Giám sát điện tử: Biện pháp thiết thực hỗ trợ tái hòa nhập

(PLO) - Việc bảo đảm quyền riêng tư phải được chú trọng, bằng cách bảo mật thông tin cá nhân và tránh để lộ tình trạng giám sát điện tử nhằm hạn chế kỳ thị từ xã hội.

 

Giám sát điện tử đối với người chưa thành niên phạm tội không chỉ giúp giảm chi phí duy trì cơ sở giam giữ mà còn bảo đảm an ninh, cho phép người bị giám sát tiếp tục học tập và tham gia các hoạt động xã hội mà không bị gián đoạn.

 

Bên cạnh đó, biện pháp này bảo vệ quyền lợi và hỗ trợ sự phát triển của người chưa thành niên, giúp họ tránh khỏi những tác động tiêu cực từ việc giam giữ. Từ đó, duy trì sự ổn định tâm lý và tăng cường khả năng tái hòa nhập cộng đồng, bảo đảm cơ hội sửa chữa sai lầm.

 

Tuy nhiên, biện pháp này đặt ra thách thức trong việc quản lý, yêu cầu sự giám sát liên tục và sự phối hợp chặt chẽ của cơ quan chức năng. Nếu người bị giám sát vi phạm cam kết hoặc phá hoại thiết bị, cơ quan chức năng phải có biện pháp xử lý kịp thời. Chi phí đầu tư ban đầu cho hệ thống giám sát điện tử cũng không nhỏ, đòi hỏi sự chuẩn bị kỹ lưỡng về hạ tầng và tài chính.

 

Thêm vào đó, việc công khai thông tin giám sát có thể dẫn đến kỳ thị từ cộng đồng, gây khó khăn cho người bị giám sát trong quá trình hòa nhập với cộng đồng. Tại các vùng sâu, vùng xa, hạ tầng mạng chưa hoàn thiện là một trở ngại lớn cho việc giám sát điện tử, ảnh hưởng đến hiệu quả quản lý và gia tăng chi phí vận hành.

 

Để việc vận hành trên thực tế không gặp nhiều vướng mắc, cơ quan chức năng cần thực hiện một số giải pháp đồng bộ. Trước hết, việc bảo đảm quyền riêng tư phải được chú trọng, bằng cách bảo mật thông tin cá nhân và tránh để lộ tình trạng giám sát điện tử nhằm hạn chế kỳ thị từ xã hội. Đơn cử, nếu như ở một số quốc gia, giám sát điện tử được thực hiện qua thiết bị là cùm chân điện tử được gắn ở cổ chân vốn dễ bị phát hiện và kỳ thị thì Việt Nam có thể nghiên cứu để áp dụng các thiết bị nhỏ gọn (như gắn ở cổ tay, ngón tay)… Song song đó, cần đầu tư phát triển hạ tầng mạng tại các vùng sâu, vùng xa để bảo đảm hiệu quả giám sát.

 

Ngoài ra, nâng cao nhận thức cộng đồng về giám sát điện tử và sự cần thiết của biện pháp này là bước đi quan trọng nhằm xóa bỏ định kiến, hỗ trợ người chưa thành niên hòa nhập tốt hơn. Sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan chức năng và cộng đồng trong việc giám sát và hỗ trợ phục hồi sẽ giúp tối ưu hóa hiệu quả của biện pháp, bảo đảm quyền lợi và cơ hội tái hòa nhập cho người chưa thành niên phạm tội.

 

TS CAO VŨ MINH, Trường ĐH Kinh tế - Luật (ĐHQG TP.HCM)

Nguồn tin: Báo Pháp luật