Co-op Fintech và MIS để phù hợp với mục tiêu của Trường và hướng tới thị trường, nhu cầu của doanh nghiệp nhiều hơn. “Với định hướng đào tạo về lĩnh vực kinh tế, kinh doanh, nhà trường cần gia tăng các môn học chuyên sâu về kinh doanh và giảm bớt các môn học chuyên sâu về kỹ thuật” - Ông Nguyễn Công Tẩn - Tổng Giám đốc, Công ty Cổ phần Công nghệ Citek nêu ý kiến. 


Về vấn đề nhà trường và doanh nghiệp cùng tham gia đánh giá sinh viên ở các học phần Co-op, ông Nguyễn Ảnh Nhượng Tống - Chủ tịch Công ty công nghệ Tài chính NVC cho rằng chỉ nên để nhà trường đánh giá, chấm điểm sinh viên, doanh nghiệp không nên tham gia vào công tác này. Giảng viên của Trường cần cùng tham gia vào hoạt động của doanh nghiệp trong thời gian sinh viên đến doanh nghiệp thực tập, làm việc để vừa có thể đánh giá một cách chính xác về sinh viên, vừa có thể cập nhật những kiến thức thực tế từ doanh nghiệp nhằm điều chỉnh chương trình đào tạo – ông Tống đề xuất thêm.   

 



Một số doanh nghiệp trao đổi, đóng góp ý kiến tại Tọa đàm 


Hiệu trưởng Hoàng Công Gia Khánh ghi nhận những ý kiến, đóng góp từ phía doanh nghiệp và cho biết nhà trường sẽ xem xét điều chỉnh chương trình đào tạo theo hướng cập nhật kiến thức chuyên môn, đạo đức nghề nghiệp, tư duy sáng tạo, các kỹ năng mềm cho sinh viên; đồng thời, cân nhắc điều chỉnh quy mô đào tạo của mỗi ngành cho phù hợp. 


Sau Tọa đàm về hợp tác đào tạo cử nhân chương trình Co-op là Lễ ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác giữa UEL với 09 doanh nghiệp đối tác tham gia chương trình đào tạo Co-op hai ngành Công nghệ tài chính (Fintech) và Hệ thống thông tin quản lý (MIS). 

 



UEL ký kết hợp tác đào tạo Co-op với doanh nghiệp

 

Ban tổ chức chương trình và các đối tác, doanh nghiệp chụp hình lưu niệm

 

Chương trình đào tạo Co-op là chương trình đào tạo có sự kết hợp giữa các học kỳ học thông thường với một số kỳ tập sự hay làm việc tại doanh nghiệp như một nhân viên chính thức (từ năm 1 cho đến năm 4) và có thể được trả lương tùy vào vị trí và năng lực cũng như yêu cầu của doanh nghiệp. Điều này giúp sinh viên đạt được các kinh nghiệm thực tế, có khả năng đáp ứng ngay các vị trí việc làm ngay sau khi tốt nghiệp và có được bộ hồ sơ xin việc ấn tượng ngay khi còn học tại trường, nhờ đó tăng cao cơ hội việc làm sau tốt nghiệp.

 

Tin và hình ảnh: Phòng Truyền thông