UEL tổ chức Hội thảo quốc tế về luật bảo vệ môi trường và biến đổi khí hậu (EPCCPL 2023)

Ngày 01/12/2023, Trường Đại học Kinh tế - Luật, ĐHQG-HCM (UEL) đã phối hợp với Trường Đại học Luật Hà Nội (HLU) và Trường Đại học Luật, Đại học Huế (HUL) tổ chức Hội thảo quốc tế với chủ đề: “Environmental Protection and Climate Change Policies and Law 2023: International and National Legislation Reaching Net-Zero Emissions - the Perspective of Developing Countries” EPCCPL 2023).

Hội thảo có sự tham dự của TS Chu Mạnh Hùng - Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng HLU, PGS.TS Đoàn Đức Lương - Hiệu trưởng HUL, về phía UEL có PGS.TS Lê Vũ Nam - Phó Hiệu trưởng. Cùng sự tham gia của 140 diễn giả quốc tế (đến từ Hoa Kỳ, Nhật Bản, Trung Quốc, Thái Lan,…), đại diện các cơ quan quản lý nhà nước, nhà khoa học, nghiên cứu sinh,... từ các trường đại học, viện, trung tâm nghiên cứu trên cả nước.


Thỏa thuận Paris và Chương trình Nghị sự 2030 về phát triển bền vững của Liên hợp quốc đã nhấn mạnh những tác động tiêu cực mà biến đổi khí hậu tác động đến kinh tế - xã hội, như sự gia tăng của những hiện tượng thời tiết khí hậu cực đoan, thảm họa thiên tai, môi trường, dịch bệnh. Trong đó, đòi hỏi sự hợp tác hiệu quả của tất cả các quốc gia trên thế giới và yêu cầu cấp bách việc cần cắt giảm phát thải khí nhà kính trên quy mô toàn cầu. Sự hợp tác này hết sức cần thiết để thực thi các biện pháp thích ứng với biến đổi khí hậu, cụ thể là tăng cường khả năng chống chịu và phục hồi của các quốc gia đang phát triển và các khu vực dễ bị tổn thương trước tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu. Do vậy, các cam kết về giảm thiểu và thích ứng với biến đổi khí hậu trong thời gian gần đây không còn giới hạn ở các quốc gia phát triển có mức phát thải cao mà bao gồm cả những quốc gia đang phát triển, vốn dễ bị tổn thương trước các tác động của hiện tượng này.


Việt Nam là một trong mười quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của biến đổi khí hậu, tại Hội nghị Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP 26, COP 27) nước ta đã có những cam kết kiên định đối với Chương trình Nghị sự 2030 về phát triển bền vững, cũng như mục tiêu hướng đến phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050, từ đó thúc đẩy sự phát triển của đất nước theo hướng toàn diện, bền vững. Những cam kết này của Việt Nam được Liên hợp quốc và cộng đồng quốc tế đánh giá cao, nhưng đồng thời cũng đặt ra các thách thức trong việc lựa chọn và thực thi chính sách pháp luật phù hợp trong bối cảnh thiếu kinh nghiệm cũng như nguồn tài chính cần thiết.



Thực hiện chiến lược phát triển về khoa học công nghệ, Trường Đại học Kinh tế - Luật, ĐHQG-HCM đã chủ trì và thực hiện các dự án, đề tài quốc tế với chủ đề về bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi hậu hướng tới sự phát triển bền vững. Đây là hướng nghiên cứu đang nhận được nhiều sự quan tâm của giới học thuật trên thế giới. Phát biểu chào mừng, khai mạc và đề dẫn của PGS.TS Lê Vũ Nam, TS Chu Mạnh Hùng và PGS.TS Đoàn Đức Lương cùng khẳng định vai trò quan trọng của việc cắt giảm phát thải khí nhà kính trong bối cảnh các quốc gia thực hiện cam kết mạnh mẽ để đưa mức thải ròng về “0” (Net-Zero Emissions) vào giữa thế kỷ XXI. Trên cơ sở xác định vấn đề bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu là xu hướng phát triển tất yếu của toàn cầu, đại diện lãnh đạo 03 đơn vị đồng tổ chức kỳ vọng Hội thảo quốc tế EPCCPL 2023 sẽ trở thành một trong những diễn đàn thường niên để các học giả, nhà nghiên cứu, nhà hoạch định chính sách, các tổ chức và cá nhân, người dân chịu tác động bởi các chính sách pháp luật về bảo vệ môi trường và biến đổi khí hậu cùng nhau đối thoại, thảo luận. 

 

PGS.TS Lê Vũ Nam – Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế - Luật phát biểu khai mạc Hội thảo

 


PGS.TS Lê Vũ Nam trao hoa và thư cảm ơn cho TS Chu Mạnh Hùng và PGS.TS Đoàn Đức Lương - đại diện hai đơn vị đồng tổ chức


Hội thảo EPCCPL 2023 được tổ chức kết hợp bằng cả hình thức trực tiếp và trực tuyến (hybrid), sử dụng ngôn ngữ hoàn toàn bằng tiếng Anh. Tại phiên toàn thể (buổi sáng), Hội thảo có 4 báo cáo chính đến từ các học giả quốc tế: “Awakening Capitalism: Lessons from the East for the West” (của GS. Alan R. Palmiter William T. Wilson, III, Trưởng Khoa Luật Kinh doanh, Trường Luật, Đại học Wake Forest, Hoa Kỳ); “Legal Challenges in Combating Climate Change” (của GS. Yuko Nishitani, Phó Chủ tịch Học viện Luật Quốc tế the Hague, Đại học Kyoto, Nhật Bản); “Pursuing Climate Justice Through Public Interest Litigation: Theories, Practices, and Prospects” (của GS. Zhang Hui, Trường Đại học Trung Chính Tây Nam, Trung Quốc); “The current trend of carbon pricing in the world and policy options for Viet Nam” (của TS. Đào Gia Phúc, Viện trưởng, Viện Pháp luật Quốc tế và So sánh, UEL).


Toàn cảnh Hội thảo


Đại biểu, nhà khoa học tham dự được tiếp cận nhiều góc nhìn gợi mở dựa trên lăng kính toàn cầu. GS. Yuko Nishitani trình bày chủ đề biến đổi khí hậu từ quan điểm của luật pháp quốc tế công và tư, đồng thời đề cập đến chính sách của Chính phủ Nhật Bản và những thách thức xung quanh việc thực hiện chính sách này trong việc chống lại biến đổi khí hậu. Tham luận còn chỉ ra những hạn chế hiện tại của khung pháp lý và trách nhiệm của toàn cầu trong việc chống lại việc biến đổi khí hậu.


Theo GS Zhang Hui tình trạng nóng lên toàn cầu và biến đổi khí hậu từ lâu đã là những thách thức quốc tế, gây ra mối quan tâm ngày càng sâu sắc hơn đến sự phát triển bền vững và đối xử công bằng với con người trong cộng đồng quốc tế. Các cộng đồng người có thu nhập thấp, người da màu, người bản địa, người khuyết tật, người già hoặc người rất trẻ và thậm chí cả phụ nữ, tất cả đều có thể dễ bị tổn thương hơn trước những rủi ro do tác động của khí hậu như thời tiết khắc nghiệt, lũ lụt, hạn hán, nước biển dâng, thiếu nước, lương thực và nhiều bệnh tật bất thường. GS giới thiệu về định nghĩa Công lý khí hậu (Climate justice) và Kiện tụng khí hậu (Climate litigation) và kinh nghiệm xây dựng luật của Trung Quốc trong việc khởi kiện dân sự vì lợi ích công cộng về môi trường (được gọi chung là EPIL).

 

GS Zhang Hui - Trường ĐH Trung Chính Tây Nam, Trung Quốc trình bày tham luận "“Pursuing Climate Justice Through Public Interest Litigation: Theories, Practices, and Prospects”


TS Đào Gia Phúc (Viện Trưởng Viện Pháp luật Quốc tế và So sánh, UEL) đã giới thiệu chung về bối cảnh và khung pháp lý về định giá cacbon tại Việt Nam, xu hướng của thế giới trong việc định giá cacbon trên thế giới. Định giá carbon được xem là yếu tố trọng tâm trong kế hoạch chống biến đổi khí hậu của nhiều quốc gia. Thông qua phần trình bày, TS Đào Gia Phúc đã kết luận không có lựa chọn nào phù hợp cho tất cả - do đó, việc lựa chọn công cụ, mức độ bao phủ và giá cơ bản nên được điều chỉnh để đáp ứng hoàn cảnh, ưu tiên và nhu cầu trong nước. Ngoài ra, nhận định hiện nay còn sớm để đánh giá sự hiệu quả của thị trường carbon tại Việt Nam. Nhiều vấn đề cần được làm rõ và phát triển. Đồng thời, TS Phúc cũng đưa ra một số đề xuất cho sự phát triển của Việt Nam (như sử dụng nguồn doanh thu cho những cộng đồng người bị ảnh hưởng).

 

TS Đào Gia Phúc - Viện Trưởng Viện Pháp luật Quốc tế và So sánh, UEL trình bày tham luận "“Trends of carbon pricing and policy options for Viet Nam”


Ngoài ra, gần 30 bài tham luận được báo cáo, thảo luận ở 4 phiên thảo luận chuyên đề, xoay quanh những chủ đề: International legislation reaching net-zero emissions, National legislation reaching net-zero emissions, Climate justice and meaningful public participation in environmental decision-making, Carbon market and green finance. Tại các phiên, học giả và các đại biểu đã trao đổi, thảo luận sôi nổi về những thách thức đối với chính sách, pháp luật và thực tiễn triển khai về việc bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu.

 

Phiên chuyên đề diễn ra vào buổi chiều


Phát biểu bế mạc, PGS.TS Lê Vũ Nam - Phó Hiệu trưởng UEL cảm ơn sự tham gia và đóng góp các đơn vị, đặc biệt là hai đối tác đồng tổ chức và chủ trì Hội thảo ( HLU, HUL). Cùng sự tham gia sôi nổi, hiệu quả của các diễn giả và nhà khoa học với nhiều bài tham luận, báo cáo chất lượng. Các nội dung quan trọng được tổng hợp, đúc kết sẽ gửi các đơn vị liên quan tham khảo cho quá trình xây dựng chính sách, hoàn thiện pháp luật cho Việt Nam nói riêng và các quốc gia đang phát triển nói chung trong lĩnh vực này. Ngoài ra, đây là những tiền đề quan trọng, mở ra những cơ hội hợp tác nghiên cứu, trao đổi học thuật giữa các bên trong thời gian tới về chủ đề bảo vệ môi trường và chống biến đổi khí hậu. 


Sau Hội thảo, Ban tổ chức sẽ tổng hợp và chọn lọc các bài viết xuất sắc để xuất bản Kỷ yếu EPCCPL 2023. Hy vọng rằng, đây sẽ là nguồn tài liệu tham khảo chất lượng dành cho giới học thuật, các nhà khoa học và cơ quan quản lý phục vụ hoạt động giảng dạy, nghiên cứu, xây dựng chính sách.

 

Ban Tổ chức và các đại biểu tham dự Hội thảo chụp hình lưu niệm



Tin và hình ảnh: Phòng Truyền thông